Vượt qua quan niệm “cứu người phải đền mạng cho hà bá” của dân vạn chài, hai vợ chồng anh Hoàng Văn Mạnh, Đậu Thị Phúc và người em Đậu Văn Toàn, làm nghề chài lưới, đã cứu sống hàng chục người nhảy cầu tự vẫn trên sông Lam.
Căn nhà nhỏ nằm bên mép sông Lam hun hút gió. Anh Hoàng Văn Mạnh (41 tuổi) và em vợ là Đậu Văn Toàn (31 tuổi) nhìn ra cầu Bến Thủy (bắc qua sông Lam, nối Nghệ An và Hà Tĩnh) thở dài bảo “từ Tết Nguyên đán đến nay đã có 4 người nhảy cầu. Bọn em cứu được 2 người”.
Nghe gọi là đi cứu người
Đêm mùng 9 tháng giêng vừa qua, bữa rượu trong căn nhà nhỏ nằm bên mé sông Lam của vợ chồng anh Mạnh đang vui thì bị đứt quãng bởi cuộc điện thoại của anh cảnh sát khu vực. Chị Đậu Thị Phúc (vợ anh Mạnh) nghe máy xong, buồn bã thông báo: “Có đứa con gái vừa nhảy cầu Bến Thủy, bỏ xe máy và thư tuyệt mệnh trên cầu”. Anh Mạnh và anh Toàn đứng bật dậy, khoác áo ấm, lấy đèn pin chạy ra sông. Chiếc thuyền nổ máy phành phạch chạy về hướng chân cầu Bến Thủy, cách đó chừng 300 m.
Đêm tối như mực, nước sông lạnh buốt. Hai chiếc đèn pin khua khắp mặt sông để tìm kiếm. Chừng 30 phút sau, khi cuộc tìm kiếm tưởng như đã vô vọng thì bất ngờ ánh đèn pin của anh Toàn phát hiện một “vật thể lạ” đang lập lờ trên mặt nước. Mũi thuyền lập tức quay về phía đó. Cô gái nhảy cầu vẫn còn sống, đã được đưa lên thuyền trong tình trạng kiệt sức vì lạnh. Bằng kinh nghiệm, anh Toàn dốc nước, sơ cứu, khoác áo ấm lên người cô gái. Anh Mạnh tăng tốc cho thuyền chạy về nhà mình để ủ ấm cho cô gái.
“Cô này ở TP.Vinh, đã ngoài 30 tuổi nhưng chưa muốn lấy chồng, bị bố mẹ ép, quở mắng nên nghĩ quẩn, ra nhảy cầu. Trời thì lạnh buốt mà cô ấy lại không biết bơi, nhưng may phúc, nhảy xuống rồi lại trồi lên, nằm ngửa trên mặt nước nên không chết”, anh Mạnh kể. Đêm đó, cô gái xin ngủ lại ở nhà vợ chồng anh Mạnh. Sáng hôm sau, khi trấn tĩnh lại, cô mới chào gia đình anh để về nhà.
Cách hôm tôi đến chừng vài tuần trước, anh Mạnh và anh Toàn cũng vừa cứu sống một người đàn ông 37 tuổi ở H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) dưới cầu Bến Thủy. Anh Toàn kể tầm 9 giờ sáng, sau khi anh vừa đi thả lưới về thì công an phường gọi điện cho chị Phúc thông báo có người đàn ông nhảy cầu. Anh Mạnh và anh Toàn nhận được tin lập tức lên thuyền. Sau khoảng hơn nửa giờ đồng hồ, hai anh phát hiện người này đang chới với dưới nước, cách chân cầu khoảng 400 m về phía hạ lưu. Khi đưa lên thuyền, người này đã tím tái vì lạnh và sắp kiệt sức. Được sơ cứu, sưởi ấm, uống nước gừng, người đàn ông hồi tỉnh rồi trở về nhà.
Căn nhà của vợ chồng anh Mạnh và anh Toàn bên mép sông Lam
Anh Mạnh và anh Toàn dẫn tôi ra sông Lam. Gió mùa tràn về, thổi thông thốc, lạnh buốt. Chỗ này cách cửa biển không xa nên nước sông theo lịch thủy triều lúc lên, lúc xuống. Từ mép bờ bên này qua mép bờ sông Lam bên kia hơn 600 m. Sông sâu có nơi cả chục mét. Những người chọn lối thoát tiêu cực ở cây cầu này gần như ít có cơ hội quay trở về, nếu không được cứu kịp thời. “Có những người may phúc, nhảy xuống nhưng không chìm mà nổi lên, nên chúng tôi mới cứu được, chứ sông rộng và sâu thế này, rất khó”, anh Toàn nói.
Vượt qua nỗi sợ đền mạng
Anh Mạnh gốc gác ở Quảng Bình. Mấy chục năm trước, cha mẹ anh ra Nghệ An bám sông, lấy thuyền làm nhà đánh cá mưu sinh rồi sinh ra anh trên thuyền. Bố mẹ chị Phúc quê ở xã Hưng Châu (H.Hưng Nguyên, Nghệ An), cũng sinh ra và lớn lên trên con thuyền neo bên bờ sông Lam. Năm 2002, bố chị Phúc đổ bệnh rồi mất trên thuyền ở tuổi 48. Anh Toàn là con út, lên bờ theo học đến lớp 7 rồi nghỉ, quay xuống sông Lam nối nghiệp chài lưới của cha mẹ.
Năm 2008, cả nhà kéo lên bờ, dựng cái chòi bên mé sông Lam (thuộc khối 15, P.Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An) trú ngụ. Mùa lũ đến, nước dâng, chòi tan hoang. 2 năm sau, không trụ nổi với cái chòi tạm bợ, mấy con người khốn khổ này mua cát, xi măng xây cái nhà nhỏ bên bãi đất hoang cạnh đó. 5 năm sau, mẹ của chị Phúc mất. 5 người con lần lượt lập gia đình, 3 người thoát ly khỏi sông nước, còn chị Phúc và người em trai vẫn ở lại bám sông. 31 tuổi, anh Toàn vẫn chưa cưới vợ.
Năm 2008, cả nhà kéo lên bờ, dựng cái chòi bên mé sông Lam (thuộc khối 15, P.Bến Thủy, TP.Vinh, Nghệ An) trú ngụ. Mùa lũ đến, nước dâng, chòi tan hoang. 2 năm sau, không trụ nổi với cái chòi tạm bợ, mấy con người khốn khổ này mua cát, xi măng xây cái nhà nhỏ bên bãi đất hoang cạnh đó. 5 năm sau, mẹ của chị Phúc mất. 5 người con lần lượt lập gia đình, 3 người thoát ly khỏi sông nước, còn chị Phúc và người em trai vẫn ở lại bám sông. 31 tuổi, anh Toàn vẫn chưa cưới vợ.
Hai vợ chồng anh Mạnh cưới nhau xong, sắm con thuyền riêng để sinh sống và đánh cá. 10 năm sau mới lên bờ dựng nhà. Anh Toàn từ đó cũng đánh cá chung thuyền với vợ chồng chị gái. Vượt qua quan niệm của dân sông nước rằng “cứu người chết đuối, hà bá sẽ bắt mình thế mạng”, vợ chồng anh Mạnh và anh Toàn làm ngược lại: phải cứu người. Ngần ấy năm đánh cá trên sông Lam, gần khu vực cầu Bến Thủy, vợ chồng anh Mạnh và anh Toàn không nhớ đã cứu được bao nhiêu người nhảy cầu. “Cũng khoảng hơn hai chục người. Có năm nhiều nhất, chúng tôi cứu được 4 người, có năm 1 - 2 người”, anh Mạnh nói.
Anh Hoàng Văn Mạnh (trái) và anh Đậu Văn Toàn trên chiếc thuyền đánh cá đã cứu được nhiều người nhảy cầu
Vui khi thấy người được cứu hạnh phúc
“Sự sống đáng quý, nhưng mỗi người một hoàn cảnh nên cũng có lúc nghĩ quẩn. Bọn em vui nhất khi thấy họ sống tích cực sau khi được cứu”, anh Toàn nói. Một cậu học sinh lớp 8 giận bố mẹ, ra nhảy cầu, được vợ chồng anh Mạnh và anh Toàn cứu sống mấy năm trước giờ đã là một thanh niên trưởng thành, xin kết nghĩa anh em với vợ chồng anh Mạnh và anh Toàn. Một người chồng bị vợ bỏ, để lại những đứa con nheo nhóc, uất ức ra nhảy cầu, được cứu sống mới nhận ra mình nên sống để nuôi con. Một cô gái bị người yêu phản bội, giận dữ ra cầu Bến Thủy gieo mình, được cứu và nay có một gia đình hạnh phúc.
Nghề chài lưới ngày càng khó. Cuộc sống của gia đình anh Mạnh, anh Toàn lại hoàn toàn dựa vào những tấm lưới. “Làm ngày mô ăn ngày đó, ngày mô nghỉ lưới là đói”, chị Phúc nhìn ra dòng sông hun hút gió thở dài.
Khu đất phía đông chân cầu Bến Thủy, nơi những ngư dân ngụ cư này dựng nhà, đang được một doanh nghiệp dòm ngó để làm khu đô thị mới. Tôi bất giác tiếc nuối khi nghĩ đến ngày đó, ba con người này không còn nơi cắm dùi để canh gác cái chân cầu này nữa...