Xây dựng các tiểu dự án công nghệ phục vụ sản xuất thuộc Tiểu hợp phần 3.2 để sản xuất, chế biến và tiếp thị hàng hóa và dịch vụ từ rừng phòng hộ ven biển, kết hợp nâng cao đời sống cư dân ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu.
Có 14 tiểu dự án công nghiệp phục vụ sản xuất thuộc Tiểu hợp phần 3.2 dự án Hiện đại hóa ngành Lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu vùng ven biển (FMCR) theo thứ tự ưu tiên gồm: Tiểu dự án 1: Hỗ trợ trang bị công nghệ đèn LED và tời thủy lực trong khai thác hải sản xa bờ. Tiểu dự án 2: Nâng cấp và chuyển giao công nghệ ươm nuôi cấy mô. Tiểu dự án 3: Cải tiến công nghệ nuôi tằm, vào né và chuyển đổi giống dâu có chất lượng cao. Tiểu dự án 4: Hỗ trợ công nghệ sấy khô sản phẩm Bí đao, Su su và Hành hoa. Tiểu dự án 5: Ứng dụng thiết bị giám sát hành trình và nâng cấp hầm bảo quản đông lạnh PU cho tàu cá. Tiểu dự án 6: Trang bị công nghệ hỗ trợ giám sát và cảnh báo cháy rừng trên núi Dũng Quyết.
Tiểu dự án 7: Trang bị công nghệ hỗ trợ giám sát và cảnh báo cháy rừng trên núi Lô Sơn. Tiểu dự án 8: Nâng cấp hệ thống lọc, chiết rót, đóng chai nước mắm và thay thế bể xi măng ủ chượp bằng chum sành. Tiểu dự án 9: Hỗ trợ công nghệ bảo quản và chế biến (sấy, nghiền bột) nông sản sau thu hoạch. Tiểu dự án 10: Ứng dụng công nghệ NANO trong bảo quản hải sản theo chuỗi liên kết giá trị sản xuất. Tiểu dự án 11: Ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học, chế biến phân gà hỗ trợ hoạt động chăn nuôi gà công nghệ cao. Tiểu dự án 12: Ứng dụng công nghệ sản xuất phân gà hữu cơ và hệ thống làm mát tự động. Tiểu dự án 13: Chuyển giao công nghệ sản xuất Chế phẩm sinh học Boverin phòng, trừ sâu róm hại thông. Tiểu dự án 14: Ứng dụng công nghệ vào bảo quản và chế biến (hấp, sấy) hải sản.
Địa điểm thực hiện tại các huyện: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò và thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Dự kiến tổng mức đầu tư các tiểu dự án công nghệ phục vụ sản xuất thuộc Tiểu hợp phần 3.2 là 70.311.000.000 đồng; trong đó, vốn IDA từ Ngân hàng Thế giới (WB) 63.858.000.000 đồng, vốn đối ứng 6.453.000.000 đồng. Thời gian thực hiện đến hết năm 2023. Hình thức đầu tư dự án: Trang bị công nghệ phục vụ sản xuất.
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chủ đầu tư) phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhà tài trợ và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án theo đúng các quy định hiện hành trong nước và của nhà tài trợ; đảm bảo mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án./.