Một cánh rừng săng lẻ cổ thụ nguyên sinh hiếm hoi ở Nghệ An được người dân thay nhau canh giữ, bảo vệ mấy chục năm qua khỏi tay lâm tặc.
Nằm bên Quốc lộ 7, đoạn qua xã Tam Đình (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An), rừng săng lẻ rộng hàng trăm héc-ta được lưu giữ nguyên vẹn. Để giữ được khu rừng săng lẻ nguyên sinh này có công rất lớn của những người dân bản Quang Thịnh, khi hằng ngày họ đã thay nhau cắt cử người tuần tra, bảo vệ.
Thay nhau hằng ngày đi tuần rừng
Từ TP Vinh, ngược theo Quốc lộ 7 đi khoảng 150 km, chúng tôi lên bản Quang Thịnh (xã Tam Đình). Đến đây chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi được chứng kiến hàng ngàn cây săng lẻ có đường kính từ 1-2 m, thẳng tắp, cao 30-40 m ngay bên quốc lộ. Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi khám phá ra nhiều điều thú vị xung quanh khu rừng săng lẻ, trong đó có câu chuyện họ thay nhau đi tuần hằng ngày để bảo vệ khu rừng.
Vừa sáng, theo chân ông Trần Văn Minh (SN 1963, trú bản Quang Thịnh) từ Quốc lộ 7, chúng tôi đi bộ men theo những lối mòn vào khu rừng săng lẻ. Dưới đất, cây bụi chằng chịt, phía trên lớp lớp những tán cây săng lẻ tỏa bóng bao trùm cả vùng. Dừng lại bên một cây săng đường kính trên 1 m, cao tầm 25 m, ông Minh cho biết: "Cây này là bình thường, trong khu rừng này còn có rất nhiều cây to 2-3 người ôm, cao 30-40 m, tuổi đời đến cả trăm năm". Nói rồi ông Minh lại tiếp tục đi sâu vào rừng. Gần 60 tuổi nhưng bước chân ông vẫn thoăn thoắt, những triền núi dốc ngược hai bên có rất nhiều cây săng lẻ được ông "chinh phục" một cách nhẹ nhàng. "Quen rồi chú à, mấy năm nay anh em chúng tôi ngày nào cũng thay nhau đi tuần rừng, các lối mòn, khe nước và những gốc cây lớn nhỏ ở khu rừng này tôi đều nhớ hết" - ông nói.
Cũng theo ông Minh, việc hằng ngày đi tuần tra, bảo vệ khu rừng săng lẻ đã diễn ra từ nhiều năm nay, được thực hiện bởi các hộ dân ở bản Quang Thịnh. "Trong bản có nhiều hộ dân tham gia việc tuần tra, bảo vệ rừng. Việc tuần tra được luân phiên nhau, ngày nào cũng có một tổ 2 người đi bộ xuyên rừng để kiểm tra xem có ai vào chặt phá, cây bị gãy đổ để xử lý kịp thời. Buổi sáng tầm 7-8 giờ xuất phát kiểm tra một vòng khu rừng đền tầm 11 giờ về. Trưa ăn cơm nghỉ ngơi xong, đầu giờ chiều lại đi tiếp đến cuối ngày. Đi bộ xuyên rừng tuy có vất vả nhưng vui vì mình đang góp một phần nhỏ giữ khu rừng săng lẻ nguyên sinh không bị chặt phá" - ông Minh tâm sự.
Càng tiến sâu vào rừng, mật độ cây càng dày đặc, to lớn. Dưới những tán cây, những đàn chim rừng ríu rít cất tiếng hót gọi bầy. Cảm giác bình yên bao trùm. "Cây rừng phát triển thì chim chóc kéo về vì có nơi trú ngụ, làm tổ. Mỗi lần đi tuần nghe chúng hót thấy rất vui, quên hết mọi mệt mỏi" - ông Minh chia sẻ.
Ông Vi Trường Vĩnh, tổ trưởng tổ bảo vệ rừng săng lẻ, nhìn nhận: "Tôi tham gia chăm sóc, bảo vệ khu rừng từ năm 2012, hoàn toàn tự nguyện với mong muốn bảo vệ khu rừng săng lẻ nguyên sinh cho thế hệ con cháu. Ở đây, ngoài gia đình tôi còn 10 hộ nữa cùng tham gia, hằng ngày anh em cử người đi bộ thay nhau tuần rừng". Cũng theo ông Vĩnh, sau nhiều năm thay nhau tình nguyện bảo vệ rừng, vài năm gần đây, các hộ tham gia được nhận một ít tiền hỗ trợ việc chăm sóc bảo vệ khu rừng săng lẻ. "Hiện mỗi năm được hỗ trợ hơn 90 triệu đồng, chia cho 11 hộ. Số tiền tuy không nhiều nhưng anh em rất vui vì việc làm có ý nghĩa, được động viên, ghi nhận" - ông Vĩnh tự hào.
Hương ước giữ rừng
Theo người dân địa phương, khu rừng săng lẻ nguyên sinh ở xã Tam Đình có từ rất lâu, khi người dân chuyển đến đây sinh sống đã có khu rừng này. Đến năm 1964, Lâm trường Tương Dương xin UBND tỉnh Nghệ An cho khai thác. Cụ Vi Chính Nghĩa lúc đó là Bí thư Huyện ủy Tương Dương, thấy khu rừng săng lẻ đẹp, có giá trị nên xin giữ lại 100 ha ở xã Tam Đình để chăm sóc. Năm 1992, sau khi về hưu, cụ Nghĩa đã tình nguyện dựng lán ngay trong rừng săng lẻ để tiện việc chăm sóc bảo vệ rừng. Thấy cụ Nghĩa tuổi cao hằng ngày tình nguyện đứng ra chăm sóc bảo vệ khu rừng nên người trong bản noi theo, không ai vào chặt phá. Đến năm 2015, cụ Nghĩa mất (87 tuổi), di sản cụ để lại là khu rừng săng lẻ nguyên sinh vẫn được bà con dân bản chăm sóc, bảo vệ.
Khu rừng săng lẻ nguyên sinh cổ thụ được người dân xã Tam Đình (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) bảo vệ mấy mươi năm qua
Ông Vi Văn Thắng, Chủ tịch UBND xã Tam Đình, kể: "Để bảo vệ khu rừng săng lẻ nguyên sinh, nhiều năm nay người dân bản Quang Thịnh đã thống nhất với nhau lập ra hương ước bảo vệ rừng. Nội dung hương ước quy định rõ những việc không được làm khi vào rừng săng lẻ. Nếu ai vi phạm thì sẽ bị nhắc nhở, xử lý trước toàn dân bản. Nhờ có hương ước mà việc bảo vệ khu rừng săng lẻ nguyên sinh ở đây tốt hơn".
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hải Âu, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tương Dương, mô tả khu rừng săng lẻ là khu rừng nguyên sinh gồm quần thể cây săng lẻ cổ thụ độc nhất Việt Nam. Để bảo tồn khu rừng đặc dụng này khỏi lâm tặc, hằng tuần Hạt Kiểm lâm phối hợp với UBND xã Tam Đình chỉ đạo, giám sát các hộ gia đình tham gia chăm sóc, bảo vệ rừng; tổ chức thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra rừng, vệ sinh rác thải hai bên đường. Sau mỗi đợt kiểm tra đều có báo cáo kịp thời tới chính quyền và lực lượng kiểm lâm để nắm bắt được tình hình an ninh rừng. Ngoài ra, để bảo vệ khu rừng đặc dụng này, Hạt Kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các cuộc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề bảo vệ rừng.
Xây trạm nghỉ, đường đi bộ ngắm rừng
Rừng đặc dụng săng lẻ Tương Dương được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt chuyển đổi từ rừng sản xuất sang rừng đặc dụng tại Quyết định số 113/QĐ-UBND ngày 10-1-2014; có diện tích được phê duyệt là 241,6 ha, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt rộng 53,85 ha, phân khu phục hồi sinh thái 141,82 ha, vùng đệm 45,93 ha.
Để phát huy được giá trị cảnh quan của khu rừng đặc dụng săng lẻ nâng cao giá trị du lịch của địa phương, UBND huyện Tương Dương đã xây dựng đề án phát triển du lịch huyện Tương Dương để kêu gọi các tổ chức đầu tư, giới thiệu phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cụ thể sắp tới sẽ đầu tư xây dựng trạm quan sát cảnh quan, đường đi bộ xuyên rừng để du khách tham quan./.