b8341043d4aea2e6ffb5db679a8f6f16-1665797734.jpg
Từ ngày 15/10 đến 15/12/2022 tỉnh Nghệ An thực hiện việc tổng kiểm tra phòng cháy chữa cháy trên địa bàn toàn tỉnh

Mới đây, báo cáo kết quả tổng rà soát, kiểm tra an toàn phòng chay, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại địa bàn tỉnh Nghệ An tại hội nghị trực tuyến với Bộ Công an, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Nghệ An xảy ra 48 vụ cháy làm 4 người chết, thiệt hại về tài sản gần 5 tỷ đồng. Theo đánh giá, so với cùng kỳ năm 2021 giảm 11 vụ.

Công an tỉnh Nghệ An đã tổ chức cứu nạn, cứu hộ 37 vụ trong đó có 28 vụ đuối nước, 3 vụ tai nạn giao thông, 4 vụ động vật nguy hiểm và nhà người dân, 1 vụ rò rỉ khí gas và 1 vụ xe bồn chở xăng gặp sự cố. Tổ chức thực hiện kiểm tra 470 lượt/424 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, pub trên địa bàn tỉnh, lập 75 biên bản xử phạt vi phạm hành chính, xử phạt nộp ngân sách Nhà nước hơn 324 triệu đồng, tạm đình chỉ 20 cơ sở.

Theo kế hoạch, từ ngày 15/10/2022 đến ngày 15/12/2022, Bộ Công an yêu cầu công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức kiểm tra 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy chữa cháy. Trong đó, tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, các cơ sở có quy mô lớn, tập trung đông người như: khách sạn, nhà kho, xưởng sản xuất, nhà cao tầng, chung cư...

Tập trung kiểm tra trách nhiệm về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Kiểm tra điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn đối với các cơ sở theo quy định, bao gồm: Tình trạng hoạt động của các thiết bị cảnh báo cháy, các phương tiện, trang thiết bị phòng cháy chữa cháy; Hệ thống thoát hiểm; Các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy tại cơ sở...

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công an TP Vinh cho biết, thời gian qua phía Công an TP cũng như các đơn vị liên quan cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát, nhắc nhở và chấn chỉnh kịp thời các cá nhân, tổ chức liên quan vấn đề về phòng cháy chữa cháy. Qua đợt kiểm tra vừa qua theo chỉ đạo chung, riêng về quán karaok thì TP Vinh chỉ kiểm tra các trường hợp thuộc diện quản lý, qua kiểm tra chủ yếu lỗi vi phạm chủ yếu như sử dụng chất liệu dễ cháy để trang trí phòng hát, với những cơ sở vi phạm thì yêu cầu tạm dừng hoạt động, khắc phục theo đúng quy định nhằm bảo đảm về yêu cầu phòng cháy chữa cháy, sau đó mới được thẩm đinj và quyết định cho phép hoạt động trở lại nếu đạt yêu cầu. Quá trình kiểm tra cho thấy các hộ kinh doanh cũng rất chú trọng, nhận thức tốt cũng như tối đa các biện pháp về phòng cháy chữa cháy đối với cơ sở kinh doanh.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, với mục tiêu ngăn chặn, không để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, gây chết người xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đồng thời thực hiện nghiêm túc thông báo số 319/TB-VPCP, nội dung về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng cháy chữa cháy, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 83/2017/NĐ-CP quy định về công tác cứu nạn cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy...Ngày 14/10 tỉnh Nghệ An có văn bản số 8105/UBND-NC về nội dung tổng kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn toàn tỉnh.

0211889642d6ce4c47e81b2817c2544f-1665797762.jpg
Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Nghệ An về nội dung tổng kiểm tra công tác phòng cháy chữa cháy

Văn bản này yêu cầu các Sở, ngành như: Sở Công thương rà soát cung cấp số liệu về các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas, cơ sở kinh doanh, bảo quản sử dụng vật liệu nổ công nghiệp...; Sở Văn hóa và Thể thao rà soát cung cấp các cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí (karaok, quán bar, vũ trường...), cơ sở thể thao (sân vận động, nhà thi đấu...); Sở Du lịch rà soát cung cấp các cơ sở lưu trú, khách sạn, nhà hàng; Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cung cấp danh sách cơ sở sản xuất, kho hàng thuộc diện quản lý;...

Yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra rà soát về công tác phòng cháy chữa cháy đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước. Trong đó tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quy mô lớn, tập trung đông người,...Yêu cầu ngừng hoạt động đối với các cơ sở vi phạm về phòng cháy chữa cháy, buộc khắc phục theo đúng quy định, xử lý nghiêm việc cá nhân, tổ chức không chấp hành.Thông tin rộng rãi lên phương tiện thông tin đại chúng đối với việc xử lý vi phạm và các cá nhân, tổ chức vi phạm...

Yêu cầu Sở Xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư, xây dựng, kịp thời phát hiện và xử lý các công trình vi phạm. Chỉ đạo các đơn vị liên quan trong việc thẩm định, phê duyệt và cấp phép phù hợp với quy mô, tính chất, công trình theo văn bản thẩm duyệt của Cơ quan cấp phép phòng cháy chữa cháy...

Văn bản này cũng nêu rõ việc tăng cường sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nghiêm cấm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã tác động, can thiệp đến công tác của lực lượng kiểm tra, xử lý về phòng cháy chữa cháy. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để xảy ra các vụ việc cháy lớn, gây thiệt hại lớn về người, tài sản.../.