Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, phía Công ty TNHH Phú Nguyên Hải chỉ chăm vào việc khoét núi để lấy đi hàng trăm ngàn mét khối đất mang đi san lấp mặt bằng và gần như không xây dựng bất cứ công trình nào tại đây?!

Những kiểu "làm xiếc" của Công ty Phú Nguyên Hải

Tìm hiểu của phóng viên được biết, ngày 26/12/2003, UBND tỉnh Nghệ An có Quyết định số 1496/QĐ-UBND.ĐC cho Công ty TNHH Phú Nguyên Hải thuê 149.370m2 đất tại Eo Gió, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên để “Xây dựng nhà ở cho các bộ công nhân viên, trạm điện, nơi để phương tiện, thiết bị và lắp đặt dây chuyền chế biến đá”.

20220405-090638-1650161902516-1650168758.jpg
Sau khi Công ty TNHH Phú Nguyên Hải thực hiện dự án chống sạt lở, ngọn núi có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Ngày 15/3/2004, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 351/QĐUB.ĐC cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty TNHH Phú Nguyên Hải tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên với diện tích 149.370m2; thời hạn sử dụng đất 20 năm (kể từ ngày 12/1/2004 – 12/1/2024); giá thuê đất là 9.000đ/1m2. Trong một khoảng thời gian khá dài đã diễn ra hoạt động khai thác đá tại đây nhưng sau đó thì bị đình chỉ. Hiện tại, theo quan sát của phóng viên, dấu vết của việc khai thác đá đang còn lưu lại tại khu vực này.

Tiếp đó, ngày 29/1/2010, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 573/UBND.CN về việc “Chống sạt lở vách núi và cải tạo mặt bằng tại Eo Gió, xã Hưng Tây của Công ty TNHH Phú Nguyên Hải”. Văn bản nêu: “Việc cắt gọt chống sạt lở vách núi phải đảm bảo an toàn, bền vững, không gây sạt lở thêm, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan mà còn phải tôn tạo cảnh quan cho vách núi đẹp hơn”. Đồng thời, UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu “Công ty TNHH Phú Nguyên Hải lập thiết kế cắt gọt sạt lở trình UBND huyện Hưng Nguyên chấp thuận để thực hiện”. Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An “Giao UBND huyện Hưng Nguyên hướng dẫn và giám sát việc thực hiện việc cắt gọt chống sạt lở của Công ty TNHH Phú Nguyên Hải theo đúng thiết kế được chấp thuận”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy gần như dự án được phê duyệt một đằng thì chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH lại thực hiện một nẻo nhưng không gặp phải bất cứ sự ngăn chặn nào của các cơ quan chức năng có thẩm quyền cũng như UBND huyện Hưng Nguyên?!. Cụ thể, trong hơn 10 năm qua, việc chống sạt lở lở khu vực Eo Gió cho thấy một thực tế là cả ngọn núi cao sừng sững đã bị đào khoét nham nhở, người ta đã lấy đi một khối lượng đất đai khổng lồ làm vật liệu san lấp mặt bằng. Tuyệt nhiên tại đây hiện không có bất kỳ công trình xây dựng nào được gọi là nhà ở của cán bộ, công nhân hay nơi để máy móc, thiết bị?! Có chăng, trên khu vực này chỉ có một trạm điện và một lán tạm thời được dựng lên để trông coi việc khai thác đất.

Một điều đáng quan tâm khác, tại khu vực Công ty TNHH Phú Nguyên Hải “chống sạt lở” còn vướng vào đơn thư kiện cáo của người dân vì liên quan đến việc đền bù. Cụ thể, ông Nguyễn Xuân Hồng, trú tại xóm Đại Huệ, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, cho biết: Từ năm 1993, thực hiện dự án “phủ xanh đất trống đồi trọc” ông Hồng đã trồng 2ha rừng thông theo hợp đồng của Ban quản trị Dự án PAM 4304 - tỉnh Nghệ An và 1ha theo mô hình VAC (Vườn - Ao - Chuồng); ông Hồng cho biết ông đã nộp tiền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa được Cấp GCN QSDĐ. Theo lời ông Hồng, năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đồng ý cho Công ty TNHH Phú Nguyên Hải được cắt gọt chống sạt lở tại vách núi và cải tạo mặt bằng tại Eo Gió thì 2ha rừng thông gần 20 năm và 1ha chương trình VAC của ông Hồng đã bị Công ty TNHH Phú Nguyên Hải cho đào phá khi chưa có quyết định thu hồi đất và đền bù tài sản khiến gia đình ông Hồng hết sức bức xúc.

Ông Nguyễn Xuân Hồng cho rằng, dự án chống sạt lở tại Eo Gió là hết sức vô lý, bởi ngọn núi này là núi đá non hàng triệu năm không bao giờ lở, ở đây không có dòng chảy, cũng không có đường sá, không có khu dân cư ở sát chân núi... Đây chỉ là mục đích hợp thức hóa để khai thác tài nguyên đất bán, ông Hồng khẳng định.

Có hay không việc bao che của huyện?

Theo ghi nhận của phóng viên, tại thời điểm đang còn thời hạn UBND tỉnh Nghệ An cho phép “chống sạt lở”, mỗi ngày tại khu vực Eo Gió, núi Đại Huệ có hàng trăm lượt xe tải hạng nặng liên tục ra vào “ăn đất”, tiếng máy đào, máy xúc gầm rú rền vang cả một góc trời, cả ngọn núi lớn bị đào khoét nham nhở, không thương tiếc. Cảnh quan của ngọn núi lớn bị phá vỡ, nguy cơ sạt lở luôn tiềm ẩn, ở đây có thể sạt lở bất cứ lúc nào khi mùa mưa đến...

Quan sát tại hiện trường cho thấy, hiện tại không còn hoạt động khai thác đất, song dự án “chống sạt lở” gần như không đúng với tên gọi của nó. Bởi hiện tại, đất đá từ đỉnh đồi đã tụt xuống từng mảng lớn, kéo theo đó là hàng loạt cây thông có tuổi đời hàng chục năm cũng trôi theo xuống chân núi. Trên diện tích đất để “Xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên, trạm điện, nơi để phương tiện, thiết bị và lắp đặt dây chuyền chế biến đá” chỉ là một bãi hoang vắng làm nơi chăn thả gia súc cho người dân địa phương.

Tìm hiểu của phóng viên được biết, dự án chống sạt lở đồi núi thường được thiết kế xử lý bằng cách đào đất, bạt sườn đồi, tạo rãnh thoát nước từ trên đỉnh, xác định khoảng cách phù hợp tạo cơ, nhằm nâng cao ổn định cho phần mái sườn đồi... Thế nhưng, việc “chống sạt lở” của Công ty TNHH Phú Nguyên Hải là đào đất mái thẳng đứng, chưa bạt mái taluy, không tạo cơ mà lại đào sâu vào chân đồi... Do đó, chỉ cần có mưa lớn là đất đai từ trên cứ thế sạt lở đẩy xuống chân núi từ tháng này qua năm khác.

Để tìm hiểu rõ hơn về dự án “chống sạt lở” và đặc biệt là phê duyệt phương án chống sạt lở tại khu vực Eo Gió của Công ty TNHH Phú Nguyên Hải, phóng viên đã liên hệ với UBND huyện Hưng Nguyên để tiếp cận hồ sơ và thông tin dự án. Tại phòng làm việc, ông Nguyễn Cảnh Đức, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Nguyên hứa hẹn với chúng tôi sẽ cho người tìm kiếm hồ sơ và cung cấp cho phóng viên sau. Thế nhưng, nhiều ngày sau chúng tôi liên hệ qua điện thoại, ông Đức cho biết chưa tìm ra hồ sơ rồi lại hướng dẫn phóng viên liên hệ qua Phòng Nông nghiệp huyện để tiếp cận, vì dự án “chống sạt lở” thuộc lĩnh vực Nông nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi khẳng định việc phê duyệt hồ sơ dự án “chống sạt lở” do UBND huyện Hưng Nguyên thực hiện, Phòng Kinh tế - Hạ tầng là đơn vị tham mưu.

Ngày 15/4, phóng viên đến phòng làm việc nhưng không gặp ông Đức, trao đổi qua điện thoại ông Đức tiếp tục lòng vòng, né tránh việc cung cấp hồ sơ. Ông Đức nói “bọn em không cung cấp hồ sơ cho các anh đâu, chỉ cung cấp thông tin về hồ sơ thôi”. Sau đó ông Đức nói, sẽ giao chuyên viên của phòng cung cấp hồ sơ cho phóng viên. Thế nhưng đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, việc cung cấp hồ sơ, thông tin dự án “chống sạt lở” của UBND huyện Hưng Nguyên vẫn không thấy đâu. Không biết vì lý do gì khiến ông Nguyễn Cảnh Đức – Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hưng Nguyên phải “run sợ” rồi lòng vòng né tránh việc cung cấp hồ sơ, thông tin dự án cho phóng viên?

Đến thời điểm hiện nay, dự án “chống sạt lở” đã hết thời hạn UBND tỉnh Nghệ An cho phép; chỉ còn gần 2 năm nữa là hết thời hạn thuê đất “Xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên, trạm điện, nơi để phương tiện, thiết bị và lắp đặt dây chuyền chế biến đá” nhưng đất trên núi vẫn sạt lở và không thấy công trình nào được xây dựng tại khu vực Eo Gió?!