Nhọc nhằn tìm việc mới
Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Nghệ An, từ cuối tháng 4 tới nay địa phương có khoảng 78.000 người làm ăn, sinh sống ở các tỉnh, thành có dịch trên cả nước trở về quê trong cuộc di dân lịch sử "chạy dịch" COVID-19. Hiện, các công nhân trở về đã hết thời hạn cách ly y tế, nhiều người ở nhà bên gia đình, người thân nhưng khó hy vọng tìm được công việc. Làm sao để giải quyết việc làm cho những lao động này đang là bài toán khó cho cả chính quyền lẫn doanh nghiệp (DN) địa phương lúc này.
Xồng Bá Túa và vợ Lỳ Y Súa (nhà ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lồng, huyện Kỳ Sơn) chỉ mới ngoài 20 tuổi nhưng đã có 2 người con. Anh Túa cho biết, 2 năm nay vợ chồng gửi con cho ông bà rồi vào Bình Dương làm việc.
Từ khoảng cuối tháng 4, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc giảm dần, 2 vợ chồng phải làm việc luân phiên, có khi một tuần nghỉ, một tuần làm, có khi làm một tuần nghỉ 2 tuần. Không có việc làm thường xuyên, thu nhập giảm sút, tiền tiết kiệm cũng phải đưa ra tiêuu. Tới tháng 6 vừa rồi cả hai phải “trốn dịch” vượt hơn 1000 km trở về quê bằng xe máy. Sau thời gian cách ly, cả hai vợ chồng bắt đầu đi tìm việc ở địa phương nhưng đến nay vẫn chưa có nơi nào gọi đi làm.
Tại Nghệ An ước tính có hơn 20.000 người trong độ tuổi lao động bị mất, giãn việc đang có nhu cầu tìm việc làm mới để ổn định cuộc sống. Ai cũng mong tìm kiếm việc làm mới. Anh Nguyễn Văn Hạnh (SN 1988) gia đình ở Huyện Yên Thành, chia sẻ cả gia đình trở về từ Đồng Nai, là công nhân giày da tại Đồng Nai về quê tránh dịch từ tháng 7.2021. Về quê, anh vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp, 2 vợ chồng phải sống nhờ bố mẹ. Mong muốn duy nhất của anh Hạnh lúc này là được tiêm vaccine, tìm kiếm được một việc làm phổ thông, khỏi phải "ăn không ngồi rồi".
Tương tự, chị Nguyễn Thị Nga (30 tuổi, Yên Thành) tâm sự: "Vừa qua, tôi trở về từ Bình Dương sau hơn 5 năm làm công nhân may, lương cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt. Trụ lại một thời gian, cạn tiền, công việc không có nên cả nhà kéo nhau về quê. Sau đợt cách ly tập trung, vợ chồng cũng nhờ bạn bè, người thân quen để kiếm việc làm trên địa bàn huyện. Tuy nhiên, sau nhiều lần gõ cửa nhiều DN, chị Nga chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bởi nhiều nhà máy, xí nghiệp ở đây còn phải luân phiên, cắt giảm công suất, cắt giảm số lượng nhân công làm việc do thực hiện giãn cách.
“Ruộng vườn ở quê thì ít, đời sống khó khăn, các khoản thu nhập không đáng bao nhiêu nên mới vào Nam tìm việc. Giờ cả nhà đang hy vọng các nhà máy nối lại sản xuất để xin vào làm việc dù mức lương có thấp hơn so với ngày thường, miễn là có khoản tiền nhỏ để sống sót qua mùa dịch bệnh”, chị Nga tâm sự.
Không chỉ những lao động như anh Túa, chị Nga hay anh Hạnh... mà nhiều công nhân, lao động tại Nghệ An trở về từ các tỉnh, thành để tránh dịch đều lâm vào cảnh tương tự. Tuy nhiên, chỉ một số ít là tìm được việc làm tại địa phương, còn lại phải xoay đủ nghề để mưu sinh.
Cơ hội cho cả người lao động và doanh nghiệp
Phần lớn công nhân lao động trở về Nghệ An mong muốn được tiêm vaccine, chờ dịch bệnh được kiểm soát để quay trở lại nhà máy, xí nghiệp ở các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. Nếu ở quê có nhiều nhà máy, khu công nghiệp đảm bảo công ăn việc làm thì họ cũng sẽ ở lại gắn bó lâu dài, nhưng điều này từng không đáp ứng nên họ mới tha phương.
Ông Lê Hải Dương - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An, chia sẻ: để có giải pháp kết nối cung - cầu thời gian tới, Trung tâm đã khảo sát 84 DN cho thấy có trên 29.000 vị trí việc làm mới, trong đó 57 DN nội tỉnh có nhu cầu tuyển hơn 15.300 lao động, mức lương từ 6-12 triệu đồng.
"Hiện dịch Covid-19 trên địa bàn từng bước được khống chế, các DN đang khôi phục sản xuất, do đó nhu cầu lao động tăng cao. Đây là cơ hội cho người lao động hồi hương có nhu cầu ở lại quê hương làm việc, cũng là cơ hội của các DN, đặc biệt là DN nội tỉnh trong việc lựa chọn những lao động có tay nghề và kinh nghiệm, nên DN tiết kiệm được chi phí đào tạo ban đầu…", ông Lê Hải Dương nói
Do dịch bệnh nên Trung tâm đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn online qua Fanpage, Zalo, Facebook nhưng kết quả còn chưa được như ý. Theo ông Dương, ngoài sự cố gắng, trách nhiệm của các đơn vị chức năng thì việc tuyên truyền để người lao động biết và tìm đến kênh tư vấn giới thiệu việc làm miễn phí này cũng như nắm bắt thông tin việc làm cần phải có sự vào cuộc từ chính các địa phương….
Chia sẻ về vấn đề này, ông Đoàn Hồng Vũ, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An thông tin, chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm, đã có gần 10.000 lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp qua Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An với trên 140 tỷ đồng. Số thất nghiệp tăng lên đáng kể, số lao động bị mất việc làm, ngừng việc, giãn việc do dịch Covid-19 rất là cao. “Khó khăn lớn nhất là gặp nhau giữa cung - cầu lao động. Đây được xác định là giải pháp then chốt trong nhóm giải pháp tăng việc làm nội tỉnh, trong đó có nhiệm vụ giải quyết việc làm cho lao động hồi hương tránh dịch…” - ông Vũ nhấn mạnh.
Về phía DN, ông Nguyễn Đình Sinh – Tổng giám đốc Công ty may Minh Anh Kim Liên cho biết: Hiện với việc mở rộng dây chuyền, công ty vẫn cần thêm lao động để đảm bảo các đơn hàng trong thời kỳ giãn cách.
Bên cạnh đó, các dự án lắp ráp điện tử tại V.SHIP Hưng Nguyên, WHA.N01, KCN Hoàng Mai 1 đi vào hoạt động dự kiến sẽ thu hút được một lượng lap động khá lớn. Theo BQL khu kinh tế Đông Nam, từ nay đến năm 2022, tỉnh cần thêm khoảng 20 ngàn và đến năm 2025 cần khoảng 50.000 lao động, trong đó dự án Luxshare cần 6.000 trên tổng nhu cầu 20.000 lao động; dự án Goertek Vina cần 5.000 trên tổng nhu cầu 30.000 lao động; dự án Everwin đăng lý tuyển 14.000 lao động; KCN Hoàng Mai 1 đăng ký thu hút 30.000 lao động. Đây là cơ hội không thể tốt hơn cho các lao động có nghề may hay điện tử từ miền Nam trở về./.