Hai năm qua, thị trường BĐS cả nước biến động bất thường, một tỉnh lẻ như Hà Tĩnh không phải ngoại lệ. Người người buôn đất, nhà nhà bán đất. Đất “sốt”, hàng loạt công ty môi giới bất động sản mọc lên. Tỉnh Hà Tĩnh phải thực hiện nhiều biện pháp để “kìm” giá đất thị trường, phát cảnh báo đến người dân.
Trong vòng chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, đi dọc các con đường lớn của TP Hà Tĩnh như Lê Duẩn, Hàm Nghi, Hà Huy Tập, Trần Phú… PV Đại Đoàn Kết ghi nhận có khoảng 20 công ty BĐS mới “mọc” lên.
Mỗi công ty có từ 10 đến 30 nhân viên môi giới bất động sản - thường gọi là “cò đất”. Trong đó có không ít người là công chức, viên chức đã và đang làm việc trong các tổ chức, đơn vị Nhà nước.
Sau một thời gian nhảy ra ngoài làm “cò đất”, nhận thấy có lợi nhuận cao, họ nhảy ra ngoài mở công ty kinh doanh BĐS.
Anh N.T.V. (37 tuổi, giám đốc một công ty BĐS có địa chỉ đăng ký kinh doanh ở phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho hay, anh mới mở công ty được khoảng 3 tháng.
Nhân viên công ty biến động thường xuyên, lúc thì 10 người, có lúc lên đến 25 người. Lương, thưởng của nhân viên được trả dựa theo doanh số cộng với hoa hồng trong mỗi giao dịch.
“Thực nhận của nhân viên còn dựa vào sự năng động của mỗi người. Có khi lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng, tùy vào hoa hồng hoặc chênh lệch giá cả mỗi miếng đất do nhân viên thỏa thuận với khách hàng” - anh N.T.V. cho hay.
Thị trường BĐS sôi động, doanh nghiệp môi giới mọc lên nhiều, các văn phòng công chứng trên địa bàn TP Hà Tĩnh thường xuyên kín người đến giao dịch.
Do chính sách “mở” của Nhà nước, doanh nghiệp nói chung không chịu nhiều ràng buộc về thủ tục pháp lý cũng như vốn điều lệ nên việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh môi giới BĐS khá dễ dàng.
Theo số liệu thống kê từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây (2020 đến nay), tại Hà Tĩnh có tới 450 doanh nghiệp có đăng ký mã ngành kinh doanh môi giới BĐS mới thành lập.
Trong đó, tiêng tại TP Hà Tĩnh (thành phố chưa đầy 60 km2) có 181 doanh nghiệp kinh doanh, môi giới BĐS.
Còn thống kê của Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tĩnh, cho thấy, nửa quý đầu năm 2022, đơn vị đã xử lý hơn 29.000 giao dịch liên quan đất đai.
Trong khi đó, năm 2020, tổng giao dịch phải xử lý của toàn tỉnh Hà Tĩnh là khoảng 84.000 hồ sơ, năm 2021 hơn 122.000.
Trước thực trạng thị trường BĐS bát nháo thời gian qua, tỉnh Hà Tĩnh cũng nhận định, trên địa bàn có xuất hiện hoạt động đầu cơ BĐS gây “sốt ảo”, có hiện tượng “thổi giá” làm cho giá trị khu đất không đúng với giá phổ biến trên thị trường.
Trưởng phòng quản lý Nhà, thị trường BĐS và vật liệu xây dựng (Sở xây dựng Hà Tĩnh) Phan Lê Hùng cho biết, thời gian qua, thị trường BĐS ở Hà Tĩnh có những tín hiệu tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
Theo ông Hùng, trong kinh doanh BĐS, chủ đầu tư các dự án BĐS, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS chỉ được đưa BĐS (BĐS có sẵn và BĐS hình thành trong tương lai) vào kinh doanh khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 9, Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS số 66/2014/QH13; Điều 19, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ và quy định khác có liên quan.
“Đối với các chủ đầu tư BĐS, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra sai phạm trong việc đầu tư xây dựng dự án, kinh doanh BĐS tại dự án. Các tổ chức, cá nhân chỉ thực hiện giao dịch BĐS tại các dự án BĐS đã đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của Luật Kinh doanh BĐS và quy định khác có liên quan” - ông Phan Lê Hùng khuyến cáo./.