Hành trình "gieo chữ" nơi rẻo cao
Chúng tôi có dịp đến thăm vợ chồng thầy giáo Hồ Viết Quang (SN 1978, quê xã Yên Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) vào những ngày cuối tuần tại ngôi nhà gỗ nhỏ cạnh điểm trường lẻ mầm non và tiểu học tại bản Đống Dưới, xã Tây Sơn, huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) trong tiết rét đậm của những ngày đầu đông.
Thầy Quang cho biết: "Năm nay vì nhiệm vụ của trường giao vợ chồng tôi đã về điểm trường chính dạy nhưng cứ cuối tuần là tôi lại lên đây thăm bà con 2 bản Đống (Đống Trên và Đống Dưới)".
Con đường độc đạo đến xã Tây Sơn (nơi sinh sống chủ yếu của bàn con đồng bào người Mông) vô cùng gian nan, vất vả. Đường hẹp, đất đá lởm chởm với nhiều khúc cua tay áo, bên này là vực thẳm, bên kia vách núi dựng đứng. Thế nhưng hơn 18 năm nay, thầy giáo Hồ Viết Quang vẫn miệt mài để "gieo con chữ" trên mảnh đất này.
Cuộc sống gia đình khó khăn, năm 1997, sau khi học xong THPT, thầy Quang tạm gác giấc mơ đứng bục giảng để phụ giúp gia đình. Đến năm 1999, dành dụm được một ít tiền mới thi vào Trường Trung cấp Sư phạm Vinh. Sau khi tốt nghiệp, thầy Quang trở về quê tại huyện Con Cuông dạy học 2 năm. Chẳng biết có phải vì duyên nợ với học trò vùng cao mà năm 2003, thầy Quang xin lên dạy học điểm trường lẻ tiểu học tại bản Đống Dưới và Đống Trên, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An.
Nhớ những ngày đầu lên Tây Sơn, thầy Quang kể: "Ngày mình lên nhận công tác, hành trang mang theo chỉ có giáo án và mấy bộ đồ. Một mình cứ thế "cuốc bộ", vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là đi thêm một đoạn nữa".
Lên tới nơi, thầy Quang thấu hiểu được những khó khăn, thiếu thốn của bà con nơi đây, không điện lưới, không sóng điện thoại, giao thông cách trở, nhiều hủ tục lạc hậu… "Khó khăn nhất lúc đó là số người biết tiếng phổ thông chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy việc dạy cũng như giao tiếp với đồng bào cũng gặp muôn vàn khó khăn", thầy Quang kể.
Không khuất phục trước khó khăn, thầy Quang tìm những đồng bào biết tiếng phổ thông nhờ họ dạy ngược lại tiếng người bản địa cho mình. Ngoài ra, lúc đó thầy cũng được cô giáo Võ Thị Minh Bình (quê Thanh Chương, Nghệ An) lên dạy học mầm non tại điểm trường lẻ trước thầy Quang 1 năm chỉ cho thêm. Cô Bình lên trước, "bập bẹ" biết hơn anh Quang ít tiếng bản địa nên chỉ dẫn, rồi kèm với học từ người bản địa nơi dây, thầy Quang dần nói thông, viết thạo tiếng người Mông nơi bản xứ.
Trời Tây Sơn đã về đêm, như đã quen thuộc từng ngõ ngách, từng nhà của trò, thầy Quang dẫn chúng tôi đi quanh bản vào nhà gặp gỡ các phụ huynh. Ngồi nói chuyện với cha mẹ của học sinh, thầy không quên nhắc "mai nhớ cho các em đi học".
Càng ngày, thầy Quang càng thấy gắn bó với mảnh đất, con người nơi đây. Sau mỗi giờ dạy học, hễ trong bản có người đau ốm, thầy đều đến thăm hỏi, tìm bác sĩ tư vấn mua thuốc cho uống chứ không để người dân mời thầy mo đến cúng, bái như trước; đêm đến lại chong đèn, xóa mù chữ cho bà con.
Kính mến và quý trọng thầy, cán bộ và những người có tiếng nói ở 2 bản đã xin ý kiến đặt tên cho thầy Quang theo tên tục người bản địa là Hạ Chồng Của và bầu lên chức danh trưởng bản chung của cả 2 bản (Đống Trên và Đống Dưới, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn). Mọi ý kiến, việc làm cán bộ bản, dân bản đều xin ý kiến của thầy Quang trước khi thực hiện.
Chuyện tình giáo viên cắm bản
Những năm đầu lên cắm bản, "gieo con chữ", trong căn nhà gỗ nhỏ với ngọn đèn dầu leo lét, rồi thêm cái cảnh không biết tiếng bản địa thành ra người bầu bạn với thầy Quang còn mỗi cô Bình. Những buổi sang nhờ cô dạy tiếng bản địa, rồi những đêm lạnh giá ngồi tâm sự chuyện đời chuyện nghề cùng nhau, dần dần 2 con người đều là giáo viên cắm bản đó sát gần lại nhau. Từ những bữa cơm ăn chung, nói chuyện để đỡ nhớ nhà, đỡ buồn thì đến năm 2006 thầy Quang và cô Bình kết hôn nên duyên vợ chồng trong niềm vui của gia đình và bà con nhân dân 2 bản Đống Trên và Đống Dưới.
Niềm vui nối tiếp niềm vui khi những đứa con của 2 người giáo viên cắm bản ra đời. Tuy thiếu thốn đủ bề nhưng gia đình thầy Quang vẫn hạnh phúc bên nhau.
Theo lời cô Bình, hiếm lắm mới có bữa ăn đầy đủ. Nói là đầy đủ nhưng bữa ăn cũng chỉ có vài miếng thịt hay con cá kho mặn ăn dần. Những ngày tiếp theo là điệp khúc lạc rang, cá khô, trứng chiên và rau rừng. Đằng đẵng hơn 18 năm với thầy Quang và hơn 19 năm với cô Bình, 2 giáo viên cắm tại bản đã thành một phần hơi sống của bản làng nơi đây.
Anh Hạ Bá Bì, điểm trường bản Đống Dưới chia sẻ: "Gia đình thầy Quang giờ đã thành một phần không thể thiếu của bà con 2 bản Đống. Năm nay, vì nhiệm vụ đơn vị giao, thầy Quang và cô Bình được nhà trường điều động về điểm trường chính để vừa dạy học cho học sinh vừa tham gia dạy đọc, viết chữ Mông cho các giáo viên. Thế nhưng, người dân 2 bản Đống luôn chờ đợi gia đình thầy sớm trở lại dạy học nơi đây. Với bà con chúng tôi vợ chồng và con cái thầy Quang đã được xem là người của bản Mông".
Lựa chọn một công việc mà không nhiều người dám hy sinh gắn bó, vợ chồng thầy giáo Hồ Viết Quang cùng rất nhiều giáo viên cắm bản đang góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều thế hệ trẻ thơ miền núi rừng xa xôi, nơi miền biên viễn của xứ Nghệ./.