Chúng tôi tìm về nhà anh Lê Văn Xuân ở xã Diễn Kim (Diễn Châu, Nghệ An), anh Xuân là cháu gọi liệt sĩ Lê Thái Nhiệm là bác ruột. Trên bàn thờ liệt sĩ Nhiệm chỉ duy nhất tấm bảng do gia đình ghi dòng chữ: Liệt sĩ Lê Thái Nhiệm, hy sinh ngày: 27-11-1971. Di ảnh liệt sĩ cũng không có. Anh Xuân cho biết: “Bác Nhiệm lên đường đánh giặc khi còn trẻ, chưa kịp lấy vợ, có con. Chính vì vậy nên hiện nay anh là người cháu duy nhất thờ cúng bác mình - liệt sĩ Lê Thái Nhiệm”.
Sau khi dâng hương, anh Xuân nói tiếp: “Gia đình ngày đêm mong được Nhà nước cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” để đặt lên bàn thờ thay cho di ảnh của bác. Ngoài ra chúng tôi không cần thêm chế độ gì nữa”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thì gia đình liệt sĩ Lê Thái Nhiệm có hai anh em trai,mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1968, ông Lê Thái Nhiệm lên đường nhập ngũ, còn người em trai là Lê Văn Thành (bố anh Xuân) ở lại quê nhà. Năm 1971, ông Thành nhận được Giấy báo tử anh mình là Lê Thái Nhiệm đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Đến năm 1972, gia đình nhận thêm “Thư chia buồn” của Bộ CHQS tỉnh Nghệ An.
Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, đến năm 1978, ông Lê Văn Thành bắt đầu hành trình kiến nghị thực hiện chính sách liệt sĩ đối với anh trai mình, nhưng không có kết quả. Vì ở các cơ quan chính sách UBND huyện Diễn Châu, cũng như UBND tỉnh Nghệ An không có hồ sơ liệt sĩ Lê Thái Nhiệm. Không nản chí, ông Thành mang theo Giấy báo tử và Thư chia buồn đi hỏi khắp xã, huyện và tỉnh. Gửi rất nhiều đơn ra tận T.Ư, nhưng tất cả đều có chung câu trả lời: Không có hồ sơ lưu trữ.
Năm 2005, ông Lê Văn Thành mất. Người con trai ông Thành là anh Lê Anh Xuân (cháu liệt sĩNhiệm) tiếp tục công việc đòi quyền lợi chính sách liệt sĩ cho bác mình.
Đến năm 2016, gia đình Lê Anh Xuân - thân nhân liệt sĩ Lê Thái Nhiệm được Sở LĐTBXH tỉnh Nghệ An ban hành quyết định trợ cấp “Tiền thờ cúng liệt sĩ”, số tiền 500.000 đồng/năm. Được truy lĩnh từ năm 2013.
Như vậy là sau một thời gian dài kiên trì kiến nghị của em trai và cháu ruột, thì từ năm 2013 đến nay, liệt sĩ Lê Thái Nhiệm mới được ghi nhận một phần theo chính sách dành cho liệt sĩ. Tuy nhiên, nếu chiếu theo quy định của pháp luật hiện hành, thì rõ ràng các cơ quan chức năng vẫn chưa thực hiện đầy đủ và triệt để các chế độ đối với “Người có công”. Cụ thể là sau 50 năm hy sinh, liệt sĩ Lê Thái Nhiệm vẫn chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và hành trình của người cháu đi kiến nghị chính sách liệt sĩ cho bác của mình vẫn phải tiếp tục.
Nói về việc trả lời của các cơ quan chức năng, anh Lê Anh Xuân đưa cho chúng tôi xem nhiều loại giấy tờ là phiếu chuyển đơn, công văn trả lời của các cơ quan chức năng T.Ư và tỉnh Nghệ An. Đáng chú ý là trong đó có Công văn số 2202/NCC-CS1, ngày 9-9-2019 của Cục Người có công - Bộ LĐTBXH do Phó Cục trưởng Nguyễn Duy Kiên ký, trả lời đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An về việc: Cấp bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Lê Thái Nhiệm.
Trong Công văn số 2202 của Cục Người có công - Bộ LĐTBXH nói trên đã viết: “Qua xem xét hồ sơ ông Lê Thái Nhiệm, Cục Người có công có ý kiến như sau: Hồ sơ ông Lê Thái Nhiệm không có căn cứ chứng minh thân nhân đã hưởng chế độ trợ cấp trước ngày 1-1-1995. Vì vậy, trường hợp ông Lê Thái Nhiệm không đủ điều kiện để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”.
Để làm rõ thông tin tại địa phương về liệt sĩ Lê Thái Nhiệm, ông Phạm Xuân Bang, Chủ tịch UBND xã Diễn Kim (huyện Diễn Châu, Nghệ An) nói: “UBND xã Diễn Kim đã nhiều lần đề xuất, báo cáo lên cấp trên về việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Lê Thái Nhiệm. Bởi điều này hoàn toàn xứng đáng. Thế nhưng sự việc đến nay vẫn chưa có kết quả”.
Tiếp tục liên hệ với Sở LĐTBXH tỉnhNghệ An, chúng tôi được ông Hoàng Ngọc Châu - Trưởng phòng Người có công cho biết: “Theo Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH thì ông Lê Thái Nhiệm không đủ điều kiện cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”. Điều này Cục Người có công của Bộ đã trả lời. Sắp tới khi “Nghị định 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 có hiệu lực và được áp dụng, thì chúng tôi sẽ phối hợp với các ban, ngành khác giải quyết vấn đề này”.
Qua những gì chúng tôi tìm hiểu, cho dù vì lý do gì thì rõ ràng đây là một câu chuyện đáng buồn tại tỉnh Nghệ An trong việc thực hiện chính sách Người có công với cách mạng. Bởi liệt sĩLê Thái Nhiệm đã hy sinh tại mặt trận phía Nam là có thật. Các cơ quan quản lý chính sách liệt sĩ của tỉnh Nghệ An cũng đã ghi nhận, thông qua việc trợ cấp tiền thờ cúng liệt sĩ hằng năm cho gia đình anh Lê Anh Xuân (cháu liệt sĩ Lê Thái Nhiệm).
Theo quy định tại “Pháp lệnh ưu đãi Người có công với cách mạng” số 02/2020/UBTVQH14, được Uỷ banThường vụ Quốc Hội thông qua ngày 9-12-2020, cụ thể tại Khoản 2, Điều 15 về: “Chế độ đối với liệt sĩ” ghi rõ: “Truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” theo quy định của Chính phủ”. Chính vì vậy, mọi sự thoái thác hay trì hoãn trong việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Lê Thái Nhiệm đều trái quy định của pháp luật. Không phù hợp với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” mà Đảng và Nhà nước đã xây dựng trong chính sách Người có công với cách mạng.
Chính vì vậy, Báo CCBViệt Nam đề nghị Bộ LĐTBXH phối hợp bổ sung, hoàn thiện thủ tục để cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ Lê Thái Nhiệm.