Kiểm soát hàng kém chất lượng còn gặp nhiều khó khăn
Theo Cục Quản lý thị trường Nghệ An, thực hiện chỉ đạo của ngành và tỉnh, công tác phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được thực hiện khá kịp thời, hiệu quả.
Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã ký quy chế với các ngành chức năng như Công An, Sở Công Thương, Cục Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Sở Y tế,... và các tổ chức như Công ty xăng dầu, Bưu chính viễn thông, Vietel,..
Nhờ đó, công tác đấu tranh phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đã huy động được sự vào cuộc và sự phối hợp của cả hệ thống chính trị-xã hội, cùng các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương các cấp cũng như các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Đặc biệt là sự tham gia ngày càng tích cực của người dân.
Công tác này được được triển khai thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Chẳng hạn như việc trao đổi cung cấp thông tin; tăng cường nghiệp vụ, thẩm tra, xác minh nhằm phát hiện các vụ việc vi phạm điển hình nâng cao hiệu quả đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức, thói quen mua sắm của người dân.
Tuy nhiên, Cục phó Cục Quản lý thị trường Nghệ An, ông Nguyễn Hồng Phong, cho rằng hiện nay các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa có chiều hướng gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi như: giả, nhái nhãn hiệu nổi tiếng cùng loại, cố tình không dán nhãn hoặc nhãn không ghi nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất, nơi sản xuất, nhập khẩu, hàng sản xuất trong nước nhưng lại ghi công nghệ bởi nước khác để đánh lừa người tiêu dùng về xuất xứ.
Theo ông Phong, chiêu thức của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái đưa người mua vào “ma trận”, gây nhầm lẫn, đánh lừa người mua. Nguy hiểm hơn, hiện tượng này xuất hiện khá phổ biến ở mặt hàng thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng...
Trong khi đó, hiểu biết về pháp luật nói chung và quy định ghi nhãn hàng hóa nói riêng của người tiêu dùng còn hạn chế. Việc kiểm tra hàng giả nhiều sản phẩm đang còn khó khăn, đặc biệt là trình độ làm giả ngày càng tinh vi, đòi hỏi phải có kết quả giám định của cơ quan chuyên môn hoặc nhà sản xuất.
Mặc dù quy định về hoạt động thương mại, nhãn hàng hóa đều đã có quy định rõ tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09 tháng 12 năm 2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Và đây cũng là một trong những nội dung được lực lượng quản lý thị trường thực hiện thường xuyên. Song, trong bối cảnh lực lưởng mỏng, địa bàn hoạt động rộng, cùng với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, nên việc kiểm soát vấn đề này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm
Cùng với việc bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, UBND tỉnh Nghệ An cũng mới ban hành văn bản 11134/UBND-KT chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và hàng kém chất lượng.
Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An giao cho Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh qua đường dây nóng và phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng khác tại địa phương để kịp thời kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, sản xuất và kinh doanh hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, đưa tin thất thiệt về thị trường và các hành vi vi phạm.
Trong đó, UBND tỉnh này yêu cầu lực lượng quản lý thị trường chú trọng kiểm tra các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp Tết Nguyên đán, đồng thời cử cán bộ thường xuyên túc trực 24/24 để tiếp nhận và xử lý thông tin về thị trường.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, đối với quản lý thị trường, đã thành thông lệ, đây là giai đoạn cao điểm trong năm do lượng hàng hóa tăng nhiều cả về chủng loại cũng như khối lượng, một số đối tượng lợi dụng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử.
Cục Quản lý thị trường Nghệ An đã chủ động thực hiện một loạt các giải pháp như sớm thông qua Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 (số 987/KH-QLTTNA ngày 29/10/2024). Đồng thời bố trí lực lượng trực 24/7 để tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm chắc diễn biến thị trường, các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các tổ chức, cá nhân vi phạm nhất là các phương thức, thủ đoạn mới; xác định các mặt hàng, các tuyến, địa bàn trọng điểm. Đặc biệt tập trung kiểm tra các mặt hàng tiêu dùng nhiều trong dịp Tết như hàng tiêu dùng, thực phẩm, rượu, bia, bánh kẹo, nông sản, hàng điện tử, thuốc lá, xăng dầu, thực phẩm chức năng ...
Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương để nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức như thông qua công tác kiểm tra, xử phạt; thông tin trên cổng thông tin điện tử, mạng xã hội Facebook, Zalo ... đến các cơ sở kinh doanh cũng như người dân về tác hại buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, cùng chung tay với các lực lượng chức năng trong lĩnh vực này.
Cùng với đó là triển khai kịp thời các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh, Tổng cục quản lý thị trường theo từng chuyên đề, nội dung theo biến động của thị trường. Phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trưởng.
Công tác kiểm tra, kiểm soát thực hiện đúng quy trình, quy định của hoạt động công vụ, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật nhưng cũng không gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.
Văn bản 11134/UBND-KT của UBND tỉnh Nghệ An cũng yêu cầu các địa phương phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường quản lý các lò giết mổ, các điểm, khu vực kinh doanh tự phát, các chợ trên địa bàn; xử lý triệt để tình trạng kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra; xử lý các hành vi vi phạm về giá của các sở sở kinh doanh tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ban quản lý các chợ tổ chức tốt công tác chuẩn bị, cung ứng hàng hóa, tham gia các chương trình kích cầu tiêu dùng, chương trình bán hàng bình ổn về phục vụ nông thôn, miền núi.
Đặc biệt chú ý kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước về giá của UBND cấp huyện theo quy định của pháp luật.