UBND tỉnh Nghệ An vừa ban hành Công văn số 4874/UBND-CN về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Quyết định số 308/QĐ-TTg ngày 28/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030.
Trong đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước và đảm bảo khả thi, phù hợp với năng lực thực hiện của cơ quan được phân cấp; chủ động tiếp cận, nắm bắt vướng mắc, khó khăn của các nhà đầu tư để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ; thực hiện rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho nhà đầu tư. Hàng năm rà soát, cập nhật, điều chỉnh định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực, địa bàn phù hợp với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050; chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của địa phương. UBND cấp huyện đẩy nhanh tiến độ trong công tác cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất.
Phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chủ trì, phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam và các Sở, ban, ngành liên quan xây dựng, tham mưu ban hành các tiêu chí, điều kiện về suất đầu tư trên một diện tích đất và tiêu chí về số lao động sử dụng theo quy định làm cơ sở cho việc chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và theo dõi, kiểm tra, giám sát.
Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thiện mặt bằng, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp. Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển và tổ chức xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng thuộc khu kinh tế. Triển khai có hiệu quả phương án phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, sẵn sàng quỹ đất sạch, hạ tầng đồng bộ và đảm bảo yêu cầu bảo vệ môi trường để đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam…
Sở Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện và các nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, sớm hoàn thiện mặt bằng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài thứ cấp. Tuyệt đối không chấp thuận đối với dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, UBND cấp huyện chủ động rà soát các quy định pháp luật còn vướng mắc, chồng chéo và thiếu cụ thể để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, nhà ở, xây dựng, thuế... trong quá trình thẩm định và quản lý các dự án đầu tư nước ngoài, tránh phát sinh khiếu kiện, tranh chấp trong nước và quốc tế.
Tổ chức thẩm định và đánh giá cẩn trọng về công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm, môi trường, suất đầu tư... đối với các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mà nhà đầu tư có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ tại Việt Nam để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, lẩn tránh thuế. Rà soát, sửa đổi quy trình, thủ tục nội bộ liên quan đến thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan nhưng không gây phiền hà, tăng chi phí của nhà đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam nâng cao chất lượng tham mưu cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện dự án đầu tư; thực hiện chế độ báo cáo đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư và hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đầu tư, chế độ báo cáo theo quy định. Hàng năm, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh để kịp thời nắm bắt, giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp theo đúng quy định…
Sở Khoa học và Công nghệ tham gia thẩm định công nghệ hoặc cho ý kiến về công nghệ các dự án đầu tư nước ngoài theo Luật Chuyển giao công nghệ. Đánh giá lại công nghệ khi dự án hết thời hạn hoạt động nhưng nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu tiếp tục thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư; tuyệt đối không chấp thuận đối với dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch phối hợp với các Sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng và công bố kịp thời danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh, tổ chức xúc tiến theo Danh mục các dự án kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Rà soát, nâng cao chất lượng danh mục các dự án kêu gọi đầu tư có khả thi, đúng quy hoạch, định hướng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế và địa bàn trọng điểm của tỉnh. Chủ động tiếp cận, quảng bá cơ hội, vận động các Tập đoàn, nhà đầu tư quốc tế đầu tư vào tỉnh nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn có tính động lực, lan tỏa trong làn sóng đầu tư mới.
Theo Hoài Thanh - baodautu.vn