Đền Chung Sơn - Đền thờ gia tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, Nghệ An). Ảnh: Nguyễn Diệu
Du lịch tâm linh và du lịch văn hóa đang là xu thế phát triển chung của du lịch Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng. Sự phát triển của loại hình du lịch này không những mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân mà còn góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương.
Nghệ An là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa (gần 2.500 di tích lịch sử - văn hóa) với hàng trăm di sản văn hóa vật thể như đình, chùa, đền, miếu, danh lam, thắng cảnh. Do đó, phát triển du lịch tâm linh đã được tỉnh xác định là một loại hình du lịch góp phần quan trọng để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Để thu hút du khách về các điểm du lịch tâm linh, thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực cũng như đẩy mạnh các nguồn xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, lịch sử các di tích, danh thắng trên địa bàn. Từ đó, từng bước đáp ứng nhu cầu chiêm bái và đời sống tâm linh của người dân địa phương và du khách gần xa, nhất là vào dịp đón Xuân năm mới.
Các di tích (đình, đền..) đều mang một vẻ đẹp riêng, gắn với sự tích, nhân vật lịch sử và gắn với các lễ hội truyền thống. Trong đó, có 7 lễ hội và tín ngưỡng truyền thống đã được lập hồ sơ đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Gồm: Lễ hội đền Cờn (Hoàng Mai), lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương), lễ hội đền Ông Hoàng Mười, lễ hội đền Thanh Liệt (Hưng Nguyên), lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương) và nghi lễ Xăng Khan của đồng bào Thái ở các huyện miền Tây.
Hệ thống di tích lịch sử, các công trình văn hóa tâm linh ở Nghệ An không chỉ đáp ứng nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân trong tỉnh mà còn phục vụ nhu cầu tham quan, chiêm bái của du khách gần, xa. Trong đó, có những di tích quốc gia đặc biệt như Khu di tích Kim Liên, đền thờ Vua Mai, đình Hoành Sơn (Nam Đàn), đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc).
Không chỉ có những câu Ví - Giặm đợi chờ, không chỉ có Hoàng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha, về với Nam Đàn và chỉ cần lạc vào đó thôi, người lữ khách sẽ có cảm tưởng như mình đang sống ở xã hội nhiều thế kỷ trước. Những miền kí ức hay đoái nhìn nét đẹp trong văn hóa tâm linh nơi đây ta bồi hồi dâng lên dạ khúc tự hào.
Năm 2013, Khu di tích Kim Liên được quy hoạch trở thành khu du lịch quốc gia, hằng năm đón và phục vụ hàng triệu lượt du khách đến tham quan, dâng hương. Nơi đây trở thành một trong những điểm giáo dục truyền thống về tư tưởng, đạo đức cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân, là điểm đến đặc thù mang thương hiệu của du lịch Nghệ An.
Dừng chân đứng lại làng Sen quê cha, ta được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: Lò rèn cố Điền, nhà cụ cử Vương Thúc Quý… Ta gặp lại ở đây cây đa làng mà hai lần Bác Hồ về thăm quê (năm 1957 và năm 1961) và đã căn dặn bà con làng Sen với giọng trầm ấm.
Men theo những gốc xà cử cổ thụ in hằn tuổi thơ cậu bé Nguyễn Sinh Cung ngày nào, ta tìm về núi Chung - nơi có đền thờ gia tiên, song thân phụ mẫu cùng anh chị em ruột của Người - vị cha già dân tộc. Đền Chung Sơn trở thành nơi thờ tự tôn nghiêm đầu tiên tưởng nhớ và tri ân những công lao to lớn của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương, đất nước.
Ngược dòng Lam, ta về với Đình Hoành Sơn (xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn) để chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa bền chặt với người dân nơi đây. Nằm bên hữu ngạn Sông Lam thơ mộng, đình Hoành Sơn hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc; tâm huyết và ước nguyện của cư dân Nam Đàn cổ xưa và là một thế giới quan sống động tạc lại rõ nhất vẻ đẹp trong nếp sống của người dân Việt Nam lúc bấy giờ.
Hay đoái nhìn đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái sơn (thị trấn Nam Đàn) mới thấy hết được những giá trị lịch sử, cuộc đời, gia thế, sự nghiệp của vị Vua chưa gặp thiên thời. Về Ngọc Đái Sơn, đắm mình trong dòng chảy thời gian, nhòe mắt trước khói hương nơi đây mới thấy được nét văn hóa trong lối kiến trúc thời bấy giờ bề thế đến nhường nào.