Bộ Y tế cho biết, tính đến hết ngày 11/7, nhóm từ 18 tuổi trở lên trên cả nước đã tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) là 46.390.199 mũi tiêm (69,2%). Các tỉnh có tỉ lệ tiêm cao gồm: Bắc Giang (95,8%), Nghệ An (95%), Thanh Hóa (93,8%). Địa phương có tỉ lệ tiêm mũi 3 thấp gồm: Cà Mau (48,2%), Bình Thuận (48,2%), Quảng Nam (45,4%), Đồng Nai (44,3%), Hải Phòng (43,3%), Hậu Giang (35,6%).
Với mũi tiêm nhắc lại lần 2 (mũi 4), các địa phương có tỉ lệ tiêm cao gồm: Lạng Sơn (96,5%), Cần Thơ (95,4%), An Giang (94,5%). Địa phương có tỉ lệ tiêm thấp gồm: Đồng Nai (7%), Quảng Ngãi (8,1%), Bình Định (5,9%), Bắc Cạn (3,6%), Quảng Bình (3,6%), Phú Yên (2,9%).
Liên tiếp trong báo cáo của Bộ Y tế thời gian gần đây, Nghệ An luôn đứng trong top 3 các địa phương triển khai tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) COVID-19 cho người dân với tỉ lệ cao nhất cả nước. Đây là địa phương có số dân đông thứ 4 trên cả nước, sau Hà Nội, TPHCM và Thanh Hóa.
Có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ThS.BS. Nguyễn Trọng Di, Phó Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An-CDC Nghệ An) cho biết, kết quả trên là do rất nhiều yếu tố, trong đó có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của lãnh đạo UBND tỉnh và Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Thứ nhất, lãnh đạo UBND tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy, cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh thường xuyên, liên tục chỉ đạo các địa phương trong công tác tiêm chủng để đôn đốc tiến độ tiêm và giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương.
Cụ thể, các địa phương thường xuyên, hàng tuần phải báo cáo chi tiết về tỉ lệ tiêm chủng của người dân. Nếu đơn vị nào có tiến độ tiêm chậm thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm. Mỗi địa phương đều được phân bổ vaccine theo tỉ lệ dân số và có lộ trình tiêm trong thời gian 1 đến 2 tuần. Trong thời gian này, các địa phương phải hoàn thành nhiệm vụ tiêm xong số vaccine được phân bổ.
Theo ông Nguyễn Trọng Di, việc gắn trách nhiệm với những người đứng đầu địa phương rất có hiệu quả, vì trong một bản hay một làng, bí thư hay trưởng bản, già làng đó rất có uy tín với người dân, khi tuyên truyền về lợi ích của tiêm chủng, vận động người dân tiêm chủng, người dân rất đồng tình.
Thứ hai, ngành y tế luôn rà soát số liệu trên toàn tỉnh để đôn đốc về chuyên môn, bảo đảm đúng quy định, cũng như đôn đốc lịch tiêm và tỉ lệ tiêm chủng.
Thứ ba, tổ chức triển khai tiêm tại nhà cho người dân. Nghệ An có nhiều huyện nghèo, huyện miền núi giáp biên, nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (như huyện Anh Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu)... nhân viên tiêm chủng luôn phải di chuyển đường núi vào tận bản để tiêm cho từng người dân.
Thứ tư, tỉnh được cấp đủ 5 loại vaccine phòng COVID-19: Vero cell (Sinopharm), AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Abdala và có chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh tới các địa phương trong việc ưu tiên triển khai tiêm cùng một loại vaccine cho người dân là tốt nhất. Nếu thiếu vaccine thì mới tiêm trộn theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế. Chính vì thế mà công tác thống kê báo cáo đều đạt mức độ chính xác cao nhất.
"Chính vì ít tiêm lẫn 2 loại vaccine, nên Nghệ An quản lý các mũi tiêm của người dân rất tốt. Ví dụ, với vaccine Abdala, nếu tiêm cho người trên 40 tuổi thì phải tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu người đó có bệnh nền thì cần tiêm thêm 1 mũi bổ sung và nếu tiêm nhắc lại thì sẽ thành tiêm mũi thứ 5 và mũi 6. Như vậy, nếu tiêm cùng một loại vaccine, công tác quản lý mũi tiêm sẽ rất chuẩn, từ đó tạo thuận lợi cho công tác chỉ đạo điều hành", ThS.BS. Nguyễn Trọng Di chia sẻ.
Người dân có thể đi tiêm bất kỳ lúc nào
Thứ năm, công tác truyền thông về tiêm chủng được triển khai xuyên suốt từ tỉnh tới các xã, phường. Ở tận xã, phường, cán bộ tiêm chủng sẽ nắm được người dân đã tiêm những mũi nào, còn thiếu mũi gì để vận động và đôn đốc người dân đi tiêm.
Thứ sáu, gắn việc vận động, quản lý đối tượng tiêm chủng, tuyên truyền công tác tiêm chủng tới người dân… vào chỉ tiêu thi đua khen thưởng. Công tác này sẽ gắn vào trách nhiệm của địa phương, những người đứng đầu địa phương đó.
Đối với trách nhiệm của ngành y tế địa phương, nhân viên y tế luôn túc trực 24/24 giờ tại các điểm tiêm để phục vụ dân. Tức là bất kỳ khi nào người dân đến tiêm chủng, không kể ngày hay đêm, nhân viên y tế đều tiêm cho người dân nếu họ có đủ điều kiện về sức khỏe, khoảng thời gian sau tiêm mũi trước, hoặc sau khi mắc bệnh.
Mặc dù thuộc top 3 cao nhất cả nước về tỉ lệ người dân tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) vaccine COVID-19, nhưng tại địa phương này vẫn còn không ít người dân ngại, hoặc không muốn tiêm mũi nhắc lại, do nghĩ mình đã mắc bệnh và đã tiêm đủ liều cơ bản.
"Trong những tuần gần đây, tỉnh Nghệ An không có bệnh nhân nặng, cũng không có trường hợp tử vong. Thêm vào đó, khi bị bệnh, triệu chứng của người dân rất nhẹ. Vì vậy, một số người dân có tâm lý chủ quan và không tiêm mũi nhắc lại. Đây là khó khăn lớn nhất hiện nay trong việc vận động người dân tiêm vaccine COVID-19.
Tuy nhiên, khi chính quyền địa phương tuyên truyền rằng, chính các mũi tiêm trước đó khiến khi mắc bệnh người dân không bị nặng, nhưng miễn dịch này của vaccine không tồn tại mãi mà sẽ giảm dần theo thời gian, trong khi biến chủng mới đang tiếp tục diễn biến phức tạp, vì vậy người dân cần tiêm mũi nhắc lại... thì hầu hết người dân đều đồng tình. ủng hộ và đi tiêm theo lịch", ThS.BS. Nguyễn Trọng Di cho biết./.