“Đỏ mắt” tìm dấu kiểm dịch

Những ngày qua, khảo sát tại một số địa phương tại Nghệ An của phóng viên cho thấy, việc quản lý hoạt động giết mổ tại các cơ sở giết mổ vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, phát sinh tình trạng lò mổ hoạt động gây ô nhiễm, xả thải ra môi trường mà không xử lý. Kèm theo đó là tình trạng công tác kiểm soát dịch bệnh, đóng dấu kiểm dịch trên động vật trước và sau khi giết mổ để bảo đảm rằng động vật giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm xem chừng đang có những “khoảng trống”.

Đơn cử như xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An), được xem là một trong những địa bàn có lượng động vật như trâu, bò, lợn được giết mổ tập trung hàng ngày khá lớn, tuy nhiên qua ghi nhận cho thấy công tác kiểm dịch, quản lý cơ sở giết mổ vẫn chưa chặt chẽ.

Theo thống kê từ UBND xã Nam Nghĩa, mỗi ngày cơ sở giết mổ tập trung của địa phương thực hiện giết mổ trên cả 100 con gia súc như trâu, bò, lợn. Việc kiểm dịch lại chỉ thực hiện từ lúc khoảng 3 giờ sáng, còn trước 3 giờ sáng thì việc giết mổ không được lực lượng thú y kiểm tra, kiểm dịch. Tại cuộc làm việc với phóng viên, Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa Trần Xuân Hán trực tiếp điện thoại cho nhân viên thú y xã, sau khi nghe báo cáo tình hình công tác kiểm soát dịch bệnh gia súc tại cơ sở giết mổ trên địa bàn,  vị Chủ tịch UBND xã này cũng thấy bất cập và cho rằng, phải điều chỉnh lại giờ giấc kiểm soát kiểm dịch sao cho bảo đảm rằng 100% gia súc khi được giết mổ trên địa bàn đều được kiểm dịch trước.

“Nếu như vậy thì rõ ràng công tác kiểm dịch chưa chặt chẽ, chưa đảm bảo, xã sẽ phải xem xét lại và sẽ quan tâm chặt chẽ hơn” – ông Trần Xuân Hán nói.

s-1678878965.jpg
Khảo sát tại các điểm bán thịt bê, thịt bò, thịt lợn ở xã Nam Nghĩa cũng như TP Vinh đều khômg tìm thấy dấu kiểm dịch.

Khảo sát tại các điểm bán thịt bê, thịt bò, thịt lợn ở xã Nam Nghĩa cũng như  TP Vinh đều khômg tìm thấy dấu kiểm dịch. 
Cũng tại địa bàn xã này, qua khảo sát nhiều điểm bán thịt bê trên trục đường 15A cho thấy sản phẩm thịt bê được bày bán nhưng chưa được các hộ dân chú trọng vệ an toàn vệ sinh thực phẩm, không có biện pháp che đậy bụi, ruồi nhặng. Hơn nữa, qua tiếp xúc thì phóng viên cũng ghi nhận được rằng toàn bộ thịt bê được bày bán đều không có dấu kiểm dịch, chưa được kiểm dịch, chưa được cơ quan thú y chứng nhận động vật khỏe mạnh, không bệnh tật trước khi giết mổ và bán cho người tiêu dùng.

Về bất cập này này, qua trao đổi, Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa cho rằng có thể có giết mổ từ nơi khác về mà xã không kiểm soát được, do đó thịt bê khi bày bán không có dấu kiểm dịch...

Hay như tại TP Vinh, được xem như địa bàn trọng điểm, tiêu thụ lớn về thực phẩm nói chung, thịt động vật nói riêng, nhưng nếu khảo sát tại nhiều khu chợ lớn, có tìm “đỏ mắt” cũng không ghi nhận việc các quầy hàng bán thịt lợn, thịt bò được đóng dấu kiểm dịch.

Lý giải cho câu chuyện này, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp TP Vinh Nguyễn Tiến Đức cho rằng, đó là thực tế bất cập lâu nay về công tác kiểm dịch động vật trước giết mổ tại TP Vinh. Theo ông Nguyễn Tiến Đức thì hiện tại địa bàn TP Vinh chỉ có 3 điểm giết mổ tập trung được cấp giấy phép đủ điều kiện vệ sinh thú y trong giết mổ gia súc. Tuy nhiên 3 địa điểm giết mổ tập trung này số lượng giết mổ không lớn, khoảng 40 động vật như lợn, bò mỗi đêm. Trong khi đó địa bàn giết mổ nhiều, cung cấp hàng chục tấn thịt động vật, gia cầm như xã Nghi Phú thì lâu nay lại không kiểm dịch được trước khi giết mổ, đóng dấu thú y. Do đó việc không tìm thấy dấu kiểm dịch trên thịt gia súc bày bán ở nhiều chợ trên địa bàn TP Vinh là điều dễ hiểu.

Về thực hiện nội dung kiểm dịch động vật trước khi giết mổ ở các điểm giết mổ trên địa bàn, để bảo đảm chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như biện pháp hiệu quả góp phần ngăn sự lây lan dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú cho rằng xã không tham gia thực hiện lĩnh vực kiểm dịch, việc đó do Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp TP Vinh thực hiện. Cán bộ thú y cấp xã cũng chỉ thực hiện các biện pháp tuyên truyền.

Vì đâu nên nỗi?

Thực tế qua ghi nhận, việc kiểm soát tốt công tác giết mổ động vật nhằm bảo đảm ba tiêu chí gồm: An toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch có hiệu quả và tránh gây ô nhiễm môi trường rõ ràng không phải là chuyện khó. Một vài địa phương tại tỉnh Nghệ An hiện vẫn làm tốt công tác này do ý thức và trách nhiệm về quản lý, còn không thì ngược lại.

Tại huyện Yên Thành, có 15 cơ sở giết mổ động vật tập trung, Yên Thành được xem là huyện có số cơ sở giết mổ động vật được cấp giấy phép đủ điều kiện bảo đảm hoạt động nhiều nhất trong toàn tỉnh. Theo phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, để bảo đảm công tác giết mổ động vật tập trung với ba tiêu chí như đã nêu thì huyện cũng giao cho Phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện trực tiếp việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giết mổ một cách thường xuyên. Kiên quyết xử lý các chủ cơ sở hoặc các xã buông lỏng công tác quản lý các cơ sở giết mổ gây ô nhiễm, không an toàn vệ sinh thực phẩm và làm lây lan dịch bệnh. Thực trạng nhiều cơ sở nhưng số cơ sở có lượng giết mổ lớn lại ít, nhiều cơ sở mỗi ngày chỉ 2 đến 4 gia súc giết mổ.

Trao đổi với phóng viên, Phó chủ tịch UBND xã Minh Thành Hồ Xuân Sáu cho rằng, công tác quản lý giết mổ động vật tập trung luôn được xã quan tâm. Tại địa bàn mỗi ngày việc giết mổ cũng chỉ 2 đến 3 con gia súc, chủ yếu là lợn, các dịp như Tết có nhiều hơn.

“Cơ sở giết mổ tại xã được xây dựng và vận hành từ lâu, hiện vẫn hoạt động bình thường, quá trình quản lý cũng chặt chẽ nên không gây ô nhiễm, chưa từng gây lây lan dịch bệnh...với những trường hợp giết mổ nhỏ lẻ trong dân, xã tuyên truyền mạnh, thậm chí xử lý nếu tái vi phạm, yêu cầu người dân giết mổ phải đưa về cơ sở tập trung đã được cấp đủ điều kiện bảo đảm nhằm kiểm dịch động vật trước giết mổ, bảo đảm không gây ô nhiễm cũng như lây lan dịch bệnh.

vv-1678879001.jpg
Bò được nuôi nhốt chờ giết mổ tại xã Nghi Phú.

Trong khi đó, trái ngược với công tác quản lý ở huyện Yên Thành, ở xã Nam Nghĩa, huyện Nam Đàn hay xã Nghi Phú (TP Vinh) thì rõ ràng đang xảy ra nhiều bất cập. Một phần do công tác quản lý còn sơ sài, chưa thực sự được chú trọng, một phần do ý thức các hộ dân làm nghề giết mổ chưa cao và phần nữa là công tác giao nhiệm vụ, giao việc cho đơn vị thẩm quyền chưa sâu sát.

Tại TP Vinh, qua làm việc với Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp TP Vinh thì được biết lâu nay họ không được giao trách nhiệm kiểm dịch đối với các điểm giết mổ. Điển hình như địa bàn xã Nghi Phú, từ năm 2019 khi cơ sở giết mổ tập trung gây ô nhiễm bị buộc dừng hoạt động, tới nay thì Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp TP Vinh không còn chịu trách nhiệm kiểm soát giết mổ ở các điểm giết mổ trong dân, do vậy hơn 40 điểm giết mổ động vật tại xã Nghi Phú lâu nay không có kiểm dịch, kiểm soát an toàn thực phẩm cũng như ô nhiễm môi trường.

Dưới góc độ quản lý, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp TP Vinh Nguyễn Tiến Đức cũng cho rằng cần sự phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác, trách nhiệm, giao việc cụ thể cho các đơn vị liên quan. Quan trọng nhất vẫn phải hình thành cơ sở giết mổ tập trung đủ điều kiện thì từ đó mới kiểm soát tốt được và đạt được các tiêu chí trong lĩnh vực giết mổ động vật.

“Chỉ khi vận hành tốt cơ sở giết mổ thì mới chấm dứt thực tế về những bất cập đang tồn tại. Nêu cao trách nhiệm công vụ, quản lý, giám sát, kiểm tra xử lý mạnh tay...khi đó xem chừng mới hiệu quả. Còn để kiểm soát giết mổ nhỏ lẻ trong dân là rất khó...” – ông Nguyễn Tiến Đức bày tỏ.

Còn nữa...

Theo Hoàng Phạm - kinhtedothi.vn