Trước tình hình diễn biến dịch phức tạp của dịch COVID-19, tỉnh Nghệ An đã có quyết định về việc tổ chức dạy, học trực tuyến đối với ba cấp học phổ thông, ngay sau ngày lễ khải giảng 5/9. Rất nhiều học sinh thuộc các xã vùng sâu vùng xa đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện học online.
Thời điểm chuẩn bị cho năm học mới, hàng nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang sẵn sàng chuẩn bị cho việc học trực tuyến sắp được diễn ra vào đầu năm học mới 2021-2022.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch COVID -19, ngay sau ngày lễ khai giảng ngày 5/9 các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ triển khai cho học sinh học online đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh. Rất nhiều học sinh đang gặp không ít khó khăn với hình thức học này.
Sống trên địa bàn xã thuộc vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Quỳ Hợp (Nghệ An), hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le, bà nội bị bệnh hiểm nghèo, bố đau ốm quanh năm, mẹ thì trình độ văn hoá thấp, ngôi nhà đang ở cũng chỉ đang tạm bợ, thế nhưng, hai anh em Lương Khánh Huy và Lương Thị Quỳnh Nhi, đang chuẩn bị bước vào lớp 6 (Trường THCS Bán trú Châu Lý) và lớp 2 (Trường tiểu học Châu Sơn, H.Quỳ Hợp, Nghệ An) đã là những tấm gương sáng đáng khen ngợi khi năm học vừa qua đều đạt thành tích học tập xuất sắc.
Ngôi nhà tạm bợ của 2 anh em Lương Khánh Huy và Lương Thị Quỳnh Nhi.
Tuy nhiên, khi năm học mới cũng đang gần kề, với việc phải học trực tuyến, gia đình anh Lương Văn Khàng (bố hai em Khánh Huy và Quỳnh Nhi) đang vô cùng lo lắng, bởi gia đình anh Khàng thuộc loại đặc biệt khó khăn của xã, cuộc sống còn chưa được đảm bảo nói gì đến đảm bảo phương tiện để học trực tuyến.
Anh Khàng tâm sự: “Gia đình tôi sinh sống ở bản Cà Vạt một điểm vùng cao thuộc diện hộ nghèo của xã Nam Sơn, bản thân bố mẹ đều thuần nông, trình độ học vấn hạn chế, con cái đông và đang đều ở lứa tuổi học sinh. Khi biết các cháu đầu năm học mới này phải học trực tuyến, chúng tôi rất lo lắng và áp lực bởi gia đình chỉ có một chiếc điện thoại kết nối với mạng 4G để cho cả hai anh em thay nhau học nhưng sóng 4G khá yếu".
"Dung lượng không đủ học và cũng không đủ khả năng mua sắm thêm thiết bị, máy tính, điện thoại mới hiện đại cho các cháu. Ngoài ra, bố đi làm cả ngày, mẹ cũng bận em nhỏ, trình độ cũng không thể hướng dẫn cho các con học”, anh Khàng bộc bạch.
Trong ngôi nhà chật hẹp, không có nổi 1 chỗ để 2 em ngồi học.
Nhà hộ nghèo, đến chiếc bàn học của hai anh em Huy trong căn nhà sàn trên đồi cũng không có nổi. Khánh Huy nói em và em gái sắp tới đều cùng phải học online. Mấy ngày nay khi nhà trường cho biết năm học mới có thể sẽ tổ chức học trực tuyến, hai bạn rất lo khi không đủ thiết bị, phải chạy quanh nhà tìm chỗ có sóng 4G để học thử nhưng không được, do bản Cà Vạt nằm ở sâu trong rừng núi, thưa thớt dân.
Hai anh em cũng đã nghĩ ra cách chạy lên sườn đồi cao cạnh nhà. Đó là chỗ cao và khá trống trải, sóng 4G có thể thỉnh thoảng tới được. Chưa kể lúc "vợt" được sóng thì sim lại.. hết tiền.
Từ câu chuyện của hai anh em Khánh Huy để thấy rằng việc dạy, học online đối với người dân ở thị trấn hay thành thị thì không đáng ngại, song với những học sinh miền núi cao, vùng sâu, vùng xa là vô cùng nan giải.
Theo ông Hoa Sĩ Sơn (Hiệu trưởng trường tiểu học Châu Sơn, xã Nam Sơn, Quỳ Hợp): “Học trực tuyến rất khó khăn đối với vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là với lớp 1, 2 do còn nhỏ, cần sự uốn nắn trực tiếp của thầy cô, thao tác trên máy không ai hướng dẫn, riêng việc cài đặt phầm mềm cũng là một vấn đề. Phụ huynh thiếu kiến thức, kinh nghiệm nên không thể hỗ trợ các con trong việc học tập qua internet".
"Tuy nhiên, đây là chủ trương của ngành, của cấp trên, anh em cố gắng thực hiện, nhưng hiệu quả đến đâu thì chưa đảm bảo. Tôi cũng vừa đươc biết hiện tại, phòng Giáo dục huyện đang đề xuất lên UBND huyện và Sở giáo dục Nghệ An để đưa ra các phương án tối ưu nhất cho các em có hoàn cảnh đặc biệt và học sinh ở vùng sâu có thể được học tập tốt nhất", ông Sơn nói.
Ông Lương Văn Biết (Chủ tịch xã Nam Sơn, Quỳ Hợp) chia sẻ: “Nam Sơn là xã vùng sâu của huyện miền núi. Nếu phải theo học chương trình online đa phần các em học sinh và phụ huynh không đủ khả năng. Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất để thực hiện dạy học cũng không đảm bảo. Vì vậy, Sở GD&ĐT cũng như Phòng GD&ĐT chỉ đạo khảo sát, yêu cầu hiệu trưởng các trường tổng hợp chính xác, khách quan để có lựa chọn hình thức dạy học phù hợp.”
Được biết, theo kế hoạch, ngay sau lễ khai giảng tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho các cấp học từ tiểu học đến THPT theo ba khung giờ khác nhau. Trong đó, cấp Tiểu học sẽ dạy từ 17h đến 21h hàng ngày. Riêng trong ngày thứ Bảy và Chủ nhật có thể học vào các khung giờ khác sau khi có sự thống nhất với cha mẹ học sinh. Đối với cấp THCS: từ 7h đến 12h hàng ngày và cấp THPT: từ 13h đến 17h và sau 21h hàng ngày.