Với 32 dự án thủy điện được chấp thuận đầu tư và hơn một nửa trong số này đã hoạt động, Nghệ An đã mất hơn 5.600 ha rừng, 1.700 ha đất nông nghiệp và hơn 1.000 ha đất loại khác
 
Tỉnh Nghệ An có 32 dự án thủy điện với công suất 1.360,95 MW. Toàn bộ các dự án tập trung tại 5 huyện miền núi, cụ thể: huyện Quế Phong có 11 dự án, Kỳ Sơn 8 dự án, Tương Dương 6 dự án, Con Cuông và Quỳ Châu mỗi huyện 2 dự án. Việc cấp phép hàng loạt dự án thủy điện đang tạo ra nhiều hệ lụy khiến chính quyền, người dân lo lắng, bất bình.
 
Bị cô lập, mồ mả ngập nước
 
Thủy điện Chi Khê chặn dòng sông Cả tích nước phát điện vào năm 2018. Từ khi thủy điện này đi vào hoạt động, con đường nối khu dân cư bản Bủng Sát (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) sang khu vực sản xuất của người dân bản này cũng biến mất. Nước dâng, cánh đồng và con đường đi lại thành hồ mênh mông, 38 hộ dân bị cô lập giữa rừng.
 
Ông Kha Văn Tâm, trưởng bản Bủng Sát, lo lắng: "Từ lúc thủy điện tích nước, 38 hộ dân bị cô lập phải đi bằng bè tạm rất nguy hiểm, đặc biệt vào những ngày mưa. Đã có trường hợp đi bè bị nước cuốn nhưng may có người cứu kịp. Mong muốn nhất của người dân chúng tôi là cầu treo mới khởi công sớm được hoàn thành để người dân đi lại đỡ khổ".

Thủy điện Chi Khê còn làm nhiều diện tích đất sản xuất của người dân chưa được bồi thường cũng bị ngập, hơn 100 ngôi mộ ven rừng nhiều năm nay bị ngâm trong nước. Ông Kha Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Châu Khê, cho biết: "Thủy điện Chi Khê tích nước đã khiến trên 100 ngôi mộ của người dân bản Bủng Sát bị ngập, người dân bức xúc, bất bình. Hiện các ngôi mộ trên vẫn chưa thể di dời vì người dân chưa nhận được tiền hỗ trợ, đền bù". Ngoài những hệ lụy trên thì sau khi thủy điện tích nước, hiện tượng sạt lở đất dọc sông Cả thuộc các xã Lạng Khê, Cam Lâm, huyện Con Cuông diễn ra nghiêm trọng làm người dân mất rất nhiều diện tích đất sản xuất.

 

Do chưa giải quyết dứt điểm các chế độ đền bù, tái định cư nên hiện nhiều hộ dân vẫn bất chấp nguy hiểm sống ven lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An)
 
Còn Nhà máy Thủy điện Khe Bố (100 MW) ở xã Tam Quang (huyện Tương Dương, Nghệ An) đã đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng đến nay công tác bồi thường, di dân tái định cư một số hạng mục của dự án vẫn chưa hoàn thành. Việc làm chậm trễ trên đã khiến hàng trăm hộ dân các xã Tam Thái, Yên Thắng, Tam Quang, Tam Đình, Xá Lượng, thị trấn Thạch Giám rơi vào cảnh khốn khổ. Tương tự, Nhà máy Thủy điển Bản Vẽ (320 MW) tại xã Yên Na (huyện Tương Dương) sau 10 năm đi vào hoạt động nhưng việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Hệ quả là hàng ngàn người dân phải sống đối diện với nguy cơ bị sạt lở, thiếu cơ sở hạ tầng.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng các quyền lợi chính đáng của người dân vẫn chưa được giải quyết mặc dù huyện, tỉnh đã nhiều lần làm việc, gửi kiến nghị tới chủ đầu tư các nhà máy thủy điện.
 
Hơn 5.600 ha rừng "đi" theo thủy điện
 
Đến thời điểm hiện nay, đã có hơn một nửa trong số 32 nhà máy thủy điện được cấp phép đã hoạt động. Các dự án đang được triển khai xây dựng cũng lấy đi 5.687 ha đất rừng, 1.733,3 ha đất sản xuất nông nghiệp và hơn 1.000 ha đất khác. Ngoài ra, việc cấp phép hàng loạt nhà máy thủy điện ở Nghệ An không chỉ gây mất rừng mà còn "băm nát" các con sông khiến cân bằng sinh thái bị phá vỡ.
 
Điển hình trên lưu vực sông Cả có tới hàng chục dự án thủy điện như: Bản Vẽ, Khe Bố, Chi Khê, Nậm Nơn, Nậm Mộ, Bản Ang, Nhạn Hạc A, Châu Thắng… Hay như chỉ trên 1 km dòng sông Nậm Mộ, đoạn qua xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có đến 3 dự án đã đi vào hoạt động là Nậm Cắn, Nậm Mô và thủy điện Bản Cánh với tổng công suất 38 MW.
 
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - lo lắng: "Trước đây, tôm cá nhiều, người dân muốn cải thiện bữa ăn chỉ ra sông suối một lúc là bắt được rất nhiều. Giờ các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, đặc biệt là mùa khô khi nhà máy tích nước sông suối bị cạn khô, các loại thủy sản như tôm, cá không có môi trường sống, dần cạn kiệt".
 
Tỉnh Nghệ An có nhiều nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, song việc vận hành, xả lũ còn thể hiện nhiều bất cập, gây không ít hệ lụy. Tháng 8-2018, các nhà máy thủy điện ở Nghệ An đồng loạt xả lũ khiến 6 người chết, hàng trăm nhà dân bị nước cuốn trôi, hàng ngàn ha cây trồng bị hư hại. Các huyện như Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương... bị ngập trong nước lũ nhiều ngày. Sau đợt xả lũ, các ngành chức năng tại Nghệ An đã kiểm tra và chỉ ra những bất cập trong quá trình vận hành liên hồ chứa, xả lũ của các thủy điện là nguyên nhân gây ra thiệt hại lớn cho người dân.
 
Tuy nhiên, sau đó các nhà máy thủy điện đã đỗ lỗi cho nhau trong việc đền bù, hỗ trợ cho người dân. Tính đến cuối tháng 11-2020 sau hơn 2 năm kể từ khi các thủy điện đồng loạt xả lũ gây thiệt hại, nhiều người dân bị ảnh hưởng vẫn chưa được nhận tiền hỗ trợ, đền bù từ các nhà máy.
 
Việc cấp phép, thẩm định xây dựng các nhà máy cũng bộc lộ nhưng bất cập. Cụ thể như Nhà máy thủy điện Nậm Nơn (huyện Tương Dương) chỉ cách nhà dân khoảng… 20 m, phía dưới cửa xả của nhà máy có rất nhiều hộ dân sinh sống. Vào tháng 5-2019, thủy điện Nậm Nơn xả nước nhưng không thông báo khiến ông Vi Văn May (bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương) bị nước cuốn tử vong. Tháng 7-2019, Công an huyện Tương Dương khởi tố vụ án này để điều tra.
 
Loại bỏ hàng loạt dự án thủy điện nhỏ
 
Theo cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tỉnh này đã loại bỏ 16 dự án thủy điện khỏi quy hoạch. Đó là các dự án gồm: Thủy điện Yên Thắng (công suất dự kiến 11 MW), Bản Khuổi (6 MW), Nậm Cắn 1 (1,2 MW), Khe Lim (1 MW), Khe Cam (1 MW), Khe Bu (0,8 MW), Khe Nà (1 MW), Lưu Kiền (1 MW), Phà Lài (1,8 MW), Suối Cùng 1 (1 MW), Nậm Típ (4 MW), Huồi Pớc (2,1 MW), Mỹ Lý (3 MW), Sông Quang 1 (2 MW), Bản Pụng (2,1 MW) và Sông Quang 3 (9,15 MW)./.