Điều này đã tạo căn cứ pháp lý để các trường mầm non được bố trí nguồn kinh phí và có cơ sở thực hiện việc chi trả lương cho số giáo viên mầm non trên. Đồng thời giúp UBND các huyện có nguồn lực phân bổ cho các cơ sở giáo dục mầm non sau thời gian dài “loay hoay” do Nghị định 06 và Thông tư 09 hết hiệu lực.
Vừa dạy học, vừa bất an
Cô Nguyễn Thị Lợi hiện là giáo viên Trường Mầm non Thịnh Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An). Tuy nhiên, trước đó, cô là giáo viên Nghệ thuật, dạy học tại Trường Tiểu học Thịnh Thành. Vào nghề từ năm 2007 nhưng sau gần 10 năm dạy học, cô vẫn là giáo viên hợp đồng với mức lương chưa đầy 2 triệu đồng/tháng. Đến năm 2016, cô quyết định chuyển xuống bậc mầm non để được ký hợp động lao động theo Thông tư liên tịch số 09/2013/TTLT-BGDĐT-BTC-BNV.
Thời điểm đó, cô Lợi và nhiều đồng nghiệp diện hợp đồng ở huyện khác chọn chuyển sang mầm non để chờ cơ hội được tuyển dụng vào biên chế. Hơn nữa, giáo viên hợp đồng diện 09 được hưởng lương và các chế độ khác như viên chức, giúp cho đời sống được cải thiện hơn. “Lãnh đạo huyện khi đó cũng cho biết nếu sau này có chỉ tiêu biên chế và giáo viên có nguyện vọng quay trở lại bậc học cũ, huyện sẽ ưu tiên xét tuyển”, cô Lợi cho hay. Nhưng từ tháng 1/2022, Nghị định 06 của Chính phủ và Thông tư 09 hết hiệu lực, ngân sách Nhà nước dừng cấp về cho địa phương để trả lương giáo viên mầm non hợp đồng theo diện trên, khiến cô “vừa dạy học vừa thấp thỏm, bất an”.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Hòa (giáo viên Trường Mầm non Bắc Thành) vốn là giáo viên Mỹ thuật ở Trường THCS Bắc Thành (huyện Yên Thành) từ năm 2009. Tháng 11/2016, cô chuyển xuống dạy mầm non theo diện giáo viên hợp đồng 09. Để đáp ứng yêu cầu công việc mới, cô phải học lấy bằng trung cấp mầm non. Quá trình làm việc, dù không phải chuyên ngành đào tạo của mình, nhưng cô vẫn hoàn thành nhiệm vụ, học đại học mầm non với mong muốn gắn bó lâu dài với bậc học này.
Cô tâm sự, thời gian qua, giáo viên vẫn được nhà trường tạo điều kiện để trả lương bình thường. Chỉ từ đầu hè đến nay tạm thời chưa được nhận lương. “Nhưng điều tôi lo lắng nhất không phải là lương, mà là tương lai công việc của mình. Thông tư 09 hết hiệu lực, những giáo viên mầm non hợp đồng như chúng tôi sẽ được xếp vào diện nào và phải đợi đến bao giờ mới được tuyển dụng vào viên chức”, cô Hòa trăn trở?
Toàn huyện Yên Thành có hơn 200 giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng 06 và 09. Trong đó, nhiều cô vốn dạy THCS hoặc tiểu học xuống bậc mầm non. Những giáo viên này đã phải học thêm bằng cấp theo quy định để đủ điều kiện ký hợp đồng. Thời gian qua, giáo viên mầm non hợp đồng của huyện Yên Thành cũng nhiều lần viết đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị có giải pháp phù hợp đối với họ.
Ông Nguyễn Xuân Tĩnh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Yên Thành cho biết: Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên mầm non hợp đồng, huyện đã chỉ đạo nhà trường sử dụng các nguồn thu và chi thường xuyên để chi trả lương trước mắt. Nhưng đây chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài địa phương mong muốn có thêm biên chế để tuyển dụng đội ngũ này.
Chờ ngày tuyển dụng
Trước khi Nghị định 06 và Thông tư 09 hết hiệu lực, ngành Giáo dục Nghệ An đã dự báo khó khăn và xin ý kiến Bộ GD&ĐT cũng như UBND tỉnh Nghệ An về hướng giải quyết. Tháng 3 năm nay, Sở Tài chính Nghệ An có văn bản hướng dẫn tạm thời việc chi trả tiền lương và chế độ cho giáo viên mầm non đã hợp đồng lao động theo Nghị định số 06. Nhưng đến tháng 5/2022, qua tổng hợp của sở GD&ĐT, chỉ có 6 địa phương trả lương cho lao động từ nguồn ngân sách. Còn lại, đều giao cho trường lấy từ nguồn thu sự nghiệp và chi thường xuyên được cấp năm 2022 để “ứng” cho giáo viên. Tuy nhiên, lãnh đạo một số trường cho hay, việc vận dụng này cũng khó khăn, vì theo quy định, các nguồn thu của nhà trường phải nộp về kho bạc. Nếu chi phải đúng mục đích, đối tượng, mà giáo viên hợp đồng lại không nằm trong danh mục được chi. Còn nguồn chi sự nghiệp giáo dục thì eo hẹp và phải cân đối cho nhiều hoạt động khác của trường.
Thành phố Vinh hiện có hơn 100 giáo viên mầm non thuộc diện hợp đồng 06 và 09. Ông Lê Trường Sơn – Phó Trưởng phòng GD&ĐT cho hay: Thời gian qua thành phố cố gắng đảm bảo chi trả lương, nhưng nguyện vọng chung của giáo viên là sớm ổn định các chế độ và được tuyển dụng lâu dài. Có như vậy, họ mới yên tâm công tác. Đây cũng là mong muốn của ngành, bởi số giáo viên mầm non hợp đồng trên, đều có năng lực chuyên môn, được đào tạo bài bản và quá trình cống hiến lâu năm.
Để có giải pháp đảm bảo quyền lợi cho đối tượng giáo viên trên, sở GD&ĐT tham mưu, trình HĐND tỉnh Nghệ An dự thảo Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định số 06 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 09 của Bộ GD&ĐT - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ. Trong kỳ họp gần đây, HĐND tỉnh Nghệ An đã thông qua dự thảo Nghị quyết trên. Theo Nghị quyết, đối tượng áp dụng là các giáo viên mầm non đã ký hợp đồng lao động theo Nghị định 06 và Thông tư 09, tính tại thời điểm tháng 1/2022, đang giảng dạy ở các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà chưa được tuyển dụng vào viên chức.
Cụ thể, hỗ trợ một lần với mức kinh phí tối đa 100 triệu đồng/người cho giáo viên mầm non; hỗ trợ 100% kinh phí để chi trả các chế độ, chính sách (như viên chức) cho giáo viên mầm non kể từ ngày 1/9/2022 đến ngày 31/12/2025. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách tỉnh (nguồn chi sự nghiệp giáo dục hàng năm). Dự kiến, trong năm 2022 là 127,297 tỷ đồng, năm 2023 là 94,267 tỷ đồng, những năm tiếp nhu cầu kinh phí giảm dần (do được tuyển dụng vào viên chức); kết thúc việc hỗ trợ đến hết năm 2025.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, mục đích xây dựng Nghị quyết nhằm tạo căn cứ pháp lý để các cơ sở giáo dục được bố trí nguồn kinh phí và có cơ sở để thực hiện việc chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non trên. Đồng thời giúp UBND các huyện có nguồn kinh phí để phân bổ cho các cơ sở giáo dục mầm non chi trả tiền lương cho giáo viên mầm non hợp đồng (nằm trong tổng chỉ tiêu biên chế). Qua đó bảo đảm chế độ cho nhà giáo, có đủ giáo viên đứng lớp, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, đáp ứng được yêu cầu dạy và học trong giai đoạn mới.