Không tham gia giảng dạy nhưng vẫn hưởng phụ cấp đứng lớp

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về thông tin ông Phạm Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Hưng Nguyên (nguyên Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện) bị tố cáo có nhiều sai phạm khi làm việc tại Trung tâm Dạy nghề cũ.

UBND huyện Hưng Nguyên đã tiến hành lập đoàn xác minh nội dung tố cáo của công dân đối với ông Phan Văn Chiến.

Ngày 20.9.2021, UBND huyện đã có thông báo kết luận về nội dung tố cáo đối với ông Chiến.

tg2-1632382528.jpg
Kết luận nội dung tố cáo của UBND huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đối với ông Phạm Văn Chiến. Ảnh: Q.Đ

Kết quả xác minh cho thấy, đối với việc hưởng phụ cấp đứng lớp trong các năm 2010 – 2014, qua kiểm tra hồ sơ giảng dạy tại Trung tâm dạy nghề, không có hồ sơ chứng minh ông Chiến tham gia giảng dạy để hưởng chế độ phụ cấp đứng lớp theo quy định.

Cụ thể, kiểm tra giáo án và lịch giảng dạy từ năm 2010 – 2014, ông Chiến không có hồ sơ chứng minh việc giảng dạy; trong các hồ sơ giảng dạy của các giáo viên Trung tâm cũng không thể hiện ông Chiến tham gia giảng dạy. Kiểm tra hồ sơ thanh quyết toán kinh phí tại kế toán của Trung tâm Dạy nghề không có hồ sơ giảng dạy kèm theo.

Việc ông Chiến được nhận số tiền phụ cấp đứng lớp trong các năm 2010 – 2014 với số tiền 91.941.000 đồng là không đúng quy định.

Đối với việc hưởng phụ cấp thâm niên từ năm 2011 – 4.2018, ông Phạm Văn Chiến chưa phải là giáo viên nghề hoặc là nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập nên không đủ điều kiện hưởng chế độ phụ cấp thâm niên theo quy định.

Việc ông Chiến được tính để nhận và tham gia đóng bảo hiểm xã hội số tiền phụ cấp thâm niên nghề giáo từ năm 2011 – 4.2018 với số tiền 114.714.000 đồng là không đúng quy định.

Nội dung tố cáo “từ năm 2015 trở về trước, ông Phạm Văn Chiến chỉ có bằng tốt nghiệp Đại học sư phạm Hóa, không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề theo quy định về dạy nghề nhưng vẫn trực tiếp đứng giảng tại Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề và hưởng phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thâm niên” là tố cáo đúng.

Trục lợi ngân sách

Trước đó, theo kết luận kiểm tra số 155 ngày 21.8.2019 của UBND huyện Hưng Nguyên khẳng định ông Phạm Văn Chiến không trực tiếp đứng lớp giảng dạy theo đúng quy định nhưng vẫn nhận 30% tiền đứng lớp trong 3 năm từ năm 2015 đến 2017 với số tiền 75.680.400 đồng.

Điều đáng nói là quá trình làm việc với cơ quan chức năng, ông Chiến không thừa nhận hành vi nói trên, mà xuất trình một số hồ sơ để khẳng định có giảng dạy theo đúng quy định.

Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã bác bỏ, không công nhận hồ sơ ông Chiến cung cấp vì không hợp lý, không đúng quy định. Trong đó, có hồ sơ thể hiện dù là ngày Quốc khánh (2.9.2017) nhưng ông Chiến vẫn tổ chức dạy 8 tiết.

Tại thời điểm đoàn đi xác minh, ông Chiến chỉ mới khắc phục được 30 triệu đồng tiền sai phạm, trên tổng số tiền ông này phải khắc phục là hơn 75 triệu đồng mặc dù Thanh tra huyện đã có văn bản đôn đốc.

Như vậy nội dung tố cáo: “Dựng khống hồ sơ lên lớp của 3 năm (từ 2015 – 2017) tại Trung tâm để trục lợi cá nhân” là tố cáo đúng.

UBND huyện Hưng Nguyên yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến Trung tâm Dạy nghề cũ.

Riêng với ông Phạm Văn Chiến vì là đảng viên nên đề nghị xem xét thực hiện quy trình xử lý kỷ luật về Đảng theo đúng quy định.

Đồng thời, ban hành quyết định thu hồi số tiền đã chi cho ông Chiến do sai phạm với tổng số tiền là 206.655.000 đồng (bao gồm: 91.941.000 đồng tiền phụ cấp đứng lớp và 114.714.000 đồng tiền phụ cấp thâm niên nghề giáo).

Trường hợp ông Chiến không chấp hành nộp, trong khi các thủ tục để ông Chiến về hưu vẫn triển khai thì chuyển cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện theo thẩm quyền.