Trong những ngày qua, UBND phường và BQL chợ Hưng Dũng (phường Hưng Dũng, TP. Vinh) đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch tại chợ. Hoạt động buôn bán của các tiểu thương phía ngoài chợ cấm triệt để, chỉ mở 2 cổng chính phía trước. Người dân khi ra vào chợ phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, thực hiện 5K; tiểu thương khi vào chợ được BQL chợ cấp giấy chứng nhận kinh doanh buôn bán tại chợ.
Theo kế hoạch, chiều 19/8, 100% tiểu thương của chợ sẽ được xét nghiệm Covid-19 miễn phí tại Sân vận động của phường.
Ông Nguyễn Ngọc Khánh - Chủ tịch UBND phường Hưng Dũng cho biết: “Từ ngày 14/8, khi xác định ổ dịch tại chợ đầu mối, sau đó là chợ Quang Trung, công tác phòng chống dịch ở chợ Hưng Dũng, Nhà Đỉn được phường chỉ đạo nâng lên cấp độ cao hơn. Ngoài bố trí thêm lực lượng tăng cường tại các chợ để kiểm soát người ra vào thì lãnh đạo phường trực tiếp xuống các chợ để chấn chỉnh, kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc, hàng quán tạm phía ngoài; cấp hóa chất, nhân lực phun khử khuẩn các chợ”.
Toàn thành phố hiện có 27 chợ đang hoạt động, cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân thành phố. Ngay sau khi phát hiện ca mắc Covid-19 tại chợ đầu mối, thành phố đã tập trung rà soát, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch tại tất cả các chợ trên địa bàn.
Theo đó, cùng với 5K, yêu cầu các chợ thực hiện giãn cách 2m giữa người với người. Các chợ đã kẻ vạch ngăn cách, chăng dây để giữ khoảng cách; đồng thời, bố trí lực lượng chốt chặn tại cửa ra - vào chợ, hạn chế số lượng người mua bán trong chợ, không tập trung cùng 1 lúc; kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm, hoạt động kinh doanh buôn bán bên ngoài khu vực chợ.
Ông Trần Quang Lâm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết: “Tại địa bàn thành phố Vinh, có tiểu thương của 17 huyện, thành thị trong tỉnh và một số địa phương ở Hà Tĩnh hàng ngày vào các chợ dân sinh trên địa bàn kinh doanh, buôn bán do đó, công tác quản lý hết sức khó khăn. Dù khó đến đâu cũng phải làm triệt để để khống chế dịch, hiện các phường xã trên địa bàn đã nâng mức độ phòng chống dịch ở chợ lên mức cao hơn, cụ thể hơn, thiết thực hơn.
Thành phố cũng kiên quyết đóng cửa, phong tỏa các chợ nguy cơ cao; thận trọng khi mở cửa trở lại các chợ đã phong tỏa… Bắt đầu từ ngày 20/8, toàn thành phố thực hiện phân chia tần suất đi chợ bằng cách phát thẻ đi chợ cho người dân”.
Không chỉ ở thành phố Vinh, việc phòng chống dịch ở các địa phương cũng đang được thực hiện quyết liệt.
Thị xã Cửa Lò có nhiều ca mắc Covid-19 ở chợ Đặc sản (Nghi Thu) và chợ Hôm (Nghi Thủy), hiện 2 chợ này đã được phong tỏa, tiến hành khử khuẩn toàn bộ khu vực chợ. Riêng tại 4 chợ còn lại, việc kiểm soát phòng chống dịch đang được thắt chặt.
Ông Võ Văn Lý - Trưởng phòng Kinh tế TX. Cửa Lò cho biết: “Hiện đã phong tỏa 2 chợ có liên quan đến các ca mắc Covid-19, tiến hành phun khử khuẩn và bố trí chỗ họp chợ tạm phục vụ người dân. Các địa phương trên địa bàn phường thực hiện phân chia tần suất đi chợ theo quy định, bắt đầu từ ngày 20/8”.
Nhận thấy nguy cơ dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhất là trong dịp Rằm tháng Bảy sắp tới, dù đang nằm trong vùng an toàn khi chưa xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng song UBND huyện Thanh Chương đã có công văn yêu cầu dừng hoạt động tất cả các chợ dân sinh trên địa bàn huyện bắt đầu từ 00h ngày 20/8 cho đến khi có thông báo mới.
“Xác định "sớm một bước, cao hơn một mức", từ 0h ngày 20/8/2021 (tức 13/7/âm lịch) sẽ tạm dừng hoạt động các chợ trên toàn huyện, các chợ sẽ hoạt động trở lại khi có thông báo mới. Các địa phương đã thông báo đến tận người dân để họ có phương án mua sắm, dữ trữ hàng hóa thiết yếu. Ở nông thôn có vườn, có chuồng nên bà con tự cung, tự cấp được về thực phẩm”, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết.
“Hiện trên địa bàn tỉnh có 376 chợ, là đầu mối chính cung cấp các mặt hàng thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, đây lại là nơi phức tạp, tập trung đông người, để dịch xâm nhập thì sẽ thành ổ dịch lây lan nhanh, rộng, khó khống chế. Do đó, làm thế nào để phòng chống dịch hiệu quả nhưng vẫn đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng là vấn đề cấp thiết. Mỗi địa phương ngoài thực hiện chủ trương chung thì phải căn cứ tình hình thực tế để có cách phòng dịch linh hoạt, hiệu quả. Xử lý nghiêm các trường hợp để xảy ra dịch ở các chợ do lơ là, chủ quan trong công tác phòng dịch”.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương