Nước mắt cô giáo mất nhà

Sáng ngày 4/10, nhiều ngành chức năng ở Nghệ An vẫn đang nỗ lực khơi thông đường vào xã Tà Cạ (huyện Kỳ Sơn) hỗ trợ nhu yếu phẩm, thuốc men và khắc phục hậu quả cơn lũ quét kinh hoàng xảy ra vào sáng ngày 2/10.

Thẫn thờ nhìn dòng lũ xiết, cô giáo Vi Thị Thương (trú bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ) không cầm được nước mắt cho biết đêm ngày 1/10, mưa to, con khe Huồi Giảng phía sau nhà mang “bom nước” từ thượng nguồn đổ về. 

Suốt cả đêm, cô giáo này và cả bản làng không một ai dám chợp mắt. Tất cả đều lo lắng, không biết mưa lũ sẽ ra sao, căn nhà mình đang ở liệu có an toàn hay chưa.

“Rạng sáng nước từ khe tràn vào nhà rất nhanh, tiếng đất đá ầm ầm kéo đến, mình chỉ kịp vơ vội chìa khoá, mở toang cửa, lên xe máy bỏ chạy lên khu vực cao hơn, chẳng kịp mang theo bất cứ cái gì. Chẳng dám ngoảnh đầu nhìn lại, bất lực nhưng chẳng làm được gì”, cô Thương kể.

1-1664931522.jpg
Cô Thương đứng trước căn nhà mình bị lũ quét tan tành, mọi thứ bị nhấn chìm trong bùn đất hơn 1m - Ảnh: Quốc Huy

Gần 12 tiếng đồng hồ từ lúc lũ quét qua, các cán bộ, chiến sĩ từ ngoài thị trấn Mường Xén mới có thể tiếp cận được vị trí của cô giáo cùng dân bản. Chai nước lọc, gói mì tôm được trao đến tay nhưng cô đã chẳng còn tâm trạng nào để ăn uống.

Ngày trở về, cô Vi Thị Thương bật khóc, hai chân run rẩy đứng không vững khi chứng kiến căn nhà cấp 4 giờ đây chỉ còn là đống hoang tàn. Hai phòng ngủ bùn ngập sâu gần 1m, căn bếp nhỏ của 2 mẹ con cũng chẳng tìm thấy đâu, toàn bộ tài sản, đồ đạc bị nước cuốn trôi hết. 

2-1664931546.jpg
Cô Thương nhìn tấm ảnh treo trên tường đã bị nhuốm bùn đất - Ảnh: Quốc Huy
3-1664931555.jpg
Chiếc rèm nhà cô Thương lấm trong bùn đất - Ảnh: Quốc Huy

“Chưa bao giờ mình chứng kiến đợt mưa lũ kinh khủng như thế. Chồng qua đời cách đây hơn 10 năm, một mình gắng gượng nuôi con. Gom góp mãi mới cất được căn nhà. Giờ con vào đại học, nhà thì mất, đồng lương ít ỏi không biết có gắng gượng được nữa không”, cô buồn bã nói.

Cô Thương là giáo viên Trường Tiểu học Tà Cạ, nhưng năm nay đi tăng cường cho Trường Tiểu học Bảo Nam 2, cách nhà hơn 50km. Đầu tháng 9, Bảo Nam mới trải qua trận lũ quét, cô ở trường cả tuần dạy học. Cuối tuần này, trường ổn định, cô về thăm nhà nhưng không ngờ gặp ngay trận lũ lịch sử.

Chạy lũ chẳng lấy nổi bộ đồ mặc cho con

Hướng về phía thượng nguồn, ngay sát nhà cô Thương là nhà của cô La Thị Vân, hiện là giáo viên Trường Mầm non Bảo Nam.

Cách đây 6 năm, chồng cô qua đời sau cơn đột quỵ, để lại mình cô với 2 con nhỏ. Năm nay, cô vay mượn ngân hàng gần 400 triệu đồng cất ngôi nhà mới được vài tháng...

Nhà cô Thương nằm ngay giữa dòng nước lũ chảy xiết. Nay lũ rút để lại căn nhà nứt toác, chất đầy bùn đất, củi rác và bất kỳ thứ gì dòng nước đi qua. 2 bức tường chực chờ đổ sập bất cứ lúc nào nhưng ở trên cao màu sơn còn mới. 

4-1664931591.jpg
Căn nhà của cô Vân bị lũ phá tan tành. Một bên là dòng nước đục ngầu vẫn đang chảy, một bên là những vách tường nứt toác, xẻ ngang, chạy dọc từ trên xuống dưới. Ảnh: Quốc Huy
5-1664931599.jpg
Cô La Thị Vân và con gái mấy hôm nay đi ở nhờ nhà khác, không kịp lấy được vật dụng gì. Cô cầm gói xôi nóng của đoàn cứu trợ mà nghẹn ngào ăn không nổi. Ảnh: Quốc Huy

“Khoảng 1h sáng ngày 2/10, nước từ khe nhỏ đổ về ngày một lớn, rồi sau đó dần lắng xuống. Sau cơn lũ hồi đầu tháng 9, mình nghĩ chắc cơn lũ không lớn lắm. Hơn 2h sáng, nước bắt đầu đổ về như thác, ngôi nhà của mình nằm đúng dòng nước đâm thẳng vào nhà”, cô Vân nhớ lại.

Cô lôi đứa con gái út đang mắt nhắm, mắt mở lội nước xông ra ngoài chạy lên chỗ cao hơn. Cả hai mẹ con đều hết sức bàng hoàng, sợ hãi trước dòng nước cuồn cuộn đổ về.

“Tất cả tài sản lũ cuốn đi đâu hết, chỉ còn mỗi bộ đồ mặc trong người. Cũng may hôm đó mưa nên mình dặn con gái đầu năm nay học cấp 2 ở lại trường đừng về” - cô buồn rầu kể.

6-1664931633.jpg
Nhà cô Vân thành bãi chiến trường - Ảnh: Quốc Huy

Thương cho hoàn cảnh gia đình cô, các giáo viên ngoài thị trấn đã vào thăm hỏi, động viên, mang theo một ít đồ áo cũ để cô và con gái mặc tạm. 

Cô Vân xác định sẽ tích góp, tiết kiệm để trả nợ ngân hàng, còn nhà ở thì cô ngập ngừng không nói. Cô chỉ mong Nhà nước, các mạnh thường quân giúp đỡ người dân huyện Kỳ Sơn để sớm ổn định cuộc sống.

Không chỉ riêng cô Thương, cô Vân, cô Thơm hay cô Lan bị mất nhà mà rất nhiều thầy, cô khác ở thị trấn Mường Xén và xã Tà Cạ đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, cái móng nhà cũng bị trận đại hồng thủy xoá sổ. 

Và, hơn lúc nào hết, các giáo viên cắm bản nơi đây đang rất cần sự chung tay, giúp sức của ngành giáo dục và nhiều mạnh thường quân trên cả nước./.