Cho rằng việc UBND xã tổ chức tháo dỡ nghĩa trang của gia đình mình là không công bằng, không đúng quy định của pháp luật, ba hộ dân tại Nghệ An đã làm đơn tố cáo lãnh đạo xã.
 
Dân đang khiếu nại, xã tổ chức tháo dỡ
 
Trong đơn thư của 3 hộ dân tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An gửi các cơ quan chức năng và báo Dân trí  phản ánh về việc nghĩa trang của các gia đình bị chính quyền địa phương tổ chức tháo dỡ không đúng thẩm quyền, không đúng theo quy định của pháp luật, khiến người dân bức xúc.


 
Khu vực nơi các hộ gia đình xây dựng nghĩa trang và bị tháo dỡ.
 
Theo trình bày của ông Nguyễn Thụy Nhân (SN 1952, trú tại xã Trù Sơn, huyện Đô Lương), thì năm 2018 ông cùng anh em trong gia đình mua lại mảnh đất khai hoang của một hộ dân khác tại khu vực vùng Trại Bần, thuộc xóm 2 mới, xã Trù Sơn với số tiền 25 triệu đồng, với mục đích xây dựng nghĩa trang.
 
Cũng trong năm 2018, ông và người thân tổ chức xây dựng phần tường bao xung quanh vùng đất rộng khoảng 600m2. Đến tháng 2/2020, ông và gia đình đưa 4 phần mộ vào đây an táng.
 
Được biết, vùng đất hoang hóa này nằm sát với khu vực nghĩa trang tập trung của xã Trù Sơn, từ trước đến nay UBND xã cũng chưa có quy hoạch cụ thể về nghĩa trang cho các dòng họ trong xã. Quá trình gia đình ông tổ chức xây dựng chính quyền địa phương cũng không nhắc nhở, xử phạt hay thông báo về việc xây dựng nghĩa trang tại vị trí đất trên là vi phạm.




 
Đơn tố cáo các hộ dân gửi tới cơ quan chức năng và Báo điện tử Dân trí yêu cầu làm rõ sự việc.
 
Ngày 15/7/2020, ông Nguyễn Thụy Nhân bất ngờ khi nhận được giấy mời lên UBND xã làm việc liên quan đến khu vực nghĩa trang mà gia đình đã xây dựng là vi phạm quy định về sử dụng đất đai.
 
Ngoài gia đình ông Nhân, còn có 2 hộ khác cũng đã triển khai xây dựng bờ bao nghĩa trang tại khu vực vùng Trại Bần. Trong đó có gia đình anh Nguyễn Khắc Hoan đã đưa nhiều phần mộ vào đây để an táng. Nghĩa trang cũng đã được xây dựng hoàn thiện.
 
Sau đó, UBND xã Trù Sơn đã nhiều lần có thông báo yêu cầu các hộ dân tháo dỡ nghĩa trang, di dời các phần mộ. Vì việc các hộ dân xây dựng nghĩa trang trên đất nông nghiệp là vi phạm quy định của pháp luật.
 
Ông Nhân bức xúc nói: "Từ trước đến nay UBND xã cũng không có quy hoạch cụ thể về nghĩa trang trên địa bàn. Ở đây các gia đình đều tìm cho mình một vị trí phù hợp để xây dựng. Những nghĩa trang khác ở ngay cạnh đây cũng xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng tại sao không tháo dỡ?
 
Việc buộc chúng tôi tháo dỡ nghĩa trang nhằm mục đích gì?. UBND xã tổ chức tháo dỡ không có quyết định cưỡng chế, không có văn bản của UBND huyện có đúng quy định của pháp luật, đảm bảo công bằng. Trong khi chúng tôi đang làm đơn khiếu nại gửi UBND huyện Đô Lương, đang chờ huyện xem xét giải quyết thì xã đã tổ chức lực lượng đến tháo dỡ".
 
Theo ghi nhận của phóng viên, nghĩa trang của ba hộ gia đình đã được tháo dỡ hệ thống tường bao đổ sập. Trong đó có 2 nghĩa trang đã đưa phần mộ vào. Gần đó là phần nghĩa trang của nhiều hộ gia đình, dòng họ khác vẫn bình thường.


 
Ông Nhân cho biết mình đang làm đơn khiếu nại, chờ trả lời từ UBND huyện Đô Lương thì xã lại tổ chức tháo dỡ là không đúng quy định của pháp luật.
 
Anh Lê Khắc Hoan cho biết: "Tại sao khi các hộ gia đình chúng tôi xây dựng xã không lập biên bản, đình chỉ thi công, hay thông báo về vi phạm mà đến khi chúng tôi hoàn thành đưa phần mộ vào mới yêu cầu tháo dỡ, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng đến gia đình chúng tôi".
 
“Xã đã làm rất kỹ”
 
Để rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thụy Chính - Chủ tịch UBND xã Trù Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Thụy Chính cho biết, việc các hộ gia đình nêu trên xây dựng nghĩa trang trên đất nông nghiệp là sai nên sau nhiều lần thông báo, trực tiếp làm việc với các hộ dân, xin ý kiến từ các phòng ban chuyên môn của huyện, xã đã tổ chức tháo dỡ.
 
"UBND xã cũng đã làm “rất kỹ”, họp nhiều lần, xin ý kiến của các phòng ban chuyên môn huyện. Ba hộ này nếu không giải tỏa được sẽ có rất nhiều hộ khác phát sinh, sẽ xảy ra tiền lệ. Áp lực qua các cuộc họp nên địa phương buộc phải xử lý dứt điểm, quá trình thực hiện cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ từ dư luận", ông Nguyễn Thụy Chính cho biết.


 
Hiện trạng khu nghĩa trang của gia đình anh Hoan. Anh Hoan cho biết quá trình xây dựng chính quyền không nhắc nhở, xử phạt hay yêu cầu dừng thi công.
 
Vì sao trong quá trình các hộ dân xây dựng, UBND xã không phát hiện xử lý ngay từ đầu?
 
Ông Chính cho biết: "Khu vực trên trước đó là một vùng rậm rạp các hộ mới phát quang gần đây, thời điểm đó cũng không nhận được thông tin từ xóm báo lên. Đây là khu vực đất hoang hóa, người dân khai hoang rồi tự ý chuyển nhượng mua bán với nhau, UBND xã cũng không biết về việc mua bán này".
 
Liên quan đến nội dung nhiều hộ khác cũng xây dựng nghĩa trang trên đất nông nghiệp tại sao không bị buộc tháo dỡ, mà chỉ thực hiện đối với 3 hộ nói trên?. Trong thông báo kết quả giải quyết và kết luận nội dung đơn thư của UBND xã Trù Sơn cũng thừa nhận:
 
“Có một số hộ gia đình, cá nhân lợi dụng thời điểm chia lại ruộng đất đã tự ý cơi nới mở rộng nghĩa địa trên đất nông nghiệp, vấn đề này là có. Tuy nhiên, tại các xứ đồng nói trên có một số thửa ruộng nằm xen kẽ trong khu vực nghĩa địa tồn tại từ lâu đời phù hợp với khu vực đất nghĩa địa, không xây dựng nghĩa địa riêng biệt. Sắp tới xã sẽ rà soát cụ thể, trên cơ sở phải phù hợp quy hoạch.
 
Đối với khu vực đất mà gia đình ông Nhân xây dựng nghĩa địa tại vùng Trại Bần là hình thành mới, khu nghĩa địa riêng biệt, tách rời khỏi khu nghĩa địa tập trung, không phù hợp với quy hoạch… Việc gia đình tự ý xây dựng trên đất nông nghiệp làm nghĩa địa là tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không xin phép cơ quan có thẩm quyền", báo cáo UBND xã Trù Sơn nêu rõ.


 
Các hộ gia đình bức xúc cho rằng cách làm của UBND xã Trù Sơn là thiếu công bằng, trong khi nhiều nghĩa trang khác cũng xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng không bị tháo dỡ.
 
Trả lời câu hỏi về thẩm quyền của UBND xã trong xử lý sai phạm về đất đai có được tổ chức tháo dỡ khi chưa có văn bản của UBND huyện Đô Lương hay không?. Ông Chính cho biết, xã cũng đã xin ý kiến từ các phòng, ban chuyên môn của huyện, việc tháo dỡ là do anh, em phía dưới tham mưu lên.
 
Hiện các hộ dân đã gửi đơn tố cáo đến UBND huyện Đô Lương, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu làm rõ sự việc.