a-1663561165.jpg
Tình trạng sạt lở đất ở, nứt nẻ nhà cửa xảy ra gần 5 năm qua, khiến hàng chục hộ dân bản Minh Tiến, xã Châu Tiến lo lắng.

Ám ảnh sạt lở

Những ngày này, tại Nghệ An liên tục có những trận mưa lớn, lượng nước sông bắt đầu tăng cao, cộng với việc nhiều thủy điện xả lũ, khiến một số nơi bị sạt lở. bản Minh Tiến, xã Châu Tiến là một ví dụ điển hình cho vấn đề “ám ảnh” của thủy điện diễn ra nhiều năm nay tại các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An.

Theo người dân bản Minh Tiến, kể từ ngày Thủy điện Châu Thắng đi vào hoạt động (tháng 5/2017), cũng là lúc dòng chảy của con sông Dinh thay đổi, nhất là đoạn qua bản Minh Tiến. Theo ghi nhận, gần 5 năm nay tình trạng sạt lở diễn ra khá nghiêm trọng.

Hơn 3 năm qua, vợ chồng ông Phan Huy Ngọc (66 tuổi) bản Minh Tiến có nhà ở sát sông Dinh hết sức lo lắng trước tình trạng sạt lở tại khu vực này. Chỉ tay về phía khu đất đã trôi xuống sông Dinh từ 3 năm trước, ông Ngọc cho biết, hàng chục năm qua, khi Thủy điện Châu Thắng chưa xuất hiện, tình trạng sạt lở chưa từng xảy ra, dù vào mùa mưa lũ. Vậy nhưng, gần 5 năm nay mảnh đất của gia đình bị dòng sông “gặm nhấm” ăn sâu vào tận móng nhà. “Sạt lở nặng nhất là từ năm 2019, sau trận xả lũ của thủy điện, toàn bộ diện tích đất phía sau nhà tôi bị nước sông cuốn trôi. Ngay sau đó, hiện tượng nứt nẻ nhà cửa diễn ra ngày càng nguy hiểm” - ông Ngọc lo lắng nói.

Cũng theo ông Ngọc, do tình trạng nứt tường, để theo dõi ông đã chủ động làm hệ thống dây dõi, nhằm kiểm tra độ nghiêng của các công trình trong gia đình. “Vừa qua, chiếc cột nhà bị hổng hơn 16cm, tôi đã phải lấy gỗ chèn vào. Riêng các công trình phụ trợ, nhà bếp tôi phải dùng dây dù, phía dưới treo một hòn đá, dõi thẳng từ trên xuống để theo dõi độ nghiêng, để có phương án nếu thấy nguy hiểm” - ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Minh (61 tuổi) trú bản Minh Tiến cho biết, 3 năm trước, một công trình phụ của gia đình đã bị cuốn ra sông, còn hiện tại tình trạng nứt nẻ, ăn sâu vào tận giữa căn nhà. Dù lo lắng, kiến nghị nhiều lần nhưng đến nay chính quyền vẫn chưa có cách khắc phục tình trạng trên.

Đó cũng là hoàn cảnh của 20 hộ dân khác tại bản Minh Tiến, khi hàng ngày phải nơm nớp lo sợ con sông “nuốt chửng” nhà cửa. Và theo nhiều hộ dân tại bản Minh Tiến, nguyên nhân chính là do nhà máy Thủy điện Châu Thắng quá trình xả lũ, dòng nước đâm thẳng vào dải đất dài 1.000m, nơi có 22 gia đình sinh sống, khiến khu vực này bị nằm trong tầm “hủy diệt” của dòng nước. “Chúng tôi đã gửi đơn kiến nghị nhưng chưa được xử lý. Mong muốn của chúng tôi là chính quyền nhanh chóng xây bờ kè chắc chắn, gia cố các điểm sạt lở để người dân an tâm sinh sống” - ông Minh nói.

b-1663561191.jpg
Để theo dõi độ nghiêng (hướng ra sông), ông Phan Huy Ngọc (bản Minh Tiến) phải kiểm tra hàng ngày các công trình phụ trợ, tránh nguy hiểm.

Mòn mỏi chờ đợi

Đỉnh điểm của tình trạng sạt lở đoạn qua bản Minh Tiến là vào năm 2019, sau đợt xả lũ, hàng nghìn khối đất, đá cùng với hoa màu, bờ rào… của hơn 20 hộ dân bản Minh Tiến bị nước cuốn trôi. Trước thực trạng trên, huyện Quỳ Châu đã báo cáo lên UBND tỉnh Nghệ An, ngay sau đó các sở, ngành liên quan đã về khảo sát, cùng với kiến nghị của chính quyền sở tại, một đề xuất xây dựng bờ kè được chấp thuận. Tuy nhiên vào thời điểm đó, phía nhà máy Thủy điện Châu Thắng đã có động thái cử người xuống kiểm tra tổng thể mức độ thiệt hại, từ đó hỗ trợ cho một số hộ dân với tổng kinh phí khoảng 350 triệu đồng. Riêng hộ ông Phan Huy Ngọc bị nặng nhất, từ nguồn hỗ trợ 100 triệu đồng, gia đình tự xoay xở thuê mướn nhân công, khuân vác vật liệu, bỏ công suốt nhiều ngày trời mới tạm ổn, nhưng chỉ một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đó.

Tháng 5/2021, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Nghệ An đã có Văn bản số 1568/SNN-QLXD đề xuất UBND tỉnh Nghệ An kiểm tra, tham mưu xử lý sạt lở bờ sông Hiếu đoạn qua xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Tại văn bản này, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An khẳng định “Theo Điều 4 của Nghị định số 01/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì sạt lở nói trên được phân loại là sạt lở đặc biệt nguy hiểm”. Do đó, Sở NNPTNT tỉnh Nghệ An đề nghị tạm thời di dời các hộ dân thuộc diện nguy hiểm (4 hộ). Đồng thời, đề xuất dự trù kinh phí để UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương đầu tư nhằm khắc phục tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, từ đó đến nay, vấn đề sạt lở vẫn tiếp tục diễn ra, nhất là vào các mùa mưa, lũ, đặc biệt là khi thủy điện xả nước. Nhưng, chủ trương xây bờ kè vẫn chưa thực hiện. Người dân vẫn mòn mỏi chờ đợi “động thái” mới nhất của chính quyền.

Trao đổi vấn đề này với lãnh đạo huyện Quỳ Châu, ông Lê Hải Lý - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, trước tình trạng sạt lở dọc bờ sông Dinh đoạn qua bản Minh Tiến, khiến 22 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 4 hộ bị sụt lún, nứt nẻ nhà cửa ở mức nghiêm trọng. Huyện đã lập đoàn kiểm tra, sau đó kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho một số hộ dân để tự mua vật liệu kè chống sạt lở. Tuy nhiên, tình trạng sạt lở vẫn xảy ra nghiêm trọng hơn. “Chúng tôi đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh có phương án xử lý, nhưng đến nay vẫn đang phải chờ” - ông Lý cho biết.

Được biết, Thủy điện Châu Thắng được khởi công vào tháng 2/2013, nằm trên địa phận của 2 huyện miền núi tỉnh Nghệ An là Quỳ Châu và Quế Phong. Công trình có công suất 14MW với tổng dung tích hồ chứa là 18,21 triệu m3. Nhà máy tích nước từ cuối năm 2016, tháng 5/2017 chính thức đi vào hoạt động. Đến năm 2019, sau một trận xả lũ của thủy điện này, xuất hiện tình trạng sạt lở tại bản Minh Tiến, với chiều dài hơn 1.000m, trong đó có 400m nghiêm trọng./.