Vị “quan xã” ấy là ông Chu Văn Mai - Chủ tịch UBND xã Nghi Ân (TP.Vinh, Nghệ An). Nghi Ân là xã ven đô, nằm cạnh Cảng hàng không quốc tế Vinh, cách trung tâm TP.Vinh chừng vài km. Trong thời buổi “tấc đất, tấc vàng” như hiện nay, chuyện người dân sẵn sàng cho không hàng trăm m2 đất đã khiến nhiều người ngạc nhiên.

Chỉ tay vào tuyến đường vừa được thảm nhựa rộng 8m, phẳng tắp chạy qua trước nhà, ông Nguyễn Duy Mậu (SN 1947, trú xã Nghi Ân) cười nói: “Giờ thì xe ô tô tránh nhau thoải mái rồi, nỏ lo chi nựa”. Khi tuyến đường này được mở rộng, ông đã hiến 1,2m chiều ngang, dài 38m phần đất ở của gia đình.

Tính ra là hơn 45m2, ông Mậu nhẩm tính lúc này giá đất đang là 9 triệu mỗi m2, ước chừng nếu bán thì cũng ngót ngét 400 triệu đồng. “Chính quyền xã đã ngỏ lời mình cũng sẵn sàng hiến thôi. Đường làm cho mình, cho con cháu mình đi chứ có phải ai đâu nên tính toán hơn thiệt gì cho mệt”, ông Mậu nói.

Không những không nhận tiền đền bù, ông Mậu còn chủ động tháo dỡ tường vây, chặt tre để tuyến đường được thi công nhanh chóng.

1-1646785898.jpg
Ông Nguyễn Duy Mậu nghe lời "quan xã" hiến đất làm đường.

Là một người làm kinh tế, anh Nguyễn Ngọc Huy (SN 1989, trú xóm Hòa Hợp, xã Nghi Ân) hiểu hơn ai hết hiệu quả của việc giao thương đi lại. Hồi năm ngoái, trận lụt xảy ra, cả trang trại gà mấy nghìn con của Huy phải di dời khẩn cấp mà đường sá thì nhỏ, xe cộ không thể quay đầu. Rồi mỗi lần xe chở thức ăn, xe đến thu mua gà đậu lấn hết đường, nhiều người không nói ra nhưng khó chịu bởi giao thông ách tắc.

Trang trại chăn nuôi của anh Huy nằm đối diện với ngôi nhà của gia đình, ở giữa là con đường làng nhỏ chỉ đủ một chiếc xe tải đi vừa. Khi mở rộng đường, đương nhiên sẽ cần cả hai phần đất của gia đình anh Huy, tính ra cũng ngót nghét 200m2, chưa kể phải làm lại tường rào, một phần trang trại. Nhưng khi nghe lãnh đạo xã nói đến kế hoạch mở đường, người đàn ông này không suy nghĩ quá nhiều mà thống nhất với gia đình “đập hết, lùi vào trong, xây lại nhường đất mở rộng đường”.

2-1646785926.jpg
Đường xóm rộng, đẹp khi người dân nghe lời "quan xã".

“Giờ đường rộng thênh thang, sạch đẹp. Xe cộ ra vào cũng rất thoải mái nên nghĩ lại quyết định dứt khoát đó của mình cũng chẳng có gì phải nuối tiếc cả”, anh Huy chia sẻ.

Thực ra, không phải ngay từ đầu tất cả người dân đều đồng thuận với việc hiến đất mở đường, dù chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã tuyên truyền, vận động, tổ chức các cuộc họp thông tin về chủ trương này.

Chủ tịch xã Nghi Ân Chu Văn Mai cho biết, trong cuộc họp thông qua chủ trương làm đường, ông đã thẳng thắn với người dân rằng “Chính quyền vận động bà con hiến đất, nói cho cùng là xin bà con nhường lại một phần đất của mình. Bà con nhân dân có đồng thuận với chính quyền, có ủng hộ, có hiến đất của nhà mình thì chúng ta mới mở rộng, rồi bê tông hóa đường giao thông, từ đó, bộ mặt nông thôn mới thay đổi được”.

3-1646785952.jpg
Chủ tịch xã Nghi Ân Chu Văn Mai vận động người dân hiến đất làm đường.

Theo ông Mai, để nhận được sự ủng hộ của người dân, ngoài tuyên truyền, vận động thì chính quyền xã cũng cần quyết liệt vào cuộc, thực hiện đúng như cam kết với người dân. “Xi măng đã được nhà nước hỗ trợ, mong người dân ủng hộ, tham gia vào chủ trương lớn này bằng cách nhường lại một phần đất của mình”, ông Mai giải thích với người dân khi còn băn khoăn về chuyện hiến đất và hứa nếu dân đồng thuận, chỉ cần 2 tháng tuyến đường sẽ hoàn thiện.

Tin tưởng chính quyền xã, người dân đồng loạt hiến đất, lùi tường rào để mở rộng. Đúng như cam kết của xã, 2 tháng sau, tuyến đường này hoàn tất trong sự hồ hởi của người dân. Từ đây, phong trào hiến đất làm đường bắt đầu lan nhanh trong xã.

“Phải luôn vận động. Người dân chưa hiểu, chưa ủng hộ thì phải giải thích cho người dân hiểu. Quan trọng nhất là phải làm người dân tin. Đặc biệt, đã hứa là phải làm và làm trọn vẹn như lời đã hứa, minh bạch, từ chủ trương đến thực hiện. Làm cho người dân tin thì người dân mới đồng thuận, ủng hộ được”, ông Mai phân tích.

Nhiều tuyến đường khác trong xã Nghi Ân cũng được người dân sống hai bên đường sẵn sàng nhường một phần đất ruộng, đất trồng màu, đất lúa, thậm chí là “lùi nhà” vào trong để mở đường. Từ những con đường lổm nhổm “ổ gà”, nay đã được cắm mốc, san ủi, mở rộng ra 8m, đổ vật liệu sẵn sàng khoác lên mình tấm áo mới./.