Mỗi đơn vị cấp xã được hỗ trợ kinh phí đầu tư một bể bơi di động (kích thước tối thiểu 8m x 18m), theo mức: Đơn vị cấp xã thuộc khu vực I, III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hỗ trợ tối đa 100% kinh phí đầu tư bể bơi nhưng không quá 100 triệu đồng/bể. Đơn vị cấp xã còn lại của tỉnh được hỗ trợ tối đa 70% kinh phí đầu tư bể bơi nhưng không quá 70 triệu đồng/bể.
Đối tượng được hỗ trợ ở cấp xã là các trường, nơi tổ chức dạy bơi cho trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo đang sinh sống tại các xã khu vực III vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Giáo viên, hướng dẫn viên của trường phải có Giấy chứng nhận hoàn thành tập huấn chuyên môn đối với người hướng dẫn tập luyện và nhân viên cứu hộ môn bơi, lặn. Mức hỗ trợ tối đa 20 triệu đồng/xã/năm.
Hiện, toàn tỉnh có 216 bể bơi đạt yêu cầu về kích thước, 76 bể bơi hỗn hợp, bể vầy, lồng tạm, ao, hồ do nhân dân tự tạo để dạy bơi cho trẻ em. Tuy nhiên, các bể bơi hỗn hợp này không an toàn và không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
Hầu hết các bể bơi do các cá nhân và doanh nghiệp đầu tư xây dựng với mục đích đầu tư kinh doanh ở các vùng trung tâm có điều kiện kinh tế cao như thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, huyện Diễn Châu... Trẻ em vùng nông thôn, miền núi, trẻ em nghèo việc học bơi rất hạn chế.
Mục tiêu tới năm 2025 một nửa trẻ em trong độ tuổi 9-16 được phổ cập bơi, biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Đồng thời, 100% huyện, thành phố, thị xã hoàn thành việc xây dựng mô hình "Trẻ em toàn xã biết bơi", "Học sinh toàn trường biết bơi" và giảm thiếu từ 5-10% số trẻ em tử vong do đuối nước.
Theo Ban Thời Sự - vtv.vn