a-6-1-1647670302.jpg
Giáo viên các trường THPT đang điều chỉnh cách thức dạy ôn tập, đáp ứng nhu cầu tham gia các kỳ thi của học sinh.

Giáo viên và học sinh gặp không ít khó khăn do thời gian không còn nhiều, trong khi mục tiêu chính từ trước đến nay vẫn là Kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Tăng cơ hội vào đại học

Nguyễn Hà My (Trường THPT Cửa Lò, thị xã Cửa Lò) đang chuyển hướng ôn tập để chuẩn bị cho cả 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội. “Trong thời gian ngắn, các trường thay đổi phương thức xét tuyển và ưu tiên lấy kết quả từ Kỳ thi ĐGNL buộc thí sinh phải thay đổi cách học.

Bài thi ĐGNL của ĐHQG Hà Nội gồm có 150 câu hỏi với 3 phần: Tư duy định lượng (môn Toán); Tư duy định tính (môn Văn) và Khoa học (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý). Hiện, ngoài học ở lớp, em đăng ký một gói ôn thi trực tuyến trên mạng theo giới thiệu của các bạn”, Hà My cho biết.

Nguyễn Trần Xuân Huy (Lớp 12A5, Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, huyện Diễn Châu) dự định đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân. Tuy nhiên, theo phương án tuyển sinh năm nay, trường chỉ lấy 10 - 15% chỉ tiêu từ kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT Đây cũng là tỷ lệ thấp nhất của trường trong những năm qua. Số còn lại nhà trường tuyển sinh qua hình thức khác, trong đó tăng chỉ tiêu cho nhóm xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh và thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Xuân Huy chia sẻ, từ năm lớp 10, xác định thi khối A1 nên em tập trung vào 3 môn chính là Toán – Lý – Anh. “Nhưng năm nay, trường đại học điều chỉnh phương án tuyển sinh, giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nên sự cạnh tranh lớn hơn. Vì thế, em đăng ký thi đánh giá năng lực để tăng cơ hội xét tuyển vào ngành mình yêu thích. Nhưng bài thi này có dạng tổng hợp kiến thức: Toán – Tiếng Anh, Ngữ Văn, Lịch sử, Hóa học, Địa lý, Vật lý… từ lớp 10 - 12. Trong đó nhiều môn không phải thế mạnh của em”.

Theo khảo sát của cô Thái Thị Bích Hường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 – Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, trong lớp chỉ có 10 em dự kiến lấy kết quả học bạ để xét tuyển đại học. Còn hơn 30 em khác có học lực khá – giỏi đều đăng ký các kỳ thi đánh giá năng lực.

“Học sinh của tôi dự kiến sẽ tham dự đợt thi vào cuối tháng 3 sau khi hoàn thành toàn bộ khung chương trình lớp 12. Đến nay, các em đã tìm hiểu và hình dung được Kỳ thi đánh giá năng lực qua thông tin trên mạng Internet. Nhưng đa số chia sẻ chưa tự tin vào kiến thức của mình vì chỉ nắm chắc môn khối, các môn còn lại mới mức nhận biết, thậm chí chưa đầy đủ khi đề thi trải từ lớp 10 đến lớp 12”, cô Hường cho biết.

a-6-2-1647670327.jpg
Nhiều học sinh lớp 12 tỉnh Nghệ An tham gia thi ĐGNL để tăng cơ hội vào ĐH.

Điều chỉnh kế hoạch ôn tập

Theo cô Nguyễn Thị Hà – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Xuân Ôn, thực tế phân phối chương trình đã khá chặt về kiến thức, kỹ năng môn học, năm học cho từng khối lớp. Nhà trường chủ yếu thực hiện kế hoạch giảng dạy đảm bảo mục tiêu đề ra. Đồng thời tập trung chính cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đẩy mạnh ôn tập đối với khối 12 theo tổ hợp môn mà học sinh đăng ký.

Do đó, khi các trường đại học thay đổi phương thức xét tuyển, không chỉ học sinh mà giáo viên cũng không tránh khỏi lúng túng. Chưa kể do ảnh hưởng của dịch bệnh, lịch học trực tiếp của học sinh bị gián đoạn, nhà trường đang tập trung rà soát kiến thức để trám lỗ hổng cho học sinh.

“Hiện chúng tôi đã yêu cầu các lớp rà soát số lượng học sinh tham dự Kỳ thi ĐGNL. Từ đó yêu cầu các tổ chuyên môn nghiên cứu các đề thi mẫu để xây dựng kế hoạch ôn tập hoặc hỗ trợ cho học sinh. Rất may là trong thời gian qua, nhà trường chủ trương học sinh học đều các môn, không học lệch, học tủ nên việc ôn thi của học sinh thuận lợi hơn”, cô Nguyễn Thị Hà cho hay.

Trường THPT Diễn Châu 3 (huyện Diễn Châu) vừa tổ chức Hội thảo chuyên môn dạy học theo kỳ thi đánh giá năng lực. Đồng thời xây dựng tập san bao gồm bài viết của giáo viên bộ môn đánh giá về kỳ thi từ tổng quan đến phân tích đề thi của các ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, Trường ĐH Bách khoa. Từ đó có định hướng thay đổi phương pháp dạy học phù hợp đối với từng môn học.

Phân tích đề thi ĐGNL của ĐH QG Hà Nội năm 2022, cô Nguyễn Thị Đào – giáo viên bộ môn Toán – Trường THPT Diễn Châu 3 cho biết, về độ phủ kiến thức trong đề thi, lớp 10 chiếm 14%; lớp 11 chiếm 20% và lớp 12 chiếm 66%.  Sự phân chia theo cấp độ là 8% nhận biết, 44% thông hiểu, 42% vận dụng và 6% vận dụng cao. Số lượng câu hỏi liên môn, vận dụng thực tế chiếm tỉ lệ cao trong toàn bộ phần định lượng. Để làm tốt bài thi của ĐHQG Hà Nội, học sinh không những cần nắm chắc các kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 mà còn cần có chiến thuật làm bài hợp lí.

Theo thầy Phan Trọng Đông – Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3, từ trước đến nay, nhà trường tập trung nhiệm vụ làm sao để kết quả thi tốt nghiệp THPT là tốt nhất. Nhưng với phương án tuyển sinh của các trường đại học năm nay, giáo viên sẽ phải thay đổi cách dạy học, ôn tập. Cụ thể, vừa bảo đảm phù hợp với yêu cầu tiếp cận kiến thức bài thi, vừa hình thành kỹ năng tư duy tổng hợp, tư duy sáng tạo khi làm bài. Kế hoạch dạy học, định hướng theo khối, chương trình ôn tập cần xây dựng sớm. Bao gồm từ khi học sinh vào lớp 10 và điều chỉnh dần qua từng năm cho đến lớp 12.

Ông Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Giáo dục Trung học – Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Sở đã chỉ đạo các trường tổ chức ôn thi cho học sinh để đáp ứng cả bài thi tốt nghiệp và bài thi năng lực. Rà soát nguyện vọng học sinh để có lớp thích hợp, xây dựng nội dung ôn tập để phù hợp với đề thi đánh giá theo hướng phát huy tính tự học, tư duy logic của học sinh. Sở cũng đã cung cấp tài liệu, cấu trúc đề thi, để thi mẫu, tiếp tục triển khai sinh hoạt chuyên môn theo từng môn học do chuyên viên, đội ngũ giáo viên cốt cán phụ trách, hỗ trợ trực tiếp cho các nhà trường. /.