Hàng trăm hộ dân ở H.Con Cuông (Nghệ An) đang sống trong khổ sở vì sau khi thủy điện Chi Khê tích nước, nhà cửa bị cô lập, hàng chục héc ta đất sản xuất biến mất.
Bị cô lập giữa rừng
Năm 2016, khi thủy điện Chi Khê chặn dòng sông Cả để tích nước phát điện, con đường nối từ bản Bủng (xã Châu Khê, H.Con Cuông) sang khu dân cư và khu vực sản xuất của người dân bản này cũng biến mất. Nước dâng, cánh đồng nằm bên con suối nhỏ và con đường đi lại thành hồ mênh mông nước, 37 hộ dân bản Bủng bị cô lập giữa rừng. Lời hứa với dân là sẽ làm cầu chưa thực hiện được, Công ty CP thủy điện Chi Khê (chủ đầu tư thủy điện Chi Khê) bèn cung cấp cho bản Bủng một chiếc bè mảng. Tuy nhiên, do lượng người qua lại nhiều, đặc biệt vào mùa sản xuất, nên chiếc bè này không đáp ứng được nhu cầu. Bè khá to, thường hay mắc cạn và dây kéo bè thường bị dính cành cây dưới lòng hồ nên việc sử dụng rất khó khăn.
Bị cô lập bởi hồ thủy điện, nhiều gia đình phải gửi con cho người thân có nhà ở trung tâm bản Bủng để đi học vì sợ nguy hiểm khi qua lại trên bè mảng. Vợ chồng chị Then có 2 con đang học tiểu học cũng phải gửi ở bên kia hồ để đi học. Cuối tuần, lại đưa bè mảng sang đón con về. Hai đứa nhỏ ngồi trên chiếc bè chòng chành, không hề có áo phao nên rất nguy hiểm.
Ông Kha Văn Thìn, một người dân bản Bủng, kể một số người suýt mất mạng khi qua hồ bằng chiếc bè mảng này. “Năm ngoái, có 3 người phụ nữ dùng bè mảng của thủy điện cấp để qua lại, trước đó trời có mưa nên nước chảy mạnh, khi ra giữa dòng dây kéo bè bị mắc cành cây, bè trôi tự do giữa dòng khiến 3 người hoảng loạn kêu cứu. May mắn một số người phát hiện ra ứng cứu, đưa họ vào bờ an toàn”, ông Thìn kể.
Ông Lô Văn Hường, cán bộ mặt trận bản Bủng, cho biết bản có khoảng 600 ha đất rừng và đất sản xuất, trong đó 85% diện tích nằm phía bên kia lòng hồ. Do đó, việc sản xuất của người dân rất khó khăn vì đường đã ngập nhưng cầu chưa có. “Chủ thủy điện hứa xây cầu từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa thấy gì, chúng tôi rất khổ vì đã hơn 3 năm phải qua lại trên chiếc bè chòng chành này”, ông Hường bức xúc.
Người dân bản Bủng phải qua lại trên những chiếc bè nguy hiểm
Mồ mả chìm trong nước
Sau khi thủy điện Chi Khê tích nước, hiện tượng sạt lở đất dọc sông Cả thuộc các xã Lạng Khê, Cam Lâm diễn ra nghiêm trọng. Chỉ tay ra dòng sông mênh mông nước, bà Ngân Thị Thủy (ngụ bản Boong, xã Lạng Khê) nói, trước đây đất sản xuất của dân ở tận ngoài kia và dòng sông ở đây rất nhỏ. Trận lũ năm 2018, đất sản xuất ven sông của 47 hộ dân trong bản Boong đã bị sạt lở kéo sâu vào phía trong hàng chục mét khiến lòng sông rộng ra. “Hàng chục năm nay, chưa bao giờ bị sạt lở như thế. Sau khi thủy điện tích nước, nước lũ về dâng cao, sau đó thủy điện xả lũ khiến đất cát trôi theo dòng nước, gây sạt lở. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị thủy điện phải bồi thường, hỗ trợ nhưng họ vẫn chưa chịu”, bà Thủy nói.
Tại bản Khe Thơi (xã Lạng Khê, H.Con Cuông), từ năm 2018 đến nay, đất sản xuất ven sông cũng đã bị sạt lở nặng nề, ăn sâu vào khoảng hơn 100 m. Bà Lô Thị Thủy, Chủ tịch UBND xã Lạng Khê, cho biết: “Riêng năm 2018, sạt lở đã khiến 12 ha đất sản xuất ven sông biến mất, 101 hộ dân trong xã bị mất đất đề nghị chủ thủy điện hỗ trợ. Đề nghị này là có cơ sở, tuy nhiên đến nay, việc hỗ trợ vẫn chưa được thực hiện”.
Người dân ở bản Bủng (xã Châu Khê) cũng tá hỏa vì hơn 100 ngôi mộ chôn cất ven rừng từ hàng chục năm nay bị ngập chìm sau khi thủy điện Chi Khê tích nước. Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân chưa được bồi thường cũng bị ngập chìm.
Ông Vi Văn Sơn, Chủ tịch UBND H.Con Cuông, cho biết do khâu khảo sát của chủ thủy điện sơ sài nên việc đánh giá mức độ ngập nước ở cao trình 38 m nước của thủy điện không đúng thực tế, khiến một số diện tích khá lớn không được tính toán để bồi thường bị chìm, trong đó có mồ mả. Sau khi phát hiện ra sai sót này, UBND H.Con Cuông yêu cầu chủ đầu tư thủy điện đo đạc lại để bồi thường cho người dân. Trong cuộc họp với chủ đầu tư thủy điện Chi Khê mới đây, lãnh đạo UBND H.Con Cuông tiếp tục yêu cầu chủ thủy điện phải khẩn trương xây cầu cho người dân bản Bủng qua lại, chi trả tiền bồi thường, đánh giá mức độ sạt lở đất để đền bù cho người dân bị mất đất./.