Chiều (5/10), sau gần 4 ngày xảy ra trận lũ quét kinh hoàng ở huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), khu vực xung quanh Nhà máy thủy điện Bản Cánh, xã Tà Cạ bị phá hỏng, bùn lầy bủa vây.
Phía trước thủy điện Bản Cánh là dòng sông, núi từ bên kia cũng sạt lở từ trên độ cao hàng trăm mét ập xuống.
Ở trên đỉnh núi, đường ống thủy điện còn có một bể chứa nước lớn, chưa xác định được dung tích cụ thể. Mưa lớn nhiều ngày qua, nền địa chất ở khu vực này dễ bị phá vỡ dẫn đến sạt lở núi nghiêm trọng như đã phản ánh.
Tại hiện trường, đường ống Nhà máy thủy điện Bản Cảnh bị đứt làm đôi, nhiều tảng đá từ trên cao rơi xuống phá hỏng đường ống dẫn nước. Cạnh đó là một nhà dân và trụ sở Công an xã Tà Cạ bị đánh sập hoàn toàn. Cảnh tượng nơi đây khiến ai chứng kiến cũng phải giật mình sợ hãi.
Từ bên trong tổ máy phát điện số 3, một khối lượng bùn đất rất lớn sau khi vùi lấp con đường đã tràn vào trong nhà máy.
Hỏi thăm một vài công nhân làm việc nơi đây, họ không thể hình dung được sự tàn phá khủng khiếp của trận lũ ống, lũ quét vào nhà máy thủy điện. Và, chưa biết bao giờ mới khắc phục, thông đường cho người dân nơi đây đi qua.
Hiện, mọi người đang phải đi bộ vòng qua một trường học và một đoạn hẹp của nhà máy thủy điện.
Chưa có phương án khắc phục thông đường
Trao đổi với VietNamNet, ông Hoàng Phú Hiền, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Nghệ An đang có mặt tại hiện trường sạt lở núi cho biết, tuyến đường 543D thị trấn Mường Xén – Ta Đo – Khe Kiền, đoạn từ bản cầu Tám vào bản Cánh sạt lở taluy dương, nhiều điểm hiện tại phải đi bộ, phương tiện không thể lưu thông. Đoạn đường dài hơn 3km kéo vào UBND xã Tà Cạ có 9 điểm sạt lở lớn, ngoài ra còn có nhiều điểm sạt lở nhỏ khác.
Trong mấy ngày qua, 6 máy xúc liên tục hoạt động và đến nay đã khắc phục xong 2 điểm sạt lở lớn. Riêng đoạn đường đi qua thủy điện Bản Cánh kéo dài hơn 100m chưa có phương án để triển khai giải toả.
“Bây giờ phải hướng dẫn bà con đi bộ vòng tránh dưới thuỷ điện Bản Cánh. Sở đang nghiên cứu các phương án, mời tư vấn lên làm việc với thuỷ điện. Rõ ràng phía taluy dương đã sụt, ước tính có khoảng 100 nghìn khối đất đá có thể tràn xuống. Nếu không có rổ đá (đá bỏ trong lưới B40 – PV) và phần thân tường thì trạm phát điện đã bị vùi lấp. Chúng tôi sẽ làm việc với nhà máy thủy điện để có phương án di dời ” – ông Hiền chia sẻ.
Không chỉ tuyến đường này bị lũ quét tàn phá hư hỏng nặng nề, nhiều tuyến đường khác ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang bị sạt lở đất nghiêm trọng.
Hình ảnh PV VietNamNet ghi lại toàn cảnh sạt lở Nhà máy thủy điện Bản Cánh chiều 5/10.