h-1688184507.jpg
 
hh-1688184518.jpg
Đồng chí Đại tá Nguyễn Duy Thanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An kiểm tra tính hiệu quả của một số mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” trên địa bàn huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và thành phố Vinh

“Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” là mô hình thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ về công tác PCCC. Mô hình được triển khai tại các tổ dân phố nhằm phát huy tính chủ động, tương trợ nhau giữa các gia đình trong một khu dân cư, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể thực hiện công tác PCCC. Mỗi tổ gồm từ 5-15 hộ gia đình liền kề cùng tham gia; mỗi hộ được bố trí 01 chuông báo cháy, 02 nút nhấn báo cháy (nút ấn và chuông báo cháy của các hộ gia đình trong tổ liên gia được liên kết với nhau, khi nhấn chuông tất cả các hộ đều có thể nghe). Ngoài ra các hộ gia đình trong tổ còn được trang bị dụng cụ chữa cháy, được trang bị kiến thức, kỹ năng xử lý các tình huống nhằm kịp thời xử lý, dập tắt các sự cố cháy, nổ khi mới phát sinh. Từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng chức năng thì nay người dân trên địa bàn đã thay đổi nhận thức, xác định đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi người, tạo sự đoàn kết, đồng thuận của người dân để đảm bảo an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản trong khu dân cư. 

7-1688184542.jpg
777-1688184551.jpg
Các mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” được “phủ sóng” về tận đường làng, ngõ xóm, khắp các xã, phường

Thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của Bộ Công an và dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, qua 06 tháng thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và Kế hoạch số 18 của Bộ Công an, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Tại Nghệ An đã có 732 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và 1.982 “Điểm chữa cháy công cộng” được xây dựng và đưa vào hoạt động trên toàn tỉnh; đồng thời, đã hướng dẫn tổ chức thực tập 137 lượt phương án chữa cháy, thoát nạn đối với các mô hình; tổ chức 2.280 buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về PCCC và cứu nạn cứu hộ trực tiếp tại các khu dân cư cho 411.257 người là đại diện các hộ gia đình; tuyên truyền, vận động 109.848 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ; 427 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 02 tầng trở lên đảm bảo có lối thoát nạn thứ 2 (vượt hoàn toàn các chỉ tiêu đã đăng ký). Trên thực tế, các mô hình đã phát huy được hiệu quả rõ rệt trong phong trào toàn dân tham gia PCCC, làm giảm thiểu số vụ cháy, nổ xảy ra. Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh Nghệ An được kìm giữ, giảm cả số vụ và tính chất, mức độ: Toàn tỉnh xảy ra 98 vụ cháy, không có cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 2,1 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2022, số vụ cháy giảm 23 vụ, giảm 03 người chết, thiệt hại về tài sản giảm 1,2 tỷ đồng.

Các “Tổ liên gia an toàn PCCC” chính là những cánh tay nối dài của các lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp, nhằm mục tiêu báo động kịp thời, sẵn sàng về phương tiện, nhanh chóng huy động người dân tham gia chữa cháy, chớp lấy "thời điểm vàng", sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ khi có cháy nổ xảy ra tại khu dân cư, nhà ở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Với những kết quả ghi nhận được, hiện nay, chính quyền các cấp và lực lượng Công an tỉnh đang tiếp tục phổ biến, tuyên truyền để nhân rộng trong toàn tỉnh, nhằm huy động và lan tỏa mạnh mẽ tinh thần toàn dân tham gia PCCC.

Theo Chu Minh - congan.nghean.gov.vn