Xử phạt nhiều nhưng chỉ như "ném đá ao bèo"
Thực trạng hai thác hải sản theo kiểu tận diệt không phải là câu chuyện mới, mà đã xảy ra từ rất lâu tại hầu hết các xã ven biển ở các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò…tỉnh Nghệ An. Tại đây, có đến gần 90% hộ dân sống bằng nghề khai thác hải sản. Rất nhiều buổi tuyên truyền vận động được triển khai. Không ít bản cam kết được ký nhưng tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt vẫn chưa chấm dứt. Chính quyền địa phương đang tìm các biện pháp chuyển đổi nghề cho ngư dân, nhưng gặp phải rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Theo quan sát của phóng viên, thời điểm này, ở khu vực cảng cá Cửa Lò có rất nhiều phương tiện tàu thuyền neo đậu. Trên những khoang thuyền chất đầy những chiếc lồng bát quái (còn được gọi là lờ dây, lồng xếp, rọ lồng) dùng để đánh bắt thuỷ hải sản.
Ở đây, rất nhiều chủ phương tiện bè mảng đang sử dụng các phương thức đánh bắt tận diệt nguồn hải sản gần bờ. Những chiếc lồng bát quái này là loại ngư cụ du nhập từ nước ngoài và không được phép sử dụng. Mắt lưới bát quái nhỏ hơn rất nhiều so với quy định, nguyên lý hoạt động là ngăn cản đường di chuyển tự nhiên của các loài thủy sản vốn có tập tính con bố mẹ phải vào bờ để đẻ trứng, còn con non phải ra biển để trưởng thành. Một bộ lồng bát quái dài khoảng 5-10m, bao gồm nhiều khung lồng có dạng hình hộp, hoặc tròn xếp liên kết với nhau bằng áo lưới, dọc thân lồng có nhiều cửa hom để thủy sản đi vào nhưng không có cửa ra.
Qua tìm hiểu, cùng với lồng bát quái, chủ một số bè mảng còn gắn động cơ công suất lớn để hành nghề giã cào ở vùng biển gần bờ. Thậm chí, họ còn lén lút sử dụng kích điện gắn vào lưới trong lúc hành nghề làm cho các loại thủy, hải sản đều bị tận diệt.
Hay ở cửa sông Lạch Vạn, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu có hàng trăm phương tiện bè mảng được làm từ vật liệu thô sơ và được ngư dân tự gắn động cơ máy từ 20-30CV để đánh bắt ở vùng cửa sông và khu vực biển gần bờ. Thông thường, mỗi bè mảng chỉ cần 1-2 lao động, phương thức đánh bắt chủ yếu là thả các loại lưới khác nhau. Đặc điểm nhân công ít, chi phí hoạt động thấp, đi về trong ngày, bè mảng được xem là phương tiện mưu sinh hiệu quả cho một bộ phận ngư dân địa phương.
Vào cuối tháng 5 vừa qua, Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Thủy sản Nghệ An thành lập đã kiểm tra 87 phương tiện, xử phạt 5 chủ phương tiện với tổng số tiền 40,4 triệu đồng. Trong đó có 3 chủ tàu bị xử phạt nặng, mỗi tàu 12,5 triệu đồng là tàu cá mang biển số TH-A 3128-TS của ông Nguyễn Văn Dũng và 2 chủ bè cá là ông Phạm Văn Ba và ông Mai Hưng Cường cùng trú ở Hải Hà, Nghi Sơn (Thanh Hóa) vì hành vi tàng trữ công cộng kích điện để khai thác thủy sản.
Trước đó ngày 6/4, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tổ chức tuần tra, kiểm soát tại khu vực vùng biển thôn Đồng Minh, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai (tiếp giáp tỉnh Thanh Hóa) đã phát hiện 4 phương tiện tàu cá loại nhỏ dưới 12m không có số đăng ký tàu cá có hành vi tàng trữ công cụ kích điện để khai thác thủy sản trái phép. Đồn Biên phòng Quỳnh Phương đã hoàn chỉnh hồ sơ, tịch thu tang vật và xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 50.000.000 đồng.
Mới đây nhất là ngày 19/6, tại vùng biển Nghi Lộc, Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy đã phát hiện và bắt giữ 2 phương tiện vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản. Các phương tiện mang số hiệu NA-80111-TS do ông Nguyễn Văn Dũng (SN 1985) và NA-2260-TS do ông Nguyễn Văn Dân (SN 1985), đều có hộ khẩu thường trú xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu (Nghệ An) làm thuyền trưởng điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm quy định về ngư cụ khai thác thủy sản (vứt bỏ trái phép ngư cụ xuống vùng nước tự nhiên).
Ngày 15/6, lực lượng tuần tra Đồn Biên phòng Diễn Thành (thuộc BĐBP Nghệ An) phát hiện tàu cá TH 91175-TS, do anh Phạm Viết Huy (SN 1969), trú tại thị xã Nghi Sơn, (Thanh Hóa) làm chủ phương tiện có hành vi “Sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ tỉnh khác’’.
Cùng ngày, tại vùng biển ven bờ huyện Diễn Châu, tổ công tác phát hiện tàu cá NA 92038 TS, do anh Nguyễn Sỹ Phương (SN 1982), trú tại thị xã Cửa Lò, làm chủ phương tiện, có hành vi “Đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định” và “Tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị”.
Không dễ chuyển đổi nghề
Qua trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thiết – ngư dân ở cảng Cửa Lò thẳng thắn chia sẻ: “Đa phần ngư dân ở đây hoạt động đều sử dụng lồng bát quái để đánh bắt hải sản. Chúng tôi cũng biết hành vi của mình là vi phạm pháp luật, nhưng cũng không biết chuyển đổi nghề gì để kiếm sống...”.
Có nhiều ngư dân trước đây sử dụng bè mảng đánh bắt gần bờ, sau đó, được sự khuyến khích của chính quyền địa phương đã đóng tàu lớn để khai thác xa bờ. Thế nhưng, “Tàu lớn đồng nghĩa với việc phải có nhiều lao động, kinh phí dầu máy lớn, trong lúc hải sản khai thác không được bao nhiêu. Thực tế, có những trường hợp ngư dân chấp nhận cho tàu công suất lớn nằm bờ để trở lại gắn bó với bè mảng mưu sinh…”, ông Thiết nói.
Theo quy định, bè mảng không nằm trong danh mục phương tiện bị cấm hành nghề trên biển, đây là phương tiện đánh bắt thô sơ, có thể dễ dàng vào neo đậu ở cửa sông, cửa lạch, bãi biển và thuộc sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, qua thực tế, với một lượng bè mảng lớn tồn tại, cùng phương thức đánh bắt bị cấm đang gây ra nhiều bất cập cho ngành khai thác thủy, hải sản của địa phương.
Về vấn đề này, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu khẳng định: “Hiện, trên địa bàn toàn huyện Diễn Châu có trên 600 phương tiện bè mảng đang hoạt động, với gần 1.000 lao động đánh bắt hải sản gần bờ. Chi phí thấp, loại phương tiện này chỉ đáp ứng được vấn đề mưu sinh hàng ngày cho người dân, còn hiệu quả phát triển kinh tế không cao”.
Không chỉ vậy, “bè mảng với những phương thức đánh bắt không phù hợp đang tác động xấu đến nguồn lợi cũng như ngành khai thác hải sản của địa phương. Trên bè mảng cũng không có thiết bị thông tin liên lạc, nên gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng khi tham gia cứu hộ ngư dân gặp nạn trong quá trình hành nghề” - ông Phan Xuân Vinh cho biết thêm.
Từ thực tế đó, chính quyền địa phương huyện Diễn Châu đã tìm nhiều giải pháp để chuyển đổi nghề cho số ngư dân đánh bắt bằng bè mảng như khuyến khích, ưu đãi để ngư dân đóng các tàu công suất lớn vươn khơi; thu hút các nhà đầu tư triển khai các dự án tại địa phương để giải quyết công ăn việc làm... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, những giải pháp đưa ra hầu như không có hiệu quả.
Trong khi đó, việc chuyển đổi để ngư dân đánh bắt bằng bè mảng sang các nghề khác cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi phần lớn những người bám bè mảng khai thác hải sản gần bờ phần lớn đã ở độ tuổi trung niên, các xí nghiệp nhà máy cũng không muốn nhận họ vào làm.
Về nhiệm vụ trước mắt và lâu dài “Chính quyền địa phương sẽ tập trung tuyên truyền, vận động ngư dân loại bỏ các hình thức, ngư cụ đánh bắt hải sản bị pháp luật nghiêm cấm. Cùng với đó, tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn chuyển đổi việc làm cho ngư dân đánh bắt bằng bè mảng.” - ông Phan Xuân Vinh khẳng định./.