UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có khoảng 32.500-34.500 doanh ngiệp; tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô vừa trở lên chiếm khoảng 3-4% trong tổng số doanh nghiệp hoạt động.

vsip-nghe-an-1641894416.jpg
Khu Công nghiệp - Đô thị và Dịch vụ VSIP Nghệ An. Ảnh: HĐ

Bình quân hàng năm, các doanh nghiệp tạo việc làm mới cho khoảng 20.000-25.000 lao động; phấn đấu đến năm 2025, khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65% thu ngân sách của tỉnh; huy động vốn đầu tư từ khu vực doanh nghiệp chiếm từ 35-40% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025 hướng đến mục tiêu phát triển doanh nghiệp về cả số lượng và chất lượng, trọng tâm phát triển chất lượng; nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế; tạo thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động và mở rộng quy mô hình thành một số doanh nghiệp “đầu tàu”, có nguồn lực mạnh để đóng vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, tiềm năng, từ đó tác động lan tỏa đến phát triển doanh nghiệp của tỉnh.

Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng liên kết, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị các hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế của tỉnh, cả nước và quốc tế; đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và tỷ trọng GRDP của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động.

Để đạt được mục tiêu trên, UBND tỉnh Nghệ An nêu phương hướng: Chú trọng phát triển doanh nghiệp theo hướng hình thành cụm liên kết, chuỗi giá trị; khuyến khích và hỗ trợ các hộ kinh doanh có đủ khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp. Ươm tạo doanh nghiệp mới trong các lĩnh vực có sản phẩm xuất khẩu và có giá trị tăng cao.

Khuyến khích doanh nghiệp áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững, công nghệ sản xuất sạch, sử dụng hiệu quả tài nguyên, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh, thân thiện với môi trường. Phát triển doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

UBND tỉnh đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đoàn viên, hội viên khởi nghiệp; biểu dương, tôn vinh các gương đoàn viên, hội viên khởi nghiệp thành công; vận động các hộ kinh doanh có đủ điều kiện chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.

Tăng cường hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật cho đoàn viên, hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh, làm giàu chính đáng, tiến tới thành lập doanh nghiệp. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của doanh nghiệp; thực hiện giám sát và phản biện xã hội đối với các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp./.