31 đề án, kế hoạch được đưa ra và thực hiện trong vòng 7 năm qua đã giúp cho người dân khu vực miền núi phía Tây Nghệ An thực sự đổi đời.

Những "đề án gần dân"

Cách đây hơn chục năm mỗi khi nhắc đến xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An là người ta nghĩ ngay đến cái đói, cái nghèo và lạc hậu. Là xã vùng biên giao thông đi lại khó khăn, người dân nơi đây gần như biệt lập với bên ngoài.

Thế nhưng trong vòng vài năm trở lại đây, bộ mặt của xã Mai Sơn đã hoàn toàn đổi khác, nhưng trục đường quốc lộ, tỉnh lộ cắt ngang, những đề án phát triển kinh tế được phát triển hiệu quả, đời sống người dân đã thực sự thay đổi.

Nghệ An: Người đồng bào đổi đời sau những đề án gần dân
Cuộc sống người dân ở xã Mai Sơn đang thay đổi từng ngày nhờ những "đề án gần dân".

Bà Lô Thị Hương - Chủ tịch UBND xã Mai Sơn, cho biết: Xã Mai Sơn có 3 đồng bào dân tộc gồm Thái, Mông, Khơ Mú cùng sinh sống. Trước năm 2013, do địa hình hiểm trở nằm, toàn bộ xã và các bản làng sâu trong các dãy núi nên đi lại cực kỳ khó khăn.

Cuộc sống chủ yếu là du canh du cư, làm nương làm rẫy. Xã có tới 80% là hộ nghèo. Được sự quan tâm của Đảng, nhà nước, cũng như tỉnh Nghệ An, từ sau 2013 hàng loạt các đề án, chương trình, mô hình sản xuất được triển khai về xã.

"Rõ nét nhất là từ khi Dự án đường Tây Nghệ An (nay là QL16) hoàn thành năm 2015, đời sống người dân mới hoàn toàn đổi khác.

Có đường, giao thương trở nên thuận lợi. Sản vật địa phương được thương nhân lên thu mua, tiêu thụ với giá cao. Người dân cũng học hỏi được kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi theo các mô hình trồng lúa nương, lúa nước, sắn cao sản, keo chàm; biết các nuôi bò, dê, lợn, phát triển nuôi gà Mông, gà thịt cho năng suất cao...

Nhờ đó, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm còn 184/557 hộ (chiếm 33%). Ngoài ra, thông qua các chương trình nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo, hệ thống điện đường, trường trạm cũng từng bước được hoàn thiện.

Đến nay, có 1km đường nhựa vào ủy ban xã, 7/10 bản có đường bê tông xi măng nội bản, số còn lại là đường đất nhưng cũng được mở rộng đảm bảo ô tô đi vào tận bản" - bà Hương phấn khởi nói.

Phải nói rằng, không chỉ xã Mai Sơn mà 203 xã miền Tây Nghệ An đều đang được hưởng lợi từ những chính sách ưu tiên phát triển KT-XH.

Một số đề án đã được áp dụng ở Nghệ An như: Đề án phát triển KT-XH miền Tây Nghệ An tới năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Đề án “Xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới; bảo vệ và phát triển vành đai đến năm 2020”; Đề án kết hợp quốc phòng với phát triển kinh tế ở khu vực Tây Bắc của tỉnh.

Nghệ An: Người đồng bào đổi đời sau những đề án gần dân
Những con đường bê tông xi măng nội bản được xây dựng theo hình thức "nhà nước và nhân dân cùng làm" đã làm thay đổi bộ mặt bản làng miền Tây xứ Nghệ.

Trong lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Nghệ An cũng đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích; tăng nhanh diện tích cây trồng có hiệu quả kinh tế cao; tiếp tục duy trì và mở rộng các vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm như chè, cao su, mía, sắn,...

Một số mô hình đã đem lại hiệu quả cao như: Mô hình chuyển diện tích trồng lúa không hiệu quả sang trồng ngô, mía và các loại cây trồng khác; mô hình thâm canh lúa cho các xã đặc biệt khó khăn, trồng gừng dưới tán rừng (Tương Dương, Kỳ Sơn);

Thâm canh rau an toàn (Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông); thâm canh ngô mật độ cao (Anh Sơn, Thanh Chương); trồng bí xanh (Kỳ Sơn); trồng chanh leo (Quế Phong, Tương Dương);

Sản xuất cam (Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Con Cuông,...); cải tạo rừng nghèo kiệt (Quỳ Châu, Nghĩa Đàn); mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong.

Nhằm cụ thể hóa những nội dung của Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020; các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan của tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng 37 Chương trình, Đề án, Kế hoạch trình UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đến nay, có 31 chương trình, đề án được phê duyệt đang triển khai thực hiện; 4 đề án đang xây dựng, trình UBND tỉnh, Tỉnh ủy nghe và cho ý kiến chỉ đạo.

Một trong những yếu tố bản lề làm bàn đạp thay đổi diện mạo miền Tây Nghệ An chính là việc xây dựng chú trọng xây dựng nông thôn mới ở miền núi.

Theo thống kê của Sở KH&ĐT Nghệ An, tỉnh đã huy động nguồn lực thực hiện Chương trình nông thôn mới trên địa bàn miền Tây đạt hơn 2.480 tỷ đồng; trong đó, huy động đóng góp của nhân dân đạt trên 150 tỷ đồng.

Đến nay, trên địa bàn miền Tây Nghệ An có 77/203 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã khó khăn thuộc huyện 30a đạt chuẩn nông thôn mới; có 97 thôn, bản đạt chuẩn thôn, bản đạt nông thôn mới và 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Giữ tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững

Ông Hà Văn Đạt - Phó Trưởng phòng Doanh nghiệp kinh tế tập thể và tư nhân, Sở KH&ĐT Nghệ An thông tin: Với sự quan tâm của tỉnh và trung ương thông qua các cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư, nguồn ngân sách, tỉnh Nghệ An đã tập trung đầu tư khá lớn để phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội, nhất là giao thông, thủy lợi, hệ thống truyền tải điện, bệnh viện, trường học,...

Từ đó, góp phần cải thiện rõ rệt hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Nghệ An: Người đồng bào đổi đời sau những đề án gần dân
Đời sống người dân nâng lên, vai trò của các cấp chính quyền càng được khẳng định, là then chốt tạo nên thế trận lòng dân giữ vững an ninh quốc phòng nơi biên cương tổ quốc.

Bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế, địa phương đã quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thực hiện giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, việc làm, xóa đói, giảm nghèo, sắp xếp ổn định dân cư, nhất là vùng đồng bào tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; phòng, chống các tệ nạn xã hội gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh và ổn định chính trị.

“Nhờ quan tâm thực hiện một cách đồng bộ các nội dung nêu trên, nên kinh tế miền Tây đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh và chuyển dịch đúng hướng; góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là người dân vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới”, ông Đạt nhấn mạnh.

Thống kê của tỉnh Nghệ An, tổng giá trị thị trường năm 2020 đạt 24.782 tỷ đồng gần gấp đôi năm 2012; đóng góp của GTTT trên địa bàn miền Tây Nghệ An vào mức chung toàn tỉnh ổn định ở mức khoảng 22-23%.

Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2013-2019 trên địa bàn miền Tây Nghệ An đạt 7,3%. Thu nhập bình quân đầu người 2020 là 49,3-50,3 triệu đồng (gấp 3 lần bình quân đầu người năm 2012).

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền Tây Nghệ An giảm từ 26,7% năm 2012, xuống còn 11,22% năm 2020.