Ngày 27/5, bà Hoàng Thị Phương Thảo - Trưởng phòng GD-ĐT thành phố Vinh (Nghệ An) cho biết, đơn vị này đang yêu cầu các trường học trên địa bàn rà soát, lập danh sách các giáo viên bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố” thời gian qua để phối hợp cùng Công an thành phố Vinh làm rõ sự việc.

Phòng GD-ĐT thành phố Vinh cũng đề nghị lãnh đạo các trường quản lý chặt chẽ cán bộ, nhân viên, giáo viên trong hoạt động tín chấp. Đồng thời khuyến cáo các giáo viên cần lựa chọn các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín để vay tiền khi có nhu cầu. Trường hợp bị ghép ảnh, vu khống, bôi nhọ trên mạng xã hội thì cần báo cơ quan công an để có hướng xử lý.

a-1653720444.jpeg
Hiệu trưởng một trường mầm non ở thành phố Vinh bị ghép ảnh tung lên mạng xã hội

Theo bà Thảo, thời gian qua, nhiều giáo viên trên địa bàn liên tục bị một số đối tượng gọi điện thoại đến xưng là người của công ty tài chính đòi nợ. Nhóm này liên tục nhắn tin, gọi điện thoại đòi nợ khiến cuộc sống của một số giáo viên bị đảo lộn. Bà Thảo cũng liên tục bị đe dọa dù không vay tiền.

“Chúng gọi điện thoại liên tục, có khi xưng là người của công ty tài chính, có khi yêu cầu tôi chỉ đạo cô này cô kia trả tiền. Chúng còn bảo, nếu không làm được thì nghỉ việc đi”, bà Thảo kể.

Theo bà Thảo, do bị đòi nợ theo kiểu “khủng bố”, nhiều giáo viên đã phải nghỉ việc vì quá áp lực, thậm chí có giáo viên còn nghĩ đến việc tự tử, may mắn sự việc được phát hiện kịp thời.

Chị L.T.H (giáo viên một trường mầm non ở thành phố Vinh) cho biết, năm 2014, chị vay tín chấp của một công ty tài chính thuộc một ngân hàng 15 triệu đồng để sửa nhà. Theo hợp đồng, khoản vay này sẽ trả trong vòng 24 tháng. Tuy nhiên, chỉ sau 12 tháng vay, chị đã trả xong toàn bộ khoản nợ này. Gọi điện đến tổng đài, chị H. cũng được xác nhận đã tất toán nợ. 

b-1653720471.jpg
Cô Trâm Anh bị dọa sẽ ghép ảnh sex vì chặn số của nhóm đòi nợ

Tuy nhiên, đến năm 2017, chị H. bỗng dưng nhận được điện thoại của những kẻ đòi nợ, thông báo chị vẫn còn nợ 6 triệu đồng. Thấy quá vô lý, chị H. đề nghị những người này đến gặp chị để làm việc trực tiếp nhưng không được đáp ứng. 

Kể từ đó, chị H. và người thân liên tục bị gọi điện đe dọa, “khủng bố”. “Chúng gọi điện nói tôi còn nợ 6 triệu đồng, rồi 10 triệu đồng. Chúng quấy phá tôi suốt 5 năm qua, gần đây nhất chúng thông báo khoản nợ đã lên 100 triệu đồng”, chị H. nói và cho hay, không chỉ người thân, nhiều giáo viên ở trường chị cũng bị vạ lây vì chị. 

Sau đó chị H. phải chuyển trường, song nhóm này tiếp tục đeo bám, gọi điện thoại “khủng bố” các giáo viên, hiệu trưởng ở trường mới để yêu cầu chị H. trả tiền. Quá áp lực, hơn 1 tháng trước, chị H. đã quyết định xin nghỉ việc, đổi số điện thoại để không làm phiền đến đồng nghiệp.

Một cán bộ Phòng GD-ĐT thành phố Vinh cho biết, qua rà soát,  thời gian qua có khoảng 20 giáo viên bị “khủng bố” đòi nợ. Cô Trần Thị Trâm Anh - Hiệu trường Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (thành phố Vinh) cho biết, dù không vay tiền ở đâu, song thời gian gần đây, cô và người thân liên tục bị kẻ xấu “khủng bố” tinh thần, dọa xử nếu không yêu cầu cấp dưới trả tiền.

c-1653720500.jpg
Không chỉ giáo viên, nhiều người dân ở Nghệ An cũng bị đòi nợ theo hình thức tương tự, thậm chí còn dọa mang cả vòng hoa, quan tài đến cơ quan đón về

“Chúng gọi điện, nhắn tin liên tục. Không chỉ bản thân tôi mà cả gia đình, con đang học ở Hà Nội chúng cũng gọi điện thoại đến yêu cầu một giáo viên trả nợ”, cô Trâm Anh nói và cho hay, khoản nợ ban đầu từ 6 triệu đồng, nay chúng đòi hơn 13 triệu đồng. Song khi làm việc với giáo viên bị đòi nợ thì cô này cho biết không hề vay tiền từ bất kỳ tổ chức nào.

Ông Trần Xuân Tĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Yên Thành cho hay, ông cũng nhiều lần bị kẻ xấu gọi điện thoại “yêu cầu nghỉ việc” nếu không chỉ đạo cấp dưới trả nợ. “Rất phiền phức nhưng cứ chặn số này thì chúng lại dùng số khác để gọi”, ông Tĩnh nói.

Trước tình cảnh trên, mới đây, Sở GD-ĐT Nghệ An đã yêu cầu các phòng giáo dục, đơn vị trực thuộc sở báo cáo danh sách cán bộ, giáo viên bị “khủng bố” đòi nợ về sở, để sở chuyển cho cơ quan công an điều tra, xử lý.

Sở GD-ĐT Nghệ An cũng yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhân viên không vay mượn tiền của các nhóm cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, các app vay tiền không rõ nguồn gốc hay qua các đối tượng trung gian.

Trường hợp cán bộ, giáo viên, nhân viên đã vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân (qua mạng hay các tổ chức tín dụng khác) đã trả nợ hoặc chưa trả đủ, bị đe dọa, khủng bố, cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm giải pháp xử lý./.