Bồi thường giải phóng mặt bằng khi dự án chưa được phê duyệt?
Dự án Cụm dân cư Trường Sơn được UBND tỉnh Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 26/6/2014 do Công ty cổ phần Tiến lực làm chủ đầu tư, địa điểm xây dựng số 30A đường Siêu Hải, phường Cửa Nam, TP Vinh, trên phần đất trước đây Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn thuê đất và trả tiền thuê đất hằng năm.
Theo điều chỉnh quy hoạch được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 716/QĐ-UBND ngày 1/3/2018 thì Dự án có tổng diện tích 7.725,51m2, trong đó: Khu xây dựng nhà ở liền kề được bố trí tiếp giáp với trục đường Siêu Hải và các đường quy hoạch nội bộ có tổng diện tích 4.991,87m2 với 55 lô (từ LK-01 đến LK-55), diện tích các lô đất từ 71,24 - 221,60m2. Khu cây xanh, thể dục thể thao có diện tích 231,63m2. Và hạ tầng kỹ thuật gồm: San nền toàn bộ khu đất dự án; xây dựng đường giao thông; cấp nước; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải sinh hoạt; hệ thống cấp điện sinh hoạt và điện chiếu sáng đèn đường thuộc đất giao thông với diện tích 2.479,65m2.
Đến thời điểm hiện tại, Dự án cơ bản đã hoàn thành các hạng mục xây dựng và đã được công ty này chuyển nhượng 55/55 căn hộ. Điều đáng nói, việc trình và giao đất cho dự án này đã có những khuất tất, nhiều dấu hiệu sai phạm dẫn đến có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách của Nhà nước nhiều tỉ đồng. Được biết, thửa đất thực hiện Dự án Cụm dân cư Trường Sơn do Công ty cổ phần Tiến Lực làm chủ đầu tư, trước đây đã được Nhà nước giao cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm tại Quyết định số 303/QĐ –UB.ĐC ngày 14/11/2011 và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mã số BĐ 447301 ngày 14/12/2011 tại Thửa đất số 64, Tờ bản đồ số 17, diện tích 7.725,541m2, với mục đích sử dụng làm đất cơ sở sản xuất kinh doanh và thời hạn sử dụng đất đến ngày 14/11/2051.
Nhưng đến ngày 14/5/2012, Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn làm đơn gửi UBND TP Vinh đề nghị chấp thuận cho Hợp tác xã giải thể tự nguyện theo quy định của pháp luật. Sau đó 2 ngày, UBND TP Vinh đã có Thông báo về việc chấp thuận giải thể tự nguyện Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn. Trong quá trình giải thể tự nguyện, ngày 11/5/2012, Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn và Công ty cổ phần Tiến Lực có biên bản cam kết đền bù tài sản khi thực hiện Dự án Cụm dân cư Trường Sơn, với giá trị là 8.818.214.000 đồng.
Tại thời điểm này, UBND tỉnh chưa ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư và cho phép khảo sát, lập dự án quy hoạch xây dựng Dự án Cụm dân cư Trường Sơn (Quyết định ban hành ngày 31/12/2013). Điều đáng nói, sau khi giải thể tự nguyện, Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn mới chỉ nộp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà chưa làm đầy đủ các thủ tục giải thể tự nguyện, chưa làm thủ tục trả lại đất cho Nhà nước quản lý, không nộp con dấu cho cơ quan chức năng.
Dấu hiệu sai liên hoàn từ tờ trình của một HTX đã giải thể
Theo đó, dù giải thể đã 2 năm, nhưng đến ngày 10/5/2014, Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn vẫn ra Văn bản số 37/TTr-HTX về việc đề nghị thu hồi đất để thực hiện dự án gửi các ban, ngành thuộc tỉnh Nghệ An. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp, UBND phường Cửa Nam, TP Vinh không những không thẩm định, mà còn trên cơ sở đó đã ban hành Văn bản số 42/TTr-UBND ngày 5/6/2014 về việc đề nghị thu hồi đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất của Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn.
Đến ngày 17/6/2014, UBND TP Vinh có Văn bản số 2792/TTr-UBND về việc đề nghị thu hồi đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất của Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo các hồ sơ có liên quan, nhưng không nêu rõ Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn đã giải thể. Sở Tài nguyên và Môi trường đã căn cứ vào hồ sơ trình của UBND TP Vinh để ban hành văn bản gửi UBND tỉnh và đề nghị UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn và giao UBND TP Vinh quản lý toàn bộ diện tích đất thu hồi.
Ngày 30/6/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định thu hồi đất của Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn để thực hiện dự án xây dựng Cụm dân cư Trường Sơn và mở đường theo quy hoạch. Như vậy có thể thấy UBND TP Vinh không kịp thời tiến hành các thủ tục thu hồi đất của Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn tự nguyện giải thể vào tháng 5/2012 và tiến hành đền bù giá trị còn lại của tài sản cố định trên đất để quản lý. Do đó, không đủ điều kiện để đấu giá tài sản của Nhà nước khi thực hiện dự án. Và tại thời điểm tháng 6/2014, khi UBND TP Vinh lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh Nghệ An thu hồi đất của Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn để thực hiện Dự án Cụm dân cư Trường Sơn là không đúng với nội dung thu hồi đất. Đồng thời, hồ sơ gửi Sở Tài nguyên và Môi trường không thể hiện Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn đã giải thể, nên Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh thu hồi đất theo Khoản 1, Điều 38, Luật Đất Đai năm 2003. Từ đó dẫn đến việc xác định sai phương án bồi thường đối với tài sản trên đất cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn.
Về việc bồi thường thì qua nguồn tin riêng của phóng viên được biết, theo đề xuất của Công ty cổ phần Tiến Lực trên căn cứ phương án bồi thường được phê duyệt ngày 24/12/2014 của UBND tỉnh Nghệ An và căn cứ Quyết định giao đất ngày 13/4/2015 của UBND tỉnh Nghệ An, sau khi xem xét, liên ngành Sở Tài chính - Cục Thuế đã tham mưu UBND tỉnh ghi thu, ghi chi với tổng kinh phí được ghi thu, ghi chi là 7.775.276.169 đồng. Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã làm thủ tục ghi thu Ngân sách Nhà nước tiền sử dụng đất của dự án số tiền 7.775.276.169 đồng và Sở Tài chính đã làm thủ tục ghi chi Ngân sách Nhà nước số tiền 7.775.276.169 đồng qua Kho bạc Nhà nước tỉnh này trong tháng 6 năm 2015.
Do tại thời điểm tháng 5/2012, Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn giải thể tự nguyện, UBND TP Vinh không làm các thủ tục thu hồi đất và xử lý giá trị còn lại tài sản trên đất theo quy định nên khi tiến hành thực hiện dự án, không đủ điều kiện để đấu giá đất và tài sản trên đất do Nhà nước quản lý. Mặt khác, theo các giấy tờ thoả thuận thì Công ty cổ phần Tiến Lực đã chi trả tiền đền bù giá trị tài sản còn lại trên đất cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn vào tháng 12/2012 với số tiền 8.212.818.000 đồng. Do đó, Nhà nước không phải chi trả tiền đền bù giá trị còn lại tài sản cố định của Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn.
Tuy nhiên, đến năm 2014, Công ty cổ phần Tiến Lực, Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn, UBND phường Cửa Nam vẫn trình hồ sơ đền bù trong quá trình thực hiện dự án và một số sở, ngành có chức năng quản lý nhà nước trong vụ việc đã không kiểm tra, rà soát khiến khi trình văn bản không đúng nội dung, bản chất của việc thu hồi đất, dẫn đến UBND tỉnh phê duyệt phương án bồi thường tài sản trên đất cho Hợp tác xã cổ phần Trường Sơn và đã khấu trừ giá trị bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho Công ty cổ phần Tiến Lực bằng hình thức ghi thu, ghi chi không đúng quy định với số tiền 7.775.276.169 đồng.
Được biết, với những sai phạm trong công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn về Dự án Cụm dân cư Trường Sơn và có dấu hiệu làm thất thoát ngân sách Nhà nước với số tiền 7.775.276.169 đồng, UBND tỉnh giao Thanh tra tỉnh chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật./.