Được biết, dự án cầu treo bản Kẻ Nính nói trên được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại Quyết định số 2797/QĐ.UBND-CN ngày 30/6/2010. Đây là một trong những công trình trọng điểm, nối liền 2 bên bờ sông Hiếu nhằm tạo điều kiện giao thông thông suốt, nhất là trong mùa mưa lũ cho người dân trong khu vực.
Cây cầu mang nhiều “thương tích”
Thời gian gần đây, chúng tôi có mặt tại khu vực cầu treo Kẻ Nính thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu; qua đó, ghi nhận cầu đã bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng.
Cụ thể, phần mái taluy phải của mố cầu phía bờ tả sông Hiếu bị sạt lở nghiêm trọng; hộp bảo vệ thanh neo bị vỡ, nứt, gãy gần như hoàn toàn; một phần mặt đường ở mố cầu này cũng bị sụt lún nghiêng sang một bên và có nguy cơ sạt xuống sông bất cứ lúc nào. Trong khi đó, ở mố cầu đối diện, hộp bảo vệ thanh neo cũng có nhiều vết nứt lớn; hệ thống hộ lan bằng thép nhiều đoạn bị đứt, gãy, không còn chức năng bảo vệ.
Nguyên nhân được chỉ ra, đó là do ảnh hưởng bởi cơn bão số 4 cùng việc các thủy điện phía thượng nguồn sông Hiếu xả lũ vào khoảng thời gian cuối tháng 9/2022, khiến cho Cầu treo Kẻ Nính bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, gây mất an toàn cho bà con nhân dân.
Sau khi sự việc xảy ra, các cấp chính quyền huyện Quỳ Châu đã đóng đường và lắp biển cảnh báo cấm người dân qua lại tại 2 đầu cầu nhằm đảm bảo an toàn cho bà con. Sở GTVT tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn kiến nghị UBND huyện Quỳ Châu khẩn trương khắc phục, sửa chữa những hạng mục đã bị hư hỏng, để người dân thuận tiện đi lại.
Trên lý thuyết là vậy, thế nhưng thực tế, từ đó cho đến nay, cây cầu treo Kẻ Nính vẫn chưa được duy tu, sửa chữa. Điều này khiến cho việc đi lại, làm ăn sinh sống hàng ngày của hơn 400 hộ dân thuộc 2 bản Đỉnh Tiến và Kẻ Nính bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Dân kêu khổ… chính quyền kêu khó!
Qua tìm hiểu được biết, cầu treo Kẻ Nính bắc qua sông Hiếu, nối liền bản Hạnh Tiến với 2 bản Đình Tiến và Kẻ Nính. Riêng bản Đình Tiến có 219 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, trong đó có nhiều hộ có ruộng sản xuất ở bên kia cầu với diện tích hàng chục ha. Kể từ khi cầu Kẻ Nính bị sạt lở, hư hỏng, chính quyền cấm lưu thông qua cầu, việc đi lại, vận chuyển, giao thương của bà con trong bản gặp rất nhiều khó khăn.
Chỉ tay về phía chân cầu, ông Lương Văn Tợp (68 tuổi, trú tại bản Đỉnh Tiến) cho biết: “Sau đợt mưa bão vào khoảng tháng 9 năm ngoái, cầu treo này bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Sau đó, có nhiều người đến kiểm tra hiện trạng rồi đi chứ không thấy sửa chữa, khắc phục cây cầu giúp người dân”.
Theo ghi nhận của phóng viên, mặc dù cầu treo Kẻ Nính bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng, thế nhưng, một số người dân nơi đây vẫn chọn cách “đánh cược với số phận”, liều mình băng qua cây cầu để thuận tiện trong việc đi lại. Lý do được đưa ra, đó là bởi phải mất công đi một đoạn đường vòng dọc theo cầu Hoa Hải đến thị trấn Tân Lạc rồi mới quay vòng ngược trở lại; khiến cho quãng đường đi của người dân xa hơn từ 3 - 4 km.
“Hàng ngày, người dân muốn đi qua phía bên kia cầu để canh tác, sản xuất nông nghiệp thì phải bỏ xe máy lại, đi bộ qua cầu. Mỗi lần như vậy, rất là vất vả do phải vận chuyển nông sản về bản cũng như thấp thỏm, lo âu bởi mối nguy hiểm rình rập từ chính cây cầu”, một người dân địa phương nói.
Anh Mạc Văn Hiếu (SN 1998, Trưởng bản Đỉnh Tiến) chia sẻ: “Điều mong mỏi nhất của người dân địa phương lúc này là, chính quyền sớm có biện pháp khắc phục tình trạng sạt lở ở chân cầu treo Kẻ Nính, giúp bà con nhân dân thuận tiện trong việc đi lại, canh tác; đồng thời đem lại sự bình an cho những người dân”.
Còn ông Vi Thế Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hạnh thì cho biết: “Việc duy tu, sửa chữa cầu treo Kẻ Nính vượt quá khả năng của cấp xã. Nhân dân và chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị sớm sửa chữa, khắc phục nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng”.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lô Văn Thế, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Quỳ Châu, cho biết: “Sau nhiều năm đưa vào sử dụng, năm 2022 huyện đã tiến hành duy tu cầu Kẻ Nính. Trong khi đang thi công bóc được một phần mặt cầu lên để làm lại thì gặp đợt mưa bão lớn vào năm ngoái khiến mố cầu phía bản Kẻ Nính bị sạt lở, hộp thanh neo bị nứt vỡ…”.
“Ngay dưới mố cầu bị hư hỏng có một khe nước chảy mạnh, để xử lý phải đổ bê tông kè đá mở rộng mố cầu này. Tổng kinh phí dự kiến lên đến khoảng 7 - 8 tỷ. Do ngân sách địa phương rất hạn hẹp, nên huyện đang xin nguồn từ tỉnh”, ông Thế nói.
Theo Hồng Quang - diendandoanhnghiep.vn