Căn cứ yêu cầu thực tế, năm 2022 các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã thành lập 178 Ban GSĐTCCĐ để giám sát các công trình, dự án chủ yếu gồm: Đường giao thông, kênh mương nội đồng, trường học, trụ sở, trạm y tế, sân vận động, nhà văn hóa xã, xóm, khu đấu giá đất ở... Thành viên Ban GSĐTCCĐ hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, tự nguyện, không có phụ cấp nhưng đa phần luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, thái độ cầu thị, tự học, tự nghiên cứu trong quá trình giám sát.

43-1686209747.jpg
Ban giám sát đầu tư của cộng đồng xã Nghi Long giám sát việc thi công khu vực đấu giá đất ở trên địa bàn.

Phải khẳng định rằng công trình, dự án xây dựng ở cơ sở nếu có sự vào cuộc ngay từ đầu của Ban GSĐTCCĐ thì dân chủ cơ sở sẽ được phát huy, chất lượng, công trình nâng lên hẳn, giảm lãng phí nguồn lực. Thực tế cho thấy, nhiều Ban GSĐTCCĐ bằng tai mắt tinh tường đã phát hiện nhà thầu âm thầm bớt xén nguyên vật liệu, nhân công về định mức, chủng loại vật tư như tỷ lệ pha trộn xi măng, cát sỏi, độ dày đường bê tông, kích thước phi thép, khung cửa không đúng thiết kế bản vẽ; một số công trình đường giao thông, đường nội đồng lu lèn đất đá chưa đảm bảo, nhiều vị trí đặt mương tiêu thoát nước không đúng chỗ hoặc thi công thấp hơn đường ảnh hưởng đến công trình nhà ở, đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân được Ban GSĐTCCĐ kiến nghị chủ đầu tư, nhà thầu bổ sung thiết kế, khối lượng, yêu cầu lắp đặt thêm cống, rãnh tiêu úng phù hợp địa hình từng tuyến đường... Hay như một số công trình sau khi nhận được phản hồi từ Ban GSĐTCCĐ, chủ đầu tư đã kiểm tra hiện trường, tạm dừng thi công nếu thấy có sai phạm, yêu cầu nhà thầu khắc phục, chưa nghiệm thu khối lượng và làm thủ tục ứng vốn. Nhận thấy tác dụng tích cực của Ban GSĐTCCĐ một vài địa phương đã bố trí thêm ngân sách; hoạt động Ban GSĐTCCĐ đã tạo thêm sự yên tâm, tin tưởng của cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kích cầu huy động thêm nguồn lực trong nhân dân, giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Tuy vậy, hoạt động Ban GSĐTCĐ thời gian qua vẫn còn tồn tại, hạn chế do đa phần kiêm nhiệm với hoạt động khối xóm, công việc đoàn thể; thành viên Ban chưa thường xuyên được đào tạo, thiếu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ chuyên môn, giám sát thiên về cảm quan. Một số Ban GSĐTCCĐ còn lẫn lộn vai trò, chức năng, nhiệm vụ được quy định, chưa phân định rõ người, rõ việc. Công tác chỉ đạo, phối hợp giữa nhà thầu, tư vấn giám sát, giám sát công trình, UBND, Ủy ban MTTQ xã, thị trấn có nơi thiếu nhịp nhàng; có kiến nghị, phản biện của Ban GSĐTCCĐ chưa bám trúng thiết kế, nhận định cảm quan, thiếu sức thuyết phục. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là bởi các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; nhận thức về tổ chức, hoạt động, tác dụng của Ban GSĐTCCĐ chưa đầy đủ. Có nơi công trình thi công rồi Ủy ban MTTQ xã mới thành lập Ban GSĐTCĐ, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho thành viên (theo quy định phải làm trước 45 ngày và thông báo cho chủ đầu tư, nhà thầu biết để cung cấp bản thiết kế). Hiện tại, thành viên Ban hoạt động tự nguyện, không có chế độ gì, mặc dù trước đây nhiều địa phương hàng tháng trả phụ cấp cho trưởng, phó ban nhưng buộc phải cắt khi thanh, kiểm tra. Kinh phí hoạt động Ban GSĐTCCĐ theo Nghị định số 29/2021/NĐ/CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định ngân sách cấp xã phải bố trí tối thiểu 10 triệu đồng/Ban/năm nhưng có nơi chưa đúng; điều kiện hoạt động, cơ sở vật chất còn rất thiếu thốn. Việc báo cáo, thông tin về tổ chức, hoạt động Ban GSĐTCCĐ chưa đáp ứng yêu cầu; kiến nghị chủ yếu mang tính trao đổi, phản ánh, phát hiện vi phạm ít khi có văn bản để làm căn cứ xử lý.

Thời điểm này, rất nhiều địa phương đang tập trung các giải pháp chống mất chuẩn tiêu chí nông thôn mới đã đạt được, đồng thời triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo lộ trình, tất yếu phải huy động, tranh thủ các nguồn lực để tiến hành nâng cấp, hoàn thiện các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn nên rất cần phát huy vai trò Ban GSĐTCCĐ. Muốn như vậy, Đảng ủy thường xuyên chỉ đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp trong việc công khai các chương trình, dự án, quy hoạch, kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm, kiểm tra kết quả nghiệm thu và quyết toán công trình; chú trọng cung cấp thông tin, hồ sơ tài liệu, tạo điều kiện động viên, khích lệ, hỗ trợ thành viên Ban GSĐTCCĐ khắc phục khó khăn để thực hiện nhiệm vụ. Hàng năm, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng kế hoạch hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế tại địa phương; phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Luật MTTQ Việt Nam, Luật Thanh tra, Luật xây dựng, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở… Cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, điều chỉnh và ban hành chủ trương, chính sách thật sự thông thoáng, công bằng, minh bạch, giảm thiểu tối đa các thủ tục hành chính không cần thiết đối với doanh nghiệp, chủ đầu tư để tối giảm các chi phí; ban hành cơ chế hỗ trợ phụ cấp thành viên Ban GSĐTCCĐ. Tăng cường các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của người dân tham gia các hoạt động giám sát, quản lý xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí để tạo sự đồng thuận xã hội sâu sắc trong quá trình triển khai thực hiện các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn mình trực tiếp được hưởng lợi./.

Theo Đậu Thái Thân - nghiloc.nghean.gov.vn