Thiếu kiểm soát ô nhiễm

Theo thống kê của tỉnh Nghệ An, hiện trên địa bàn tỉnh này có 778 cơ sở giết mổ động vật tập trung, lò giết mổ động vật, trong đó có 41 cơ sở giết mổ được UBND cấp huyện quy hoạch, với hình thức giết mổ thủ công, những cơ sở này đã được cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...Có tới 747 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ chưa có sự quản lý từ chính quyền địa phương.

"Mục sở thị" công tác giết mổ động vật tại các cơ sở đã được cấp phép cũng như các điểm mổ mang tính tập trung nhỏ lẻ trong dân cho thấy, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường đang được buông lỏng. Một số cơ sở, điểm giết mổ, phế thải từ động vật giết mổ cứ thế được xả ra môi trường xung quanh mà chưa được xử lý đúng quy định, chảy tràn khắp kênh mương, bốc mùi xú uế, ô nhiễm.

Đơn cử như tại cơ sở giết mổ của gia đình ông Hòa thuộc xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn), việc vệ sinh môi trường tại cơ sở này còn khá bất cập, chưa được chủ cơ sở quan tâm đúng mực. Là một cơ sở giết mổ lớn, bình quân mỗi ngày giết mổ trên 100 gia súc các loại, được xây dựng khá bài bản, bao gồm những hạng mục xử lý phế thải sau giết mổ để bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, chủ lò mổ lại ít vận hành hệ thống lọc thải, chính vì thế chất thải từ động vật giết mổ dù chảy qua ba bể lắng lọc nhưng chưa được xử lý vẫn chảy tràn ra môi trường, khiến khu vực kênh gần lò mổ này ô nhiễm khá nặng, bốc mùi xú uế, hôi thối...

1-1678770750.jpg
Những hình ảnh ô nhiễm tại một số điể giết mổ động vật ở xã Nghi Phú (TP Vinh)

Khi đề cập đến việc vì sao có hệ thống xử lý nhưng vẫn để nước thải, chất thải chảy ra gây ô nhiễm môi trường thì chủ cơ sở này lảng tránh trách nhiệm với lời giải thích: “ Do anh đi Hà Nội mấy ngày, con ở nhà làm nhưng không vận hành, xử lý nước thải nên mới như vậy....”.

Còn tại xã Nghi Phú (TP Vinh), một số điểm giết mổ gia súc hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Hương, Đặng Văn Hùng...cũng rơi vào cảnh tương tự. Do thiếu sự quan tâm về vấn đề vệ sinh môi trường, các chất thải từ những điểm giết mổ này chảy tràn ra kênh mương, môi trường xung quanh gây ô nhiễm.

Nói về sự việc này, chủ điểm giết mổ của gia đình ông Nguyễn Xuân Hương (xóm 5, xã Nghi Phú) cho biết: “ Trước thực tế giết mổ trong khu dân cư sẽ gây ô nhiễm là khó tránh khỏi, gia đình ông cũng từng đề xuất với các cấp chính quyền để mong được tạo điều kiện di dời ra khu vực xa khu dân cư, nhưng vẫn chưa được quan tâm thực hiện...”.

Điểm giết mổ động vật này mỗi ngày giết mổ trên 20 con gia súc như lợn, bò, cung ứng toàn bộ tại địa bàn TP Vinh vùng và lân cận, đã hoạt động trong thời gian dài nhưng tất cả đều thuộc diện nhiều “không”, đó là không kiểm dịch, không bảo đảm vệ sinh, không giấy phép hoạt động, không an toàn vệ sinh thực phẩm..

Ngay bên cạnh cơ sở giết mổ của ông Nguyễn Xuân Hương, điểm giết mổ của gia đình ông Đặng Văn Hùng cũng tương tự, ô nhiễm, mất vệ sinh, không có giấy phép đảm bảo điều kiện hoạt động, không được kiểm dịch trước và sau giết mổ...còn phần xử lý chất thải, phế phẩm động vật sau giết mổ cũng xả thằng ra môi trường gây ô nhiễm.

Qua tìm hiểu được biết, trước đây xã Nghi Phú có cơ sở giết mổ động vật tập trung lớn, nhưng do gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề nên đã bị dừng hoạt động từ năm 2019. Và từ đó tới nay tại xã này theo thống kê có khoảng trên 40 điểm giết mổ động vật đều thuộc diện tự làm, tự phát, không có giấy tờ pháp lý...do vậy nên công tác vệ sinh, kiểm dịch, bảo đảm không ô nhiễm dường như trở thành bài toán chưa thể có lời giải.

"Loay hoay" tìm giải pháp

Nói về thực trạng các điểm giết mổ đã và đang gây ô nhiễm môi trường, Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú thẳng thắn thừa nhận điều này, tuy nhiên để bảo đảm có giải pháp khắc phục thì đó là một bài toán khó.

“Mới đây, xã cũng đã phối hợp với Phòng kinh tế TP, thực hiện kiểm tra các điểm giết mổ trên địa bàn. Nếu các điểm giết mổ không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm...sẽ yêu cầu khắc phục hoặc dừng việc giết mổ. Để khắc phục ô nhiễm, cũng như chuyện kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm... thì phải thực hiện xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo, không giết mổ nhỏ lẻ trong dân. Nhưng xem chừng câu chuyện này khó, bởi tìm nhà đầu tư trong lĩnh vực này rất khó, vốn lớn nhưng thu hồi chậm khiến người ta không muốn đầu tư.” - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Phú Võ Thanh Nhã thông tin.

2-1678770793.jpg
Cơ sở giết mổ của gia đình ông Hòa tại xã Nam Nghĩa (huyện Nam Đàn)

Còn tại xã Nam Nghĩa, trao đổi với phóng viên về thực trạng cơ sở giết mổ gây ô nhiễm, xả thẳng nước thải ra môi trường, Chủ tịch UBND xã Nam Nghĩa Nguyễn Trần Hán lại cho rằng: “ Chưa nghe thông tin phản ánh, nếu có phản ánh sẽ xử lý ngay.”.

Thực tế qua ghi nhận của phóng viên, do cơ sở giết mổ động vật tập trung tại xã Nam Nghĩa bỏ bê việc vận hành hệ thống xử lý chất thải. Và do đó, bể lắng lọc và hệ thống máy “đắp chiếu”, có mọc um tùm, nước thải, chất phế phẩm sau giết mổ vô tư được xả ra môi trường mà không kiểm soát.

Qua khảo sát 1 số cơ sở giết mổ động vật như đã nêu ở trên cho thấy công tác đám bảo vệ sinh môi trường trong hoạt động giết mổ chưa được chủ cơ sở, điểm giết mổ quan tâm. Điều đó dẫn tới tình trạng xả thải ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây đó là chính quyền cấp xã, nơi có quy hoạch cơ sở giết mổ và cả địa phương chưa có quy hoạch cơ sở giết mổ nhưng tồn tại hàng chục điểm giết mổ động vật tự phát trong dân, các địa phương nêu trên đã chưa thật sự quan tâm, sâu sát với thực tế vi phạm của chủ cơ sở, điểm giết mổ động vật.

Chính sự thiếu sâu sát, nhắc nhở, chấn chỉnh mới gây nên hệ lụy chủ cơ sở không chấp hành, phó mặc chuyện môi trường, vô tư xả thải, phế phẩm sau giết mổ ra môi trường xung quanh mà không thu gom, xử lý đúng quy định. Và câu chuyện không đơn thuần ở sự gây ô nhiễm, chính những hành vi này dẫn tới nguy cơ gây lây lan dịch bệnh, mất an toàn vệ sinh thực phẩm là điều khó tránh khỏi.

 

Theo Hoàng Phạm - kinhtedothi.vn