Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa tai nạn, thương tích đối với trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước cho trẻ em; nâng cao vai trò, trách nhiệm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được phân công tại Kế hoạch số 625/KH-UBND ngày 30/10/2021 về triển khai Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em tỉnh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch số 197/KH-UBND ngày 24/3/2022 về thực hiện công tác trẻ em trên địa bản tỉnh Nghệ An năm 2022.
Các đơn vị, địa phương đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em đến từng trường học, lớp học, khối, xóm, thôn, bản. Đồng thời, vận động gia đình thường xuyên quan tâm trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ tai nạn, thương tích và đuối nước; quan tâm cải tạo, loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn, thương tích và đuối nước cho trẻ em ngay tại gia đình, cộng đồng... và thực hiện các biện pháp liên quan khác để đảm bảo an toàn, hạn chế tối đa các vụ tai nạn, thương tích, đuối nước đối với trẻ em trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh giao Sở LĐTB&XH hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra, đôn đốc việc xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và phòng, chống đuối nước trẻ em, đặc biệt là thời gian trước khi học sinh nghỉ hè; xây dựng và chia sẻ tài liệu truyền thông phòng, chống đuối nước cho trẻ em để tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó, kịp thời quan tâm, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho gia đình của trẻ em bị tai nạn thương tích nặng và tử vong do tai nạn, thương tích, đuối nước; xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức các đoàn kiểm tra công tác trẻ em nói chung, trong đó có nội dung về công tác phòng chống tai nạn, thương tích và phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Các Sở: TT&TT, GD&ĐT, Y tế, VH&TT, GTVT, Xây dựng theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị thực hiện tốt các nội dung được giao. Trong đó, Sở GD&ĐT hướng dẫn, triển khai thực hiện, kiểm tra việc xây dựng “Trường học an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em”.
UBND tỉnh cũng giao UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng và UBND các xã kiểm tra, rà soát các khu vực thường xảy ra tai nạn giao thông và đuối nước hoặc có nguy cơ gây tai nạn thương tích và đuối nước cho trẻ em trong mùa mưa, bão, lũ, bao gồm hệ thống thoát nước tại các công trình xây dựng, công trình giao thông, các sông, ao, hồ, khu vực nước sâu nguy hiểm, cảnh báo phòng ngừa, bảo đảm an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho trẻ em.
Các địa phương tăng cường công tác truyền thông về phòng chống đuối nước trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương; tuyên truyền trực quan qua hệ thống băng rôn, khẩu hiệu, pano, áp phích, tờ rơi... nhất là tại các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo; bố trí ngân sách và vận động sự tham gia của cộng đồng và gia đình tạo điều kiện cho trẻ em học bơi lội và các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; quan tâm xây dựng, bảo dưỡng cơ sở vật chất, thiết chế thể dục, thể thao, phát triển hệ thống bể bơi thông minh, bể bơi tự tạo để tổ chức các lớp dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước và phổ cập bơi an toàn cho trẻ em.
Các địa phương có khu du lịch sinh thái, có các điểm tắm biển, sông, suối, thác, khe... chủ động kiểm tra công tác bảo đảm phòng, chống tai nạn đuối nước và bố trí đội ngũ nhân viên cứu nạn, cứu hộ thường trực tại các địa điểm có nguy cơ để sẵn sàng phát hiện, kịp thời cứu những trường hợp đuối nước. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn việc tăng cường rèn luyện thể dục, thể thao, các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động văn hóa, nghệ thuật cho trẻ em trong mùa hè; ngăn chặn, xử lý nghiêm việc cung cấp, lan truyền các sản phẩm, nội dung phản cảm, có hại, tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ em; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện tại các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học... thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các cơ sở, đơn vị, cá nhân không nghiêm túc thực hiện để xảy ra tình trạng trẻ em, học sinh không được quản lý, giám sát, thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng, thiếu sự trợ giúp kịp thời dẫn đến tử vong. Tùy theo mức độ có thể không xem xét thi đua hoặc bị hạ bậc thi đua trong năm./.