d-1679141765.jpg
Mảnh đất của bà Trương Thị Thơ (xã Nghi Long, Nghi Lộc, Nghệ An) mua của xã từ năm 1990 đến nay chưa được cấp sổ đỏ. Ảnh: Quang Đại

33 năm chờ cấp sổ đỏ

Năm 1990, Uỷ ban Nhân dân (UBND) xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) có chủ trương bán đất ở cho một số hộ dân tại khu vực giáp quốc lộ 1A đi qua địa bàn. Bà Trương Thị Thơ (trú xóm 3, xã Nghi Long) đã đăng ký mua 1 lô đất 300m2 và nộp số tiền 800 nghìn đồng cho thủ quỹ xã.

Sau khi mua đất, bà Thơ đã làm nhà ở ổn định trên mảnh đất này. Tại thời điểm nộp tiền đất, bà Thơ được xã cấp biên lai, nhưng sau đó đã làm mất. Hiện hồ sơ về việc mua bán đất này cũng không còn lưu tại UBND xã Nghi Long. Tuy nhiên, sự việc được nhiều người dân và cán bộ địa phương biết rõ và xác nhận.

Do đất được giao trái thẩm quyền, không còn biên lai thu tiền sử dụng đất và có tranh chấp với hộ liền kề, nên sau hơn 30 năm mua và sử dụng, bà Thơ vẫn chưa được cấp sổ đỏ cho mảnh đất này.

Đến nay, việc tranh chấp đất đai của bà Thơ đã chấm dứt do có bản án có hiệu lực đã thi hành. Vào năm 2021, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 28 về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quy định đối với các trường hợp tồn đọng, vướng mắc thì huyện thành lập đoàn kiểm tra, xác minh để giải quyết.

Bà Thơ có đơn kiến nghị, UBND huyện Nghi Lộc đã thành lập đoàn kiểm tra, xác minh về vụ việc, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu huyện xử lý, báo cáo trước ngày 25.11.2022. Tuy nhiên đến nay, bà Thơ cho biết vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ UBND huyện.

Trao đổi với phóng viên, bà Trương Thị Thanh Huyền – Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Nghi Lộc cho biết sự việc liên quan bà Trương Thị Thơ ở xã Nghi Long còn vướng mắc do hiện nay cả người dân và UBND xã Nghi Long đều không còn lưu trữ hồ sơ gì thể hiện bà Thơ đã nộp tiền.

“Việc ra quyết định rất khó khăn, bởi vì kết luận không có cơ sở thì dễ, nhưng cũng tội người dân, còn nếu khẳng định bà Thơ đã nộp tiền thì lại không có bất cứ hồ sơ gì thể hiện, mà chỉ có nhân chứng. Quyết định 28/2021 của UBND tỉnh cũng không nêu các tiêu chí cụ thể để cấp huyện áp dụng” – bà Trương Thị Thanh Huyền nói.

Huyện có quyền quyết định

Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Chương Trình Văn Bằng cho biết, đến nay, huyện đã tiến hành kiểm tra, xác minh về các trường hợp vướng mắc về nghĩa vụ tài chính đối với các thửa đất cấp trái thẩm quyền tại 2 xã Phong Thịnh và Thanh Hòa, mỗi xã khoảng chục trường hợp.

Việc thanh tra, xác minh mất nhiều thời gian do phải làm việc với nhiều người, tìm, xem xét các hồ sơ, giấy tờ liên quan.

“Đối với các trường hợp có biên lai thu tiền nhưng chưa đầy đủ chữ ký, con dấu của các thành phần liên quan, qua xác minh nếu đúng bản chất thì huyện sẽ công nhận.

Còn các trường hợp không có biên lai thì phải có hồ sơ liên quan lưu ở xã, nếu không còn hồ sơ gì lưu trữ thì không giải quyết được” – ông Trình Văn Bằng nói.

Theo Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Thanh Chương, đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm, do đó đoàn phải làm việc rất khách quan, thận trọng, trao đổi cụ thể với người dân để họ hiểu được vấn đề. Có những trường hợp phải xác minh nhiều tháng mới có kết luận.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn – Trưởng Phòng Quản lý Đất đai – Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Nghệ An cho biết việc kiểm tra, xác minh, kết luận việc dân đã nộp tiền sử dụng đất hay chưa đối với các trường hợp cấp đất trái thẩm quyền còn vướng mắc theo Quyết định 28/2021 là thuộc quyền và trách nhiệm của huyện.

“Vấn đề này không đơn giản do không có các tiêu chí cụ thể để công nhận hay không công nhận việc dân đã nộp tiền. Do đó kết quả đạt được đến đâu phụ thuộc vào sự công tâm, trách nhiệm, trí tuệ và kinh nghiệm, bản lĩnh của cán bộ cấp huyện” – ông Nguyễn Mạnh Toàn nói.

Theo Quang Đại - laodong.vn