Bên trong căn nhà đã xuống cấp, chị Hoàng Thị Sáu (SN 1979, quê Nghệ An) ủ rũ nhìn chồng, nhìn con mà thấy chạnh lòng. Dù trước khi kết hôn, chị biết mình sẽ vất vả nhưng không thể ngờ được, gia đình mình lại ngày càng éo le đến vậy.
Năm 2009, qua bạn bè, chị quen biết anh Phan Văn Mạnh (SN 1976). Bố anh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ suốt 12 năm tại quân khu 4 ở miền Nam, không may nhiễm chất độc da cam. Anh Mạnh sinh ra không khoẻ mạnh, trí tuệ cũng chậm chạp hơn chúng bạn.
Đứng trước tình cảnh người đàn ông này, chị Sáu có một nỗi thương cảm, quyết định kết hôn để bù đắp những thiệt thòi cho anh. Nghĩ đến cuộc sống sau này sẽ có nhiều khó khăn, chị ra sức làm lụng, đỡ đần thuốc thang cho chồng. Họ có với nhau hai người con gái là Phan Thị Thuỳ Trang (SN 2010) và Phan Thị Hồng Vinh (SN 2012).
Có thêm hai đứa trẻ, khó khăn càng tăng thêm gấp bội. Chị Sáu vẫn gồng gánh cả gia đình. Công việc đồng áng chưa đảm bảo đủ ăn, chị tranh thủ làm thêm nhiều việc phụ khác để tìm kế sinh nhai.
Dường như số phận vẫn quá đỗi khắc nghiệt với những con người ở tận cùng khổ đau. Hai con gái của chị tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi chất độc da cam, trí tuệ chậm phát triển. Những đứa trẻ ấy cứ thế lớn lên nhưng cũng không thể được bình thường được như bạn bè đồng trang lứa.
Mấy năm gần đây, sức khoẻ anh Mạnh suy giảm đáng kể, thường xuyên phải đi bệnh viện. Khi nhà hết tiền, anh cắt thuốc bắc về uống. Do nhà nhiều người đau ốm, chị Sáu kiếm tiền không đủ, đành vay mượn để xoay sở. Tính đến nay, số nợ đã lên đến hơn 50 triệu đồng. Chỉ riêng anh Mạnh mỗi tháng cần đến 2 triệu đồng tiền thuốc.
Sức khoẻ chồng suy giảm trầm trọng khiến chị Sáu vô cùng buồn lòng. Đến nay, chị cũng không còn cách nào kiếm ra tiền khi dịch Covid-19 bủa vây, không mấy ai thuê chị làm mướn. Cả nhà mấy miệng ăn chỉ trông vào mấy sào ruộng và 700 ngàn đồng trợ cấp của anh Mạnh.
Lắm lúc bí bách, chị đã từng có ý định bán nhà. Nhưng nếu bán rồi, chồng con ốm đau sẽ không có nơi ở cố định, lang thang nay đây mai đó, chị không đành lòng. Số phận của những con người cùng khổ cứ luẩn quẩn, không tìm ra lối thoát.
Cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Đức Thành xác nhận: Gia đình chị Sáu thuộc vào diện khó khăn của địa phương. Cả nhà có 3 thế hệ chịu ảnh hưởng của chất độc da cam, sức khoẻ kém, đầu óc không minh mẫn. Hiện chỉ có một mình chị Sáu gồng gánh nuôi cả gia đình nên vô cùng vất vả. Rất mong hoàn cảnh gia đình chị nhận được sự giúp đỡ từ phía cộng đồng./.