Mặt khác, nguồn lợi thu về từ hoạt động khai thác khoáng sản vẫn còn tồn tại thực trạng bất cập, mất cân đối về lợi ích kinh tế với môi trường sống ngay tại “thủ phủ” lưu trữ nhiều chủng loại nguồn tài nguyên quý, hiếm của huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An đã nói lên rất nhiều minh chứng. Nhưng để có lời giải kịp thời thì các cấp, ngành ở đây vẫn loay hoay đi tìm suốt nhiều năm qua.
Lo “tàn phế” môi trường
Gần 10 năm trở lại đây, khi ngược lên vùng Quỳ Hợp, nơi được ví như “thủ phủ” khoáng sản của tỉnh Nghệ An có thể dễ dàng nhận thấy các đại công xưởng chế tác đá trắng - một loại khoáng sản có giá trị kinh tế cao của nước ta. Cùng với đó, hàng trăm biệt thự nguy nga lộng lẫy cũng xuất hiện ở huyện miền núi Quỳ Hợp gắn với tên tuổi các đại gia ở đây.
Trong lần báo cáo trước Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An vào cuối năm 2021, ông Trịnh Thanh Hải - Cục trưởng Cục Thuế Nghệ An cho biết, hiện ngành Thuế đang quản lý 294 tổ chức, doanh nghiệp có khai thác khoáng sản, nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường.
Người đứng đầu ngành Thuế ở tỉnh Nghệ An thông tin vào năm 2020, các doanh nghiệp này đã nộp 869 tỷ đồng và trong 11 tháng năm 2021 đã nộp 1.125 tỷ đồng, bằng gần 8% tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tăng trưởng qua các năm và đang đóng góp rất quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước.
Con số đóng góp 8% tổng thu ngân sách từ hoạt động khai thác khoáng sản ở tỉnh Nghệ An có thể thấy, lĩnh vực này đang góp phần không nhỏ cho địa phương có bước chuyển dịch trên bình diện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, nhiều loại khoáng sản quý, hiếm hiện nay tồn tại rất ít trên lãnh thổ Việt Nam nhưng ở Quỳ Hợp lại chiếm phần lớn và dành cho xuất khẩu chiếm tỷ trọng nguồn thu không nhỏ trong thời gian qua.
Nhưng nỗi lo về môi trường sống, sự tác động quá thô bạo của bàn tay con người vào các lớp trầm tích tự nhiên ban tặng hàng triệu năm ở các dãy núi trên địa bàn vùng cao Nghệ An đang hiện hữu trước mắt. Chưa kể, hạ tầng giao thông nhanh chóng bị băm nát bởi hàng loạt các xe tải trọng lớn siêu trường, siêu trọng thường xuyên vào, ra nơi đây để vận chuyển hàng hoá.
Đừng để tài nguyên lấy đi, hệ luỵ còn lại
Theo số liệu từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An, tính đến tháng 2/2022, huyện Quỳ Hợp có 44 giấy phép khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực, chủ yếu khai thác đá hoa trắng, đá trắng và thiếc trong đó có 25 giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 19 giấy phép do UBND tỉnh Nghệ An cấp. Hiện trên địa bàn huyện này cũng còn có hàng trăm mỏ đá xây dựng được cấp phép.
Đáng quan tâm, gần như toàn bộ các mỏ khoáng sản trên địa bàn Nghệ An đều được cấp phép khai thác trong vòng 15-30 năm. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, phải sau từng đó thời gian, công tác hoàn thổ, phục hồi môi trường mới được triển khai thực hiện.
Và, cũng từng đó năm, người dân địa phương sinh sống xung quanh các khu vực khai thác khoáng sản phải chấp nhận sống chung với ô nhiễm cùng với nhiều hệ luỵ phát sinh có thể làm xáo trộn cuộc sống của họ bất cứ lúc nào.
Bằng chứng điển hình nhất là suốt 2 năm qua, người dân xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ trước hiện tượng sụt lún địa chất, liên tiếp xuất hiện các hố tử thần có thể “nuốt chửng” nhà cửa, ruộng vườn… bất cứ lúc nào. Sốt ruột trước tình trạng này kéo dài, vào cuối tháng 5/2022, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phải thị sát và chỉ đạo cơ quan chức năng yêu cầu Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang tạm dừng việc khai thác nước ngầm phục vụ khai thác khoáng sản để điều tra, làm rõ nguyên nhân. Kết quả, chỉ sau một thời gian ngắn yêu cầu doanh nghiệp nói trên ngừng khai thác nước ngầm, hàng loạt giếng nước của người dân xã Châu Hồng đã có nước trở lại, hiện tượng sụt lún bất thường cũng tạm thời không thấy xuất hiện.
Liên quan đến vấn đề nói trên, vào ngày 28/5, ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và bảo vệ môi trường đối với Công ty Cổ phần Tân Hoàng Khang, doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ đá trắng, đá xây dựng và quặng thiếc ở huyện Qùy Hợp với số tiền gần 276.760 triệu đồng.
Mặc dù nguyên nhân chính chưa được cơ quan chức năng công bố nhưng từ thực trạng nói trên có thể thấy đó mới chỉ là một trong những hệ luỵ nhãn tiền đã thấy rõ trên địa bàn huyện Quỳ Hợp một phần do khai thác khoáng sản gây ra. Đằng sau đó, vấn đề làm sao “vá” được địa chất, bình đồ của những dãy núi, dòng sông, suối sau hàng triệu năm mới có được đang là câu chuyện đáng quan tâm cho thế hệ mai sau./.