Nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh
Theo UBND tỉnh Nghệ An, năm 2024, kinh tế của tỉnh đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,01%, đứng thứ 13 cả nước, trong đó khu vực nông lâm thủy sản ước tăng 4,14%; khu vực công nghiệp – xây dựng ước tăng 13,61%; khu vực dịch vụ ước tăng 7,88%,…
Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, ngành nông nghiệp của địa phương đã tích cực chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng nhanh giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Năm 2024, tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt 1.233.177,98 tấn, tăng 0,93% so với năm 2023; năng suất lúa cả năm ước đạt 60,34 tạ/ha, tăng 1,75%, trong đó, năng suất lúa Hè Thu, lúa Mùa đều tăng so với cùng kỳ.
Sản xuất công nghiệp được phục hồi mạnh mẽ. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 11,5% so với năm 2023. Một số sản phẩm công nghiệp ước có mức tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023 như: sữa các loại; đường kính; sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô…Ngành công nghiệp của tỉnh từng bước được tái cơ cấu. Năm 2024, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhất là lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô với nhiều dự án mới đi vào hoạt động trong năm.
Trong năm 2024, tỉnh Nghệ An đã tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển du lịch. Tích cực hợp tác, liên kết với các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong nước tổ chức thành công nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến, kích cầu du lịch; xây dựng kế hoạch khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm sinh thái cộng đồng tại huyện Kỳ Sơn và vùng lân cận; sản phẩm du lịch làng chài, làng nghề ven biển, các sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn,…Tổng lượt khách du lịch trong năm ước đạt 9.200 nghìn lượt, trong đó khách lưu trú du lịch 5.800 nghìn lượt; doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt 11.000 tỷ đồng.
Cũng theo UBND tỉnh Nghệ An, năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước thực hiện 108.418 tỷ đồng, tăng 11,85% so với năm 2023. Thu ngân sách Nhà nước đạt kết quả rất tích cực, năm 2024, ước thực hiện 23.751 tỷ đồng, đạt 149,3% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Cũng trong năm 2024, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả. Duy trì tổ chức hội nghị giao ban định kỳ với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo cơ quan, đơn vị, địa phương giải quyết các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp.
Kết quả xếp hạng một số chỉ số được cải thiện: chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ, tăng 2 bậc so với năm 2022.
Về kết quả thu hút đầu tư năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh đã cấp mới cho 77 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký 22.059 tỷ đồng. Điều chỉnh 157 lượt dự án, trong đó, điều chỉnh 40 lượt dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 22.730 tỷ đồng. Tính từ đầu năm đến ngày 20/11/2024, toàn tỉnh đã thành lập mới 1.948 doanh nghiệp (tăng 3,89%) với tổng số vốn đăng ký 20.483 tỷ đồng (tăng 21,4% so với cùng kỳ.
Phát huy tinh thần chủ động trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế năm 2025
UBND tỉnh Nghệ An cho biết, trong năm 2025, tỉnh đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị tổng sản phẩm (GRDP) đạt từ 9,5-10,5%; thu ngân sách Nhà nước 17.726 tỷ đồng.Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 4.500 triệu đồng; GRDP bình quân đầu người từ 71-72 triệu đồng,…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; các cấp, các ngành phát huy tinh thần chủ động, gắn chặt với trách nhiệm người đứng đầu để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và hiệu quả hơn.
Trên lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh phấn đấu tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tăng các loại sản phẩm có giá trị cao, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã phát huy hiệu quả. Tập trung đối với một số cây trồng, vật nuôi, sản phẩm chủ lực, tạo đột phá về năng suất, chất lượng…
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. Tập trung chỉ đạo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2025. Trong đó, phấn đấu năm 2025, toàn tỉnh có thêm ít nhất 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 19 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phát triển sản phẩm đặc sản địa phương gắn với chỉ dẫn địa lý, bảo đảm các yêu cầu của thị trường nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; rà soát cơ chế, chính sách để kịp thời hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP có hiệu quả, bền vững, nâng cao quy mô và chất lượng sản phẩm.
Cùng với các giải pháp trên, địa phương sẽ chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư và giải quyết các vướng mắc đối với các dự án sản xuất công nghiệp. Tập trung hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án đầu tư đã đăng ký, nhất là các dự án FDI trong khu kinh tế và các khu công nghiệp đi vào hoạt động trong năm 2025.
Tập trung hoàn thành các dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng tiến độ đã phê duyệt, rà soát xử lý các dự án tồn đọng, dừng thi công, thi công chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và các chương trình mục tiêu quốc gia. Xây dựng kế hoạch tiến độ thực hiện và cam kết giải ngân chi tiết theo từng tháng, phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ thực hiện từng dự án.
Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Nghệ An trên nền tảng số. Lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh vào các chương trình, hoạt động xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành trung ương; phối hợp hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động ngoại giao, xúc tiến thương mại, du lịch,…/.