Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, địa phương.

1-1663662217.jpg
Quang cảnh hội nghị giao ban

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Đức cho biết: Tính đến ngày 10/9/2022, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân 2.119.069 triệu đồng, đạt 29,74%/KH 7.124.721 triệu đồng; nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết đã giải ngân đạt 36,52% (cùng kỳ năm 2021 là 46,2%). Trong đó, nguồn ngân sách địa phương đã giải ngân 369.584 triệu đồng, đạt 23,72% KH; nguồn ngân sách Trung ương đã giải ngân 1.749.485 triệu đồng, đạt 31,43% KH.

2-1663662249.jpg
Đ/c Nguyễn Xuân Đức – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Nguồn ngân sách địa phương các năm trước kéo dài sang năm 2022 đã giải ngân 360.644 triệu đồng, đạt 63,27%/KH kéo dài 569.990 triệu đồng.

Theo tổng hợp, có 9 đơn vị chủ đầu tư giải ngân trên 80%: Trường THPT Nghi Lộc 3 (100%), Trường THPT Quỳ Hợp 3 (100%), Trường THPT Đô Lương 3 (100%), Trường THPT Mường Quạ (100%), Trường THPT Thanh Chương 3 (100%), Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An (100%), Trường THPT Yên Thành 2 (98,33%), Trường THPT Cửa Lò (97,14%), Chi cục Phát triển nông thôn (86,13%)

6 đơn vị chủ đầu tư giải ngân từ 50% - 80%: Sở Giao thông Vận tải (76%), Trường THPT Tương Dương 2 (67,8%), Công an tỉnh Nghệ An (65,64%), Trường THPT Phan Thúc Trực (62,6%), Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An (53,44%), UBND huyện Nghi Lộc (53,42%).

15 cơ quan, đơn vị chưa thực hiện giải ngân, bao gồm: Sở Y tế, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nghệ An, Sở Thông tin & Truyền thông, Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Tây Bắc Nghệ An, Công ty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Đảng uỷ Khối các cơ quan tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ, Trường Đại học Y khoa Vinh.

3-1663662358.jpg
Giám đốc Sở Y tế Dương Đình Chỉnh báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của ngành Y tế

Tại hội nghị, các cơ quan, đơn vị đã báo cáo cụ thể về kết quả giải ngân các dự án. đồng thời phân tích nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư chậm. Theo đó, nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm là do giá của các loại vật liệu xây dựng tăng đột biến, đặc biệt là giá xăng dầu, sắt, thép, xi măng... tăng mạnh, dẫn đến phải điều chỉnh dự án làm mất thời gian hoặc thi công cầm chừng chờ điều chỉnh giá. Đối với các công trình khởi công mới và công trình chuyển tiếp có gói thầu mới, quy trình thực hiện các bước lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và đấu thầu mất nhiều thời gian nên tiến độ chậm hơn.

4-1663662389.jpg
Chủ tịch UBND huyện Đô Lương Hoàng Văn Hiệp báo cáo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công

Đối với các dự án ODA do quy trình phải triển khai nhiều thủ tục theo quy định của Việt Nam và của nhà tài trợ nước ngoài, đặc biệt là quy trình xin ý kiến không phản đối của nhà tài trợ đối với phương án đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như công tác đấu thầu nên mất nhiều thời gian hơn so với các dự án trong nước.

Nguồn vốn kéo dài từ các năm trước sang năm 2022 giải ngân chậm do nguồn ngân sách Trung ương mới được Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài trong tháng 6, các dự án giải ngân chậm chủ yếu là dự án ODA. Đối với nguồn ngân sách địa phương, chủ yếu bố trí tồn ngân cho các dự án khởi công mới hiện đang thực hiện các thủ tục phê duyệt thiết kế - dự toán, đấu thầu, chưa thi công có khối lượng để giải ngân.

Một số chủ đầu tư, ngành, huyện chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Năng lực một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn, xây lắp, giám sát... chưa đáp ứng được yêu cầu. Lãnh đạo các địa phương, đơn vị cam kết sẽ cơ bản hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư công trước 30/12/2022.

5-1663662421.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh yêu cầu các chủ đầu tư phải dự báo các khó khăn của dự án, để xây dựng tiến độ chi tiết dự án. Rà soát, đánh giá lại năng lực của các nhà thầu; tổ chức nghiệm thu công trình theo từng tuần, từng tháng; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng dự án
6-1663662429.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung phát biểu kết luận hội nghị

Tại hội nghị giao ban, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung đánh giá một số ngành, địa phương đã rất quan tâm và có kết quả giải ngân tốt như ngành Giao thông Vận tải, Công an tỉnh, ngành Văn hóa, huyện Nghi Lộc, huyện Quế Phong, huyện Kỳ Sơn. Bên cạnh đó, một số ngành, địa phương kết quả giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. “Tại hội nghị, lãnh đạo các ngành, địa phương đã thẳng thắn nhận trách nhiệm, có cam kết về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan và chủ quan, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư chậm là do một số chủ đầu tư chưa thực sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo; năng lực lãnh đạo, chỉ đạo còn nhiều hạn chế; công tác chuẩn bị các dự án đầu tư còn hạn chế, chưa sát thực tế...

Hiện nay thời gian còn rất ít, số lượng dự án chưa giải ngân còn rất lớn, vì vậy Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung yêu cầu các địa phương, sở, ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công. Các địa phương, sở, ngành thực hiện nghiêm cam kết với tỉnh về giải ngân vốn đầu tư công. Đưa tiêu chí giải ngân vốn đầu tư công thành tiêu chí thi đua khen thưởng hàng năm.

Ngành Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện các dự án; tham mưu tỉnh thay thế các chủ đầu tư năng lực hạn chế, thấp, không có khả năng thực hiện dự án. Đồng thời, phối hợp với các ngành để giao kế hoạch chi tiết thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 30/9. Tập trung xử lý các vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Ngành Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương giải quyết các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng. Ngành Xây dựng thường xuyên cập nhật, công bố giá vật liệu xây dựng. Các Sở chuyên môn tập trung hỗ trợ các ngành, địa phương trong công tác thẩm định các dự án đầu tư. Các chủ đầu tư báo cáo UBND tỉnh những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ...

Các chủ đầu tư phải lựa chọn nhà thầu có năng lực từ khâu lập dự án, tư vấn lập dự án, thiết kế dự án... Đối với nhà thầu năng lực yếu thì phải thay thế để đảm bảo tiến độ dự án. Chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án. Rà soát tiến độ giải ngân dự án hàng tuần, hàng tháng... Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ngành để nghiên cứu, hướng dẫn chủ đầu tư dự án trong việc thực hiện tạm ứng nguồn vốn dự án.

“Các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cố gắng hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công như đã cam kết” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Đối với việc xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023, ngành Kế hoạch và Đầu tư, các ngành, các địa phương chủ động rà soát, đánh giá khả năng thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 sát với thực tế để đăng ký nhu cầu vốn. “Ngành nào, địa phương nào, chủ đầu tư nào giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 không đạt yêu cầu, thấp thì sẽ xem xét việc giảm bố trí vốn năm 2023 hoặc dừng bố trí vốn năm 2023. Ngay sau khi được thông qua kế hoạch năm 2023 thì phải tập trung quyết liệt để thực hiện” – Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Trong 130 dự án giải ngân chậm dưới 50%, chủ yếu là do các nguyên nhân sau:

- Vướng giải phóng mặt bằng: 15 dự án

- Một số dự án chuyển tiếp do khâu khảo sát, thiết kế rà soát chưa kỹ hoặc đã phê duyệt quá lâu hoặc nên nhiều nội dung không còn phù hợp, một số dự án tăng tổng mức đầu tư do tăng giá nguyên vật liệu... hiện đang phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật và dự toán: 13 dự án.

- Một số dự án chuyển tiếp nhưng triển khai gói thầu mới, phải thực hiện các thủ tục phê duyệt thiết kế - dự toán, đấu thầu mất nhiều thời gian: 16 dự án

- Các dự án khởi công mới chưa hoàn thành các bước thủ tục đầu tư: 51 dự án (theo cam kết của chủ đầu tư, dự kiến thời gian hoàn thành phê duyệt kết quả đấu thầu để khởi công như sau: Trong tháng 9: 13 dự án; trong tháng 10: 20 dự án; trong tháng 11: 10 dự án; trong tháng 12: 5 dự án; năm 2023: 3 dự án)

- Một số dự án đang thực hiện thủ tục quyết toán nên chưa giải ngân: 5 dự án.

- Một số dự án vướng các nguyên nhân khác như quy trình, thủ tục dự án ODA phức tạp, kéo dài, không thống nhất được phương án thiết kế với gia đình dòng họ (dự án Tu bổ, tôn tạo di tích nhà thờ và mộ Hồ Tùng Mậu)...: 8 dự án

- Các dự án còn lại đang triển khai thi công có khối lượng để giải ngân: 32 dự án (trong đó có 7 dự án khởi công mới và 7 dự án chuyển tiếp có gói thầu mới mới hoàn thành xong thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp).