Hơn 8 năm bà Lan chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo cũng là chừng ấy thời gian Dung ở bên mẹ như hình với bóng. Dung không phải là con đẻ nhưng tình mẫu tử của hai mẹ con khiến nhiều người cảm động.
Số phận hẩm hiu của cô bé mồ côi
Về xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) hỏi thăm hoàn cảnh hai mẹ con bà Lê Thị Lan (SN 1962) và người con Lê Thị Dung (SN 2000) không ai là không biết.
Số phận hẩm hiu, cộng với bệnh tật bủa vây khiến cuộc sống họ vốn đã vất thì lại càng cơ cực hơn. Nhất là hiện nay, căn bệnh ung thư giai đoạn 4 của bà Lan đang nguy cấp.
Hơn 8 năm bà Lan chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo cũng là chừng ấy thời gian Dung ở bên mẹ như hình với bóng. Mặc dù Dung không phải là con ruột của vợ chồng bà Lan nhưng em được bà Lan nhận làm con nuôi lúc 9 tháng tuổi.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Lan rơm rớm nước mắt kể, do hai vợ chồng hiếm muộn nên năm 2000, sau khi nghe tin ở huyện miền núi Quỳ Châu có hoàn cảnh người mẹ sau khi sinh đôi hai đứa con gái ra thì mất. Người bố sau một thời gian “gà trống nuôi con” thì có có ý định gửi con vào trung tâm do hoàn cảnh. Biết chuyện, bà Lan đã tìm đến xin nhận 1 đứa bé về làm con nuôi.
Trước tấm lòng chân tình của người phụ nữ hiếm muộn, người đàn ông đó đã đồng ý trao một đứa con cho bà Lan. Đứa còn lại ông cũng gửi cho người bác của bà Lan đưa về chăm sóc.
Cô gái có hoàn cảnh vô cùng éo le
Nhờ tình thương của bố mẹ nuôi, Dung lớn lên, được cắp sách đến trường như bạn bè đồng trang lứa. Thi thoảng, tranh thủ thời gian nghỉ hè, em lại được bố mẹ đưa lên thăm bố ruột.
Cuộc sống trôi đi cho đến giữa năm học lớp 8, do bất cẩn nên Dung bị thương ở bàn chân phải. Điều bất thường là vết thương ấy rất khó lành, liên tục rỉ máu, khiến Dung đau nhức, sức khỏe giảm sút.
Sự sống mong manh của hai mẹ con cùng mắc bệnh hiểm nghèo
Lo lắng, vợ chồng bà Lan đưa con đi khám thì phát hiện bị u máu chậm đông. Dung cho biết, các vết thương đó luôn trong tình trạng tái phát. Thậm chí nhiều hôm, lượng máu chảy nhiều đến mức ướt đẫm cả vùng chăn, chiếu trên giường.
8 năm qua, bà Lan phải điều trị căn bệnh ung thư quái ác.
Quá trình điều trị tại bệnh viện những vết thương đó cũng không lành hẳn. Sau đó, Dung được chỉ định ra các bệnh viện tuyến trung ương để điều trị. Tuy nhiên, do không có tiền nên gia đình đành để em ở nhà.
Việc con gái không có điều kiện chữa trị khiến bà Lan luôn suy nghĩ. Thế rồi khi Dung đang sống chung với bệnh tật thì bà Lan phát hiện ung thư buồng trứng. Đó là vào năm 2012. Dù đã nhập viện phẫu thuật cắt bỏ khối u nhưng chưa đầy 5 tháng sau, cơn đau lại tái phát.
Bà Lan buồn bã cho biết: “Lần này, thấy bụng mình ngày càng to ra trông thấy, cộng với những cơn đau dày hơn nên tôi lại quyết định tìm đến bệnh viện. Một bệnh viện ở Hà Nội chẩn đoán tôi bị ung thư dạ con nên tiếp tục phẫu thuật”.
Sau những cuộc can thiệp bằng dao kéo, sức khỏe bà Lan giảm sút rõ rệt. Mọi công việc trong gia đình, đồng áng bị đình trệ. Cuộc sống của gia đình này vốn đã khó khăn nay càng thiếu thốn hơn. Cả nhà chỉ biết trông chờ vào những công phụ hồ, bóc vỏ keo của ông Lê Văn Quy (SN 1962), chồng bà Lan. Nhưng ngặt nỗi, vì sức khỏe ốm yếu, tính khí lại thất thường nên người chồng cũng làm việc bữa được, bữa không.
Sau những cuộc can thiệp bằng dao kéo, sức khỏe bà Lan giảm sút rõ rệt.
Đến năm 2017, bà Lan bỗng thấy trên cổ xuất hiện hai cục hạch lạ nên đi kiểm tra thì phát hiện đó là khối hạch di căn của ung thư dạ con. “Tin đó như sét đánh ngang tai, tôi không ngờ căn bệnh đó cứ đeo bám mình mãi. Họ bảo đã di căn, nhưng tôi quyết định “còn nước, còn tát” nên nhập viện điều trị”, bà Lan nghẹn ngào.
Người phụ nữ với cái đầu trọc lóc sau những lần xạ trị cho biết, để có đủ số tiền gần 30 triệu cho lần xạ trị đầu tiên, gia đình tôi phải đi vay mượn khắp nơi. Đàn gà bán được cũng không thấm vào đâu so với những chi phí của bệnh viện.
Bà Lan buồn rầu kể về những tháng ngày cơ cực của mình
Mới đây, bà Lan tiếp tục hành trình vào Bệnh viện Ung bướu Nghệ An để níu kéo sự sống. Với bà, gần 8 năm nay bản thân hầu như sống bám bệnh viện.
Bà bảo: “Dù đã xác định như vậy rồi nhưng mỗi khi nhìn con đi theo để chăm mẹ, tôi rơi nước mắt. Bản thân cháu đã chịu thiệt thòi, mồ côi mẹ từ lúc lọt lòng. Nay lại phải mang căn bệnh hiểm nghèo trong người. Vậy mà, nhiều năm nay cứ đùm theo quần áo để chăm mẹ bị bệnh ung thư”.
Đưa cánh tay vừa mới đến bệnh viện khâu lại xong, Dung tâm sự: “Việc vết thương liên tục rỉ máu khiến cánh tay của em phải mổ đi, mổ lại không dưới 5 lần. Đau lắm nhưng em chưa có điều kiện ra Hà Nội khám và điều trị được”.
“Cách đây khoảng 1 năm, khi bệnh tình em diễn biến nặng, lo lắng mẹ bắt em nhập viện. Nhưng đêm trước khi em vào viện thì mẹ cũng tái phát, đau đớn. Do vậy, sáng hôm sau hai mẹ con cùng vào viện. Trong khi người mẹ nhập viện ung bướu thì con đến Bệnh viện chấn thương chỉnh hỉnh Nghệ An. Nhưng, do không nỡ để mẹ đau đớn 1 mình sau những lần truyền hóa chất, Dung quyết ra viện để sang bệnh viện Ung bướu chăm mẹ”, Dung tâm sự trong nước mắt.
Ngồi nhìn căn nhà cũ, trống huơ, trống hoắc, bà Lan nói: “Nếu bán được gì thì tôi đã bán để cho con đi chữa bệnh rồi. Nhưng giờ tài sản trong nhà không có gì cả. Mỗi lần thấy con chảy máu mà không cầm được, tôi thương lắm! Giờ chỉ mong có chút tiền để đưa con ra Hà Nội khám một lần”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:
Em Lê Thị Dung (Con gái bà Lan)
Địa chỉ: Thôn 2, xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An)
Số ĐT: 0396.661.272