98-1693383841.jpg
Khu vực tổ chức phiên chợ người Mông đang được tích cực hoàn thiện chuẩn bị cho dịp khai trương 1/9 tới đây (ảnh HP)

Người dân Quế Phong nói chung, đồng bào dân tộc người Mông sinh sống trên địa bàn huyện Quế Phong nói riêng hết sức vui mừng khi sau bao nhiêu nỗ lực, dự định, Nhân dân cùng chính quyền đã tổ chức mở được phiên chợ Mông. Đây được xem là phiên chợ đậm đà bản sắc người đồng bào dân tộc Mông hiện đang sinh sống tại xã Tri Lễ và trên địa bàn toàn huyện. Phiên chợ sẽ là nơi hội tụ nét văn hóa, ẩm thực, những sản phẩm đặc sắc của người Mông, là nơi giao lưu buôn bán, giúp bà con thuận tiện hơn trong việc mua, bán các sản phẩm thủ công, chăn nuôi của gia đình mình, để rồi mang lại nguồn kinh tế ổn định, lâu dài.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong Bùi Văn Hiền thông tin, phiên chợ sẽ được khai trương đầu tiên vào ngày 1/9 tới đây, nhằm tạo điều kiện cho bà con giao lưu, buôn bán, phát huy đậm đà bản sắc dân tộc, cung như góp phần phát triển du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa bản địa. Trên địa bàn toàn huyện Quế Phong hiện có khoảng trên 5.000 người đồng bào dân tộc Mông sinh sống, việc gây dựng nên phiên chợ sẽ rất ý nghĩa không chỉ với bà con người mông về mặt kinh tế, văn hóa mà còn ý nghĩa với người dân trên địa bàn toàn huyện về kích cầu kinh tế, du lịch.

oi-1693383880.jpg
Nét duyên người Mông ở Quế Phong (ảnh tư liệu xã Tri Lễ cung cấp)

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Lữ Văn Cương, phiên chợ người Mông sẽ được tổ chức mỗi tháng 1 phiên vào ngày mùng 1 đầu tháng. Hứa hẹn phiên chợ sẽ là những đặc sản đậm đà văn hóa người Mông bản địa, sẽ là phiên chợ vùng cao mang dấu ấn, hơi thở của người Mông, của các dân tộc cùng sinh sống, của núi rừng nơi đây. Phiên chợ bố trí nhiều gian hàng, không gian mở, rộng, tới chợ sẽ được mua các sản phẩm địa phương do bà con làm ra, sẽ được thưởng thức ẩm thực người dân bản địa, là rượu ngô, thắng cố, những món thịt nướng ngon lành...

988-1693383917.PNG
Hình ảnh tuyên truyền chợ người Mông Tri Lễ Quế Phong (ảnh HP)

Ông Cương cho biết thêm, hiện nay tại xã Tri Lễ có khoảng 4.000 người thuộc đồng bào dân tộc Mông cư trú, sinh sống. Đời sống bà con nay đổi thay, ổn định và phát triển. Nhiều bản đã hòa nhập vào chung sống ở các khu vực dân cư thuận lợi, còn 5 bản hiện chạy dọc theo tuyến biên giới với ngước bạn Lào, giáp các huyện lân cận. Việc tổ chức phiên chợ người Mông sẽ tạo nên dấu ấn lớn cho địa phương.

Nằm về phía Tây Nam, cách trung tâm huyện Quế Phong hơn 30 km, xã Tri Lễ có chiều dài đường biên giới 17 km (tiếp giáp với 2 cụm bản Phà Đánh và Phăn Thoong của nước CHDCND Lào) với 4 dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú sinh sống. Toàn xã có gần 11.000 nhân khẩu với trên 2.038 hộ dân.

Người Mông ở Nghệ An có khoảng 29.000 người, chiếm 7% dân số dân tộc thiểu số toàn tỉnh và chiếm 3,6% người Mông trong cả nước. Do di cư đến Nghệ An muộn hơn những dân tộc khác nên địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Mông là những vùng đồi núi cao, có độ dốc lớn, tập trung ở 3 huyện là: Kỳ Sơn, Tương Dương và Quế Phong, trong đó huyện tập trung đông nhất là Kỳ Sơn với hơn 25.000 người.