so-do-dat-rung1-1653873642.jpg
Một góc rừng đang tranh chấp giữa những người có tên trong quyết định cấp sổ đỏ và người mua lại

Khuất tất trong việc đổi sổ, mất đất

Nhiều hộ dân ở xã Thanh Thuỷ (huyện Thanh Chương) được nhận đất để trồng, bảo vệ rừng từ năm 1996. Lúc bấy giờ họ được huyện cấp giấy chứng nhận giao đất, gọi là sổ xanh. Với chủ trương giao đất lâu dài cho dân (50 năm), năm 2006, UBND huyện này đã quyết định thu hồi sổ xanh, để giao sổ đỏ cho bà con. Cụ thể, Quyết định số 756, ngày 26/5/2006 của UBND huyện Thanh Chương có nội dung: cấp sổ đỏ đất rừng cho 362 hộ dân tại xã Thanh Thủy, với thời hạn sử dụng đất 50 năm. Thế nhưng, sau khi có quyết định cấp đổi, nhiều hộ dân có tên nhưng lại không nhận được sổ.

Ở xóm 3, xã Thanh Thuỷ, từ năm 1996, hộ ông Nguyễn Văn Hoè được nhận 2 thửa đất rừng với diện tích 10 ha. Năm 2006, ông có quyết định đổi sổ đỏ theo quyết định của UBND huyện. Tuy nhiên, cho đến nay ông vẫn chưa hề nhận được sổ. Trớ trêu nữa là, đất của ông bà hiện đang có một người khác sử dụng, trồng cây. 

Ông Hoè bức xúc phản ánh: “Một người tên Hạnh ở thị trấn Dùng tuyên bố là đất này ông ấy đã đượccấp sổ đỏ. Mới đây, ông này thu hoạch cây keo, chúng tôi ngăn cản thì lại xuất hiện một người khác, nói là đã mua lại đất rừng của ông Hạnh”. Ông Hoè cho biết thêm: Hỏi xã thì xã nói không thấy sổ đỏ chuyển về, hỏi huyện thì huyện bảo chuyển về cho xã rồi. Vậy sổ đỏ của chúng tôi đi đâu, biết hỏi ai bây giờ?

Gia đình bà Trần Thị Hoà ở xóm 8, nhận 14 ha đất rừng từ năm 1998, là một trong những hộ dân được cấp đổi sổ đỏ năm 2006 theo Quyết định của UBND huyện Thanh Chương. Và cũng giống như ông Hoè, sổ đỏ và đất của bà thuộc về…người khác. Bà Hoà có hoàn cành rất khó khăn, chồng mất sớm, một thân nuôi hai con ăn học. Từ ngày không có đất rừng để sản xuất, bà phải bươn chải khắp nơi để kiếm sống. Bà than vãn: “Đi đòi mãi không được, giờ cũng chẳng biết kêu ai nữa, thôi thì đành chịu vậy”.

Điển hình là trường hợp đất rừng của ông Nguyễn Hữu Giáp ở xóm 5. Năm 1998, ông được cấp 20 ha đất rừng. Năm 2006, sau khi đổi sổ đỏ thì diện tích “teo” lại chỉ còn hơn 8ha. Gần 12 ha đất rừng của ông Giáp cũng “chạy” về nhà khác. Ông Giáp buộc phải kiện ra toà án, và cả hai lần xét xử ông đều bị tuyên thua kiện. Mới đây, Toà cấp cao tại Hà Nội đã tuyên huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Rồi gia đình bà Vinh, bà Lan…cũng chung cảnh sổ đỏ và đất rừng “bay” về nhà khác, trong lúc họ không thể hiểu được lí do vì sao.

so-do-dat-rung-2-1653871220-1653873674.jpg
Một số hộ dân chuẩn bị hồ sơ, đơn từ để tiếp tục đòi lại đất rừng

Chủ tịch xã cũng thấy khó hiểu

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Thanh Thuỷ - ông Hà Hồng Thái, nói: Đây là câu chuyện khó hiểu và gây bức xúc cho bà con. Ông Thái cũng cho biết, cán bộ địa chính, người chịu trách nhiệm làm các thủ tục cấp đổi bìa cho dân ở thời điểm đó, là ông Bùi Xuân Hùng và ông này đã nghỉ hưu. Xã có mời ông Hùng đến để làm việc, ông này thừa nhận ông ký nhận bìa từ huyện mang về cho người dân, nhưng lại phân bua rằng, một số hộ không có bìa là do họ trực tiếp nhận từ huyện. Trong lúc đó, các hộ dân đều khẳng định họ không hề đến huyện để nhận bìa như lời ông Hùng.

Chủ tịch xã Thanh Thuỷ cũng cho biết thêm, mới đây đã xẩy ra tranh chấp đất rừng giữa 4 hộ dân thuộc diện được đổi bìa đỏ và một người mua lại đất rừng của người khác. Do đó xã đã đình chỉ việc trồng keo của gia đình mua lại đất kia. Ông Chủ tịch nói rõ: “Chúng tôi đang xác minh, phối hợp với các phòng ban liên quan của huyện để làm rõ nguyên nhân và sẽ có hướng xử lý phù hợp./.