39 xã ở Nghệ An không đạt tiêu chí về số dân và diện tích đã sáp nhập còn 19 xã. Sau sáp nhập, tại các xã mới này đang xảy ra tình trạng thừa cán bộ và thiếu nơi làm việc.
1 xã 5 phó bí thư Đảng ủy
Sáng thứ hai, ngày 2.3, là buổi giao ban đầu tiên của cán bộ xã mới Trung Phúc Cường (H.Nam Đàn, Nghệ An) sau khi sáp nhập 3 xã cũ. Sau sáp nhập, các tên xã Nam Trung, Nam Phúc và Nam Cường đã biến mất trên bản đồ hành chính, thay vào đó là tên xã mới Trung Phúc Cường với hơn 14.200 nhân khẩu. Do 3 xã nhập lại làm 1 nên việc bố trí cán bộ, công chức cũng hết sức gay go. Sau sáp nhập, xã có 59 cán bộ, công chức.
Ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường, cho biết theo quy định về số lượng cán bộ, công chức cấp xã, thì xã còn dư 32 người. Số cán bộ, công chức dôi dư này sau sáp nhập được phép duy trì thêm một thời gian; nhưng hiện tại, việc bố trí công việc cho những người này đang rất khó. Tại xã này, hiện có đến 5 phó bí thư Đảng ủy trong khi quy định chỉ là 1 người đã có thể giải quyết hết công việc. Cán bộ địa chính, kế toán cũng đều 5 - 6 người trong khi quy định chỉ cần 2 người.
Về lâu dài, ông Toàn cũng cho biết một số công chức sẽ phải luân chuyển đến các xã khác đang thiếu. Tuy nhiên, nhiều công chức chưa đạt tiêu chuẩn trình độ đại học nên theo quy định, lại không luân chuyển được. “Tâm lý anh em cán bộ, công chức sau sáp nhập rất lo lắng vì không biết số phận của mình sẽ thế nào, có bị luân chuyển, cắt giảm không và khi nào thì sẽ thực hiện”, ông Toàn nói.
Trụ sở UBND xã Nam Trung (H.Nam Đàn, Nghệ An) bỏ không sau khi sáp nhập
Sau sáp nhập, trụ sở xã Nam Phúc (cũ) được chọn làm trụ sở của xã mới Trung Phúc Cường vì nằm trung tâm giữa 3 xã cũ, nhưng cơ sở vật chất lại không đáp ứng được nhu cầu do cán bộ, công chức tăng gần 3 lần. Có nhiều phòng chỉ rộng 7 - 8 m2 nhưng có đến 4 - 5 người làm việc. Khuôn viên trụ sở cũng rất chật chội, trong khi đó, 2 trụ sở làm việc của xã cũ là Nam Cường rất khang trang (mới được xây dựng và đưa vào sử dụng hơn 3 năm với kinh phí khoảng trên 10 tỉ đồng) và Nam Trung phải đóng cửa, bỏ không. Ông Toàn cũng cho biết xã muốn thuê người trông coi để bảo vệ nhưng chưa có kinh phí. Hiện 2 trụ sở này vẫn chưa biết sử dụng vào mục đích gì.
Trụ sở vừa thừa vừa thiếu
H.Hưng Nguyên (Nghệ An) có 10 xã bị sáp nhập thành 5 xã mới. Trong lịch sử, nhiều xã trong số này đã có 3 - 4 lần tách rồi nhập. Ông Hoàng Đức Thông, Chủ tịch UBND xã Hưng Thành (xã mới), cho biết từ năm 1956 đến nay, xã Hưng Khánh và xã Hưng Phú từng có 4 lần tách rồi nhập. Giờ, 2 xã này sáp nhập, lấy tên cũ là xã Hưng Thành. Sau sáp nhập, xã Hưng Thành có 4.500 nhân khẩu, diện tích 7,5 km2, lấy trụ sở của xã Hưng Khánh cũ là trụ sở xã mới.
Sau sáp nhập từ 3 xã, xã mới Đại Đồng (H.Thanh Chương, Nghệ An) có 67 cán bộ, công chức. Phòng 1 cửa được bố trí 7 cán bộ, công chức trong khi quy định chỉ là 2 - 3 người
Trụ sở này cũng không đáp ứng được nhu cầu do số lượng cán bộ công chức tăng gần gấp đôi so với trước. Tuy nhiên, trụ sở xã Hưng Phú và nhà văn hóa xã được xây mới hoàn toàn với kinh phí trên 10 tỉ đồng và mới đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017 lại phải bỏ không. Ông Thông cũng cho biết hiện tại, do trụ sở xã mới chưa bố trí được nên một số tổ chức đoàn thể đang tạm làm việc tại trụ sở xã Hưng Phú (cũ). Còn về lâu dài, xã cũng chưa biết sử dụng trụ sở này để làm gì vì trường học, trạm y tế xã đều đã đủ và đạt chuẩn.
Xã Đại Đồng (H.Thanh Chương, Nghệ An) được hình thành sau khi sáp nhập 3 xã Thanh Tường, Thanh Hưng và Thanh Văn. Theo đó, 2 trụ sở xã cũ là Thanh Tường (mới xây dựng năm 2018) và xã Thanh Hưng đang nợ xây dựng nhiều tỉ đồng được bố trí tạm thời cho hội, đoàn thể của xã làm việc để đỡ lãng phí. Trong khi đó, một số trụ sở xã miền núi của huyện này vẫn đang phải làm việc trong những dãy nhà cấp 4 cũ kỹ xây dựng từ hàng chục năm trước. Ông Nguyễn Thế Tú, Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng, cho rằng do khi đầu tư xây dựng nông thôn mới chưa có chủ trương sáp nhập xã, nên khi có chủ trương sáp nhập thì trụ sở, nhà văn hóa và sân bóng của xã này đã xây xong.
Nghệ An có 39 xã không đủ tiêu chí phải sáp nhập thành 19 xã mới. Số cán bộ, công chức sau sắp xếp là 732 người (344 cán bộ, 388 công chức). Theo Sở Nội vụ Nghệ An, số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập là 382 người. Phương án xử lý là sắp xếp nghỉ hưu trước tuổi với những người có nhu cầu và luân chuyển cán bộ, công chức đến các xã khác. Trụ sở các xã không còn sử dụng sẽ được bán đấu giá. Nhưng hiện nay, khi chưa vận động được cán bộ công chức nghỉ chế độ, trụ sở vừa thừa vừa thiếu, khiến nhiều xã rơi vào cảnh ngổn ngang, khó sắp xếp công việc.
Theo ông Nguyễn An Toàn, Chủ tịch UBND xã Trung Phúc Cường (H.Nam Đàn, Nghệ An), huyện đang giao cho xã vận động những người còn 5 năm nữa đến tuổi nghỉ hưu tự nguyện nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, chế độ hỗ trợ cho người nghỉ hưu trước tuổi do tỉnh Nghệ An quy định còn thấp (mỗi năm nghỉ trước tuổi được hỗ trợ 3 tháng lương, áp dụng cho nam đủ 55 tuổi trở lên và nữ đủ 50 tuổi trở lên) nên việc vận động là không dễ.