Theo đó, về học phí sẽ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 14, ngày 14/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An. Cụ thể, đối với vùng thành thị, mức học phí 3 cấp học mầm non, trung học cơ sở và trung học phổ thông là như nhau, đều 300.000 đồng/học sinh/tháng.
Trong khi đó, đối với vùng nông thôn, cấp mầm non và trung học cơ sở là 100.000 đồng/học sinh/tháng; cấp trung học phổ thông là 200.000 đồng/học sinh/tháng. Còn với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cấp mầm non và trung học cơ sở chỉ là 50.000 đồng/học sinh/tháng; cấp trung học phổ thông là 100.000 đồng/học sinh/tháng.
Sở Giáo dục và Đào tạo quy định, mức thu học phí học trực tuyến (học online) đối với cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập bằng 80% mức học phí học trực tiếp. Học sinh có hộ khẩu thường trú ở vùng nào thì đóng học phí theo vùng đó…
Về tổ chức bán trú trong các cơ sở giáo dục công lập, mức thu tối đa là 200.000/học sinh/tháng để chi trả tiền thuê khoán người nấu ăn và chi phí tổ chức bán trú các cấp học. Còn đối với các cơ sở giáo dục được hưởng chính sách theo Nghị định số 105/2020/NĐ-CP, Nghị định số 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, mức thu tối đa là 100.000/học sinh/tháng. Đơn vị tính toán chi phí hợp lý để tổ chức nấu ăn bán trú; tương xứng với quy mô trường lớp, học sinh và mặt bằng thuê khoán người lao động trên địa bàn; đồng thời cân đối phần ngân sách được hỗ trợ để đề xuất mức thu phù hợp với khả năng đóng góp của người học.
Không áp dụng thu để thuê khoán người nấu ăn đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục đã được hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 10/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 quy định chế độ hỗ trợ nhân viên các trường phổ thông dân tộc bán trú và phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Về khoản thu để tổ chức thi thử cho học sinh cuối cấp, không quá 50.000/học sinh/môn học.
Về việc tài trợ cho các cơ sở giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, nhà trường không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, tuyệt đối không được giao chỉ tiêu vận động tài trợ cho từng lớp (hoặc từng giáo viên chủ nhiệm), không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo (hoặc là điều kiện để đánh giá xếp loại thi đua).
Sở yêu cầu, các cơ sở giáo dục thống kê, rà soát, đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất hiện có của đơn vị thành các nhóm tài sản theo Thông tư số 13/2020TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.
Trên cơ sở số liệu thống kê và đánh giá hiện trạng cơ sở vật chất kết hợp dự báo quy mô phát triển của đơn vị để xác định nhu cầu cơ sở vật chất cần bổ sung. Căn cứ vào danh mục cần đầu tư đã xây dựng cho từng năm, kế hoạch hoạt động năm học, chương trình giáo dục nhà trường, cân đối các nguồn lực của đơn vị (nguồn ngân sách nhà nước, nguồn thu học phí; nguồn thu dịch vụ giáo dục, nguồn thu thực hiện thí điểm trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế ....), điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương và thu nhập, đời sống của dân cư trên địa bàn, đơn vị lựa chọn danh mục nào có thể dùng nguồn lực sẵn có của đơn vị, danh mục nào cần huy động từ nguồn tài trợ để xây dựng kế hoạch vận động tài trợ phù hợp theo từng năm học (tránh trùng lặp các nội dung đã được xây dựng ở nguồn thu)./.