Người dân ở xã miền núi Châu Hồng (H.Quỳ Hợp, Nghệ An) đang sống trong bất an khi liên tiếp xảy ra hiện tượng sụt đất và hàng loạt giếng đào cạn kiệt nước một cách bất thường.
 
Ruộng đồng sụt lún
 
Đứng nhìn hố sâu trên ruộng lúa vừa sụp xuống ngay trước mặt, bà Sầm Thị Bình (ngụ bản Na Hiêng, xã Châu Hồng) sợ hãi nói với phóng viên Thanh Niên: “Nó vừa mới sụp xong, ngay trước mắt tôi!”. Đó là một "hố tử thần" rộng khoảng 15 m2, sâu khoảng 2 m, vừa sụp xuống khi bà Bình đang ra thăm ruộng lúa. Cả một đoạn bờ ruộng và một mảng đất trồng lúa bị sụp sâu thành hố. Cạnh hố này là một hố khác có diện tích tương tự, bị sụp cách đó chưa lâu, miệng hố bị nứt nẻ, xé toạc.
 
Bà Bình cho biết, ở cánh đồng Na Pải này đã xuất hiện 5 hố, còn 2 vị trí đang có hiện tượng mặt đất bị nứt, khả năng sẽ sụp bất cứ lúc nào. “Chúng tôi rất lo vì đi làm đồng, chăn trâu, nếu không may bị sụp hố thì chưa biết sẽ thế nào”, bà Bình nói.
 
Đứng bần thần bên ruộng lúa cạn khô nước ở đồng Tồng Thăm (xã Châu Hồng), bà Lô Thị Quê (ngụ bản Công) cho biết nhà bà làm 6 sào ruộng. Lúa đang thời kỳ làm đòng nhưng ruộng đã cạn khô do nước bị trôi tuột xuống các hố đất bị sụt, cách đó một quãng là cánh đồng bỏ hoang.
 
Ông Nguyễn Văn Liên (ngụ bản Công), đang chăn trâu, cho biết đây vốn là đồng lúa nhưng vì thiếu nước nên phải bỏ hoang. Ông Liên quê ở Thái Nguyên, vào làm công nhân khai thác khoáng sản, rồi định cư ở đây.
 
“Hiện tượng sụt đất và đồng ruộng bị khô cạn ở đây rất hiếm thấy. Nguyên nhân có thể do khai thác mỏ thiếc. Khi khai thác sâu xuống lòng đất, người ta phải hút hết nước mới khai thác được, hoặc hút nước lên để đãi, rửa quặng. Khi đó sẽ dẫn đến tình trạng kết cấu trong lòng đất bị thay đổi nên những nơi bề mặt mỏng sẽ bị sụp xuống, các mạch nước ngầm cũng bị rút hết, dẫn đến giếng cạn nước”, ông Liên nói.
 
3 lần đề xuất vẫn không rõ nguyên nhân
 
Cùng với hiện tượng đất bị sụt lún, từ đầu năm đến nay, hoàng loạt giếng nước của người dân ở 3 bản của xã Châu Hồng bất ngờ bị cạn kiệt nước. Gia đình bà Sầm Thị Hoa (ngụ bản Na Hiêng) có giếng đào sâu khoảng 10 m nhưng đã cạn trơ đáy. Ban đầu, bà Hoa tưởng giếng bị tắc mạch nước nên bỏ ra 10 triệu đồng đào giếng mới ở vị trí khác, nhưng giếng này chỉ được mấy ngày cũng bị kiệt nước. “Mấy tháng nay, nhà tôi phải bỏ ra mỗi tháng 300.000 đồng để mua nước về ăn uống, sinh hoạt”, bà Hoa nói.
 
Giếng đào rất sâu sử dụng từ nhiều năm nay của gia đình ông Vi Văn Thành (ngụ bản Công, xã Châu Hồng) cũng bất ngờ bị cạn trơ đáy một cách bất thường. “Nó đã cạn từ mấy tháng nay, rất lạ vì xưa nay chưa thấy hiện tượng này. Trước đây, giếng chỉ cần đào khoảng 8 m là nước rất nhiều, nhưng nay nhiều nhà đào sâu 14 m vẫn chưa thấy nước”, ông Thành nói.
 
Hàng xóm của ông Thành là ông Nguyễn Văn Liên kề bên cũng cùng cảnh ngộ, giếng nước đã cạn kiệt. Ông Liên cho biết, thỉnh thoảng giếng vẫn có một ít nước, nhưng chỉ tầm vài chục phút sau, nước lại tự biến mất. Giếng kiệt nước, nhiều gia đình phải dùng nước từ suối, dù con suối này đã bị ô nhiễm.
 
Ông Lương Văn Long, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng, cho biết hiện tượng sụt đất bắt đầu xảy ra từ giữa tháng 1 vừa qua và đến nay đã có 6 hố sụt lún tại các cánh đồng của xã. Các hố sụt lún có đường kính trung bình từ 2,5 - 7 m, chiều sâu 1,5 - 2,5 m. 156 giếng nước bị cạn kiệt, trong đó nhiều nhất là ở bản Na Hiêng với 109 giếng. Giếng khô cạn khiến 170 gia đình ở 3 bản này bị ảnh hưởng, đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt. “Chúng tôi đã 3 lần đề xuất lên cấp trên đề nghị làm rõ nguyên nhân nhưng vẫn chưa có kết quả”, ông Long nói.
 
Tháng 2 vừa qua, UBND H.Quỳ Hợp đã báo cáo UBND tỉnh Nghệ An đề nghị cho kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân sụt lún đất và giếng bị cạn kiệt nước. Sau đó, đoàn liên ngành gồm Sở NN-PTNT, Sở TN-MT phối hợp với UBND H.Quỳ Hợp tiến hành kiểm tra. Sau khi kiểm tra, Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh Nghệ An giao việc lại cho UBND H.Quỳ Hợp.
 
Ngay sau đó, đầu tháng 4, UBND H.Quỳ Hợp có văn bản phản hồi rằng, một số nội dung như: thông báo để nhân dân được biết, theo dõi tình hình các hố sụt, làm rào chắn… thì huyện thực hiện được. Tuy nhiên, các nội dung như “xây dựng phương án cấp nước tạm thời cho dân, giao đơn vị tư vấn có chuyên môn hoặc thành lập tổ chuyên gia đầu ngành về địa chất tiến hành khảo sát, nghiên cứu và đánh giá cụ thể thì huyện không đủ năng lực chuyên môn và điều kiện kinh phí”. Do đó, UBND H.Quỳ Hợp đề nghị UBND tỉnh Nghệ An xem xét.
 
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu sau đó lại giao Sở NN-PTNT Nghệ An chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT và các đơn vị liên quan xem xét, xử lý đề xuất của UBND H.Quỳ Hợp.
 
Ông Nguyễn Duy Hưng, Trưởng phòng NN-PTNT H.Quỳ Hợp, cho biết huyện đang rất mong tỉnh mời các chuyên gia xác định nguyên nhân sụt lún đất và giếng cạn nước càng sớm càng tốt, vì người dân đang rất lo lắng./.