Theo số liệu thống kê, đến cuối tháng 12/2023, toàn tỉnh có trên 100 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày tại 17 huyện, thành, thị bao gồm: Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Anh Sơn, Hưng Nguyên, Thanh Chương, Nam Đàn, TP. Vinh, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông, Quỳnh Lưu, thị xã Cửa Lò, thị xã Hoàng Mai, Tân Kỳ, thị xã Thái Hòa.

iu-1703837093.jpg
 

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Nghệ An đã tiêu hủy gần 8.000 con lợn với tổng trọng lượng trên 460 tấn. Đây là thiệt hại không hề nhỏ đối với các hộ dân và trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các huyện có số ổ dịch xuất hiện nhiều như: Đô Lương (13 ổ dịch, tiêu hủy trên 1.000 con); Yên Thành (13 ổ dịch, tiêu hủy gần 700 con); Anh Sơn (11 ổ dịch, tiêu hủy gần 3.500 con); Thanh Chương (10 ổ dịch, tiêu hủy gần 600 con); Nghi Lộc (13 ổ dịch, tiêu hủy 420 con)...

Tỉnh Nghệ An đã cấp hơn 25.000 lít hóa chất, phân bổ về các địa phương để dập dịch. Đối với vôi bột khử khuẩn thì các huyện, xã và người chăn nuôi tự trích kinh phí để mua phòng dịch. Hiện nay, các biện pháp phòng chống dịch đang được thực hiện đồng bộ tại địa phương. Đối với những con lợn có triệu chứng, người dân báo lên chính quyền địa phương để cử cán bộ thú y xuống lấy mẫu. Sau khi mẫu bệnh phẩm có kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi sẽ tiến hành khoanh vùng, sát trùng khử khuẩn khu vực chăn nuôi và tiêu hủy lợn theo quy định.

Tỉnh Nghệ An cũng chỉ đạo các địa phương tuyên truyền cho người dân kiến thức, đối tượng tiêm vắc xin dịch tả lợn châu Phi để người dân đăng ký tiêm. Bước đầu đã tiêm phòng 1.258 liều vắc xin dịch tả lợn châu Phi cho 1.258 con lợn thịt từ 4 tuần tuổi trở lên tại 4 huyện: Yên Thành, Quế Phong, Quỳ Châu và Hưng Nguyên. Hiện nay, đàn lợn đang sinh trưởng và phát triển bình thường.

g-1703837657.PNG
Công tác tiêm vắc xin phòng dịch tả lợn châu Phi được triển khai trên diện rộng.

Bên cạnh đó, địa phương sẽ lập chốt kiểm dịch, kiểm soát người và phương tiện ra vào vùng dịch, đảm bảo lợn bệnh, chết sẽ không bị buôn bán ra ngoài thị trường, hạn chế tối đa dịch lây lan. Cùng với đó, Nghệ An cũng đã ban hành Chỉ thị số 35/CT-UBND về việc "Tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn". Theo đó, yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã, lực lượng chức năng tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

Địa phương nào chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, để dịch lây lan diện rộng, tỷ lệ tiêm phòng thấp, không chỉ đạo quyết liệt, không chấn chỉnh việc vứt xác động vật ra ngoài môi trường thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.