Ông Nguyễn Trọng Bằng, xóm Đức Thịnh, xã Tân Phú, huyện Tân Kỳ (tỉnh Nghệ An) khá giả nhờ mô hình trang trại tổng hợp vườn - ao - chuồng (VAC). Dưới ao ông Bằng nuôi toàn cá rô phi đơn tính (toàn cá đực), trên bờ ông nuôi nhiều gà, lợn...
 
Phất lên nhờ nuôi loài cá toàn đực
 
Ông Nguyễn Trọng Bằng nhiều năm qua đã đầu tư xây dựng phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp trên diện tích 2,5 ha. Tận dụng diện tích đất sẵn, ông Bằng tập trung đào ao thả cá, nuôi lợn sinh sản, lợn thịt, gà sao, trồng táo, cam...
 
 
Ông Nguyễn Trọng Bằng đang cho cá rô phi đơn tính ăn. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Ông Bằng kể: “Thời gian đầu mới lập nghiệp, đồng vốn ít, tôi phải tính chuyện lấy ngắn nuôi dài, tích cóp vào việc đào ao thả cá. Tôi nhớ cứ cần mẫn thế nên cuối cùng tôi đào được 7 ao thả cá. Hai trong số 7 ao tôi dùng để ươm cá bột (cá giống), 5 ao còn lại tôi nuôi thịt thương phẩm.
 
Trang trại cao, có mương lớn cạnh ao nên ở dưới đáy mỗi ao, ông Bằng đều lắp một ống thoát nước, khi tháo ao nào, ao đó cạn tận đáy. Trước khi thả cá cho vụ mới, ông mua vôi bột về rải xuống ao phơi khô khoảng một tuần nhằm diệt các mầm bệnh và các loại cá dữ rồi lấy nguồn nước từ trên khe chảy vào. Ông dùng men vi sinh xử lý nước trong ao, tránh các loại tạp chất, chất độc theo nguồn nước chảy vào ao, ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cá.
 
 
Cá rô phi đơn tính trong ao của ông Bằng sinh trưởng tốt. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Ông dùng máy sục khí để tạo ôxy cho ao nuôi, sau đó dùng máy đo độ PH để kiểm tra nồng độ PH trong nước. Khi đủ ngưỡng PH cho phép, ông mới thả cá. Theo kinh nghiệm của ông Bằng, độ PH từ 7 đến 8,5 là phù hợp cho cá phát triển tốt. Sau khi ổn định nguồn nước trong ao, ông tháo cá giống từ ao ươm xuống ao nuôi là xong... 
 
 
 
Ông Nguyễn Trọng Bằng kiểm tra độ PH thường xuyên trong nước nuôi cá rô phi đơn tính để điều tiết nước cho phù hợp với quá trình phát triển của cá. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET, ông Bằng cho biết: “Tôi lấy giống cá rô phi đơn tính từ ngoài Bắc, giống có giá 1.500 đồng/con, thả mật độ 2 con/m2. Sau thả nuôi, 6 tháng sẽ cho thu hoạch. Bình quân trọng lượng cá rô phi đơn tính ;úc này là từ 0,7 - 1 kg/con. Năm ngoái (2019), tôi thả 2 lứa, thu 30 tấn cá rô phi đơn tính, bán được 900 triệu đồng, trừ chi phí giống, thức ăn..., còn lãi 450 triệu đồng. Xuất hàng đã có mối sẵn, thương lái trong và ngoài huyện đến tận nhà mua cá rô phi đơn tính với giá 30.000đồng/kg”.
 
Lợn, gà cho thu nhập khá
 
Tận dụng khoảng đất trên các bờ ao, năm 2018, ông Bằng nuôi 10 con lợn mẹ sinh sản và 70 con lợn thương phẩm. Đến đầu năm 2019, đàn lợn của gia đình ông cho thu nhập 490 triệu đồng, trừ chi phí bỏ ra, ông còn thu lãi 280 triệu đồng.
 
 
Đàn gà sao Ai Cập của gia đình ông Nguyễn Trọng Bằng. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Ngoài đàn lợn, ông Bằng đầu tư nuôi thêm 300 con gà Ai Cập đẻ trứng, hàng năm thu về 180 triệu đồng trừ chi phí lợi nhuận còn lại 60 triệu đồng. Ngoài lợn, gà, ông trồng thêm 30 gốc táo và rau màu… Ông Bằng cho biết, thu nhập 2019 của ông là 976 triệu đồng.
 
 
Ông Nguyễn Thế Thắng trong lần tham quan mô hình kinh tế trang trại của ông Nguyễn Trọng Bằng. Ảnh: Cảnh Thắng
 
Ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho hay: “Tôi đã tham quan mô hình kinh tế VAC của gia đình ông Nguyễn Trọng Bằng, đây là một mô hình phát triển kinh tế theo VAC rất điển hình. Khi bước vào đầu tư nuôi hay trồng một loại cây gì, ông Bằng đều nghiên cứu và nắm vững kiến thức về khoa học kỹ thuật, hoạch toán một cách bài bản...".
 
Ông Bằng đã tận dụng những khoảng đất trống, tạo nguồn thức ăn sẵn có, dám chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận. Về quy trình nuôi cá rô phi đơn tính cũng rất khoa học, tỉ mỉ.
 
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Trọng Bằng còn tích cực tham gia phong trào phát triển nông thôn mới tại địa phương, hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo bằng việc làm cụ thể như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, bán cá giống trả chậm cho nhiều nông dân khác.